Thị trường ngoại: Cơ hội mới của doanh nghiệp viễn thông

08:05, 14/02/2013
|

(VnMedia) - Khẳng định vị thế tại thị trường trong nước, các doanh nghiệp viễn thông Việt đã và đang tính đến việc kinh doanh tại các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới. Bước đầu đã có những thành công đáng ghi nhận…

 

 Ảnh minh họa

Năm 2012 vừa qua, công ty Viễn thông quốc tế VNPT-I, trực thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT đã có bước tiến ngoạn mục trong việc kinh doanh, phát triển thị trường ngoại quốc, nhất là các thị trường Lào, Campuchia.

 

Năm 2012, công ty VNPT-I đã hợp tác với đối tác Tổng Công ty Viễn thông Campuchia (Telecom Cambodia) triển khai lắp đặt hệ thống thiết bị (POP) và cung cấp dịch vụ viễn thông quốc tế tại thủ đô Phnom Penh (Campuchia). Tuyến truyền dẫn có chiều dài trên 260 km kết nối từ POP cung cấp dịch vụ của VNPT-I ở thủ đô Phnom Penh Campuchia đến Tp. Hồ Chí Minh - Việt Nam .

 

Từ đây, đường truyền viễn thông quốc tế được mở rộng kết nối đến các nước châu Á, đi châu Âu, Bắc Mỹ qua các hệ thống cáp quang biển SMW3, AAG… và các hệ thống cáp quang trên đất liền đi Lào, Trung Quốc. Hệ thống được thiết kế đảm bảo tính dự phòng và khôi phục cao. Tuyến truyền dẫn là kênh kết nối thông tin huyết mạch, quan trọng đi quốc tế của Telecom Cambodia .

 

Cùng với Campuchia, năm 2012, VNPT-I cũng tích cực bám sát thị trường Lào để cung cấp dịch vụ và đạt được kết quả tốt. VNPT-I hiện đang cung cấp gần 60% tổng dung lượng kết nối của thị trường Lào. Tháng 11/2012, theo yêu cầu của Đài truyền hình Quốc gia Lào, VNPT-I đã xây dựng phương án và cử cán bộ sang phục vụ Hội nghị ASEM 9 tại Viêng Chăn.

 

Ngoài việc phát triển thị trường ngoài nước, VNPT-I tiếp tục duy trì mối quan hệ ổn định, hợp tác song phương với các đối tác tại nhiều khu vực trên thế giới như Bắc Mỹ với AT&T, Sprint, Verizon…, Châu Á với NTT, KDDI, Softbank, LG Telecom, KT, China Telecom, Singtel…, khu vực châu Úc với Telstra, Telenor, Telecom Italia…

 

Là một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet số một tại Việt Nam, công ty Điện toán và Truyền số liệu VDC cũng đã có những bước tiến ấn tượng ra thị trường nước ngoài. Ngay từ đầu năm 2012, VDC đã đặt quyết tâm thực hiện nhanh các dự án phối hợp với đối tác đầu tư kênh truyền dẫn và dịch vụ Internet không dây băng rộng tại thị trường Lào và Campuchia, tạo nguồn doanh thu mới cho doanh nghiệp. Trước đó, doanh nghiệp cũng đã phát triển kinh doanh thành công sang thị trường HongKong.

 

VDC đã và đang quyết tâm thực hiện mục tiêu đến năm 2015 sẽ là đơn vị dẫn đầu thị trường về cung cấp sản phẩm và dịch vụ trên nền điện toán đám mây. Không chỉ phát triển, kinh doanh ở thị trường trong nước, VDC sẽ tham gia kinh doanh trực tiếp tại các thị trường quốc tế với việc đưa các dịch vụ và thiết lập hạ tầng tại Lào, Campuchia, Úc, Đài Loan…

 

Còn MobiFone, những “viên gạch” đầu tiên tại thị trường nước ngoài đã được mạng di động này thiết lập. Mới đây, MobiFone đã đặt văn phòng đại diện tại Myanmar để thể hiện cam kết sẽ đầu tư lâu dài ở thị trường này.

 

Vào tháng 8/2012, một phái đoàn của VNPT, dẫn đầu là ông Lê Ngọc Minh, Phó Tổng giám đốc VNPT, Chủ tịch MobiFone đã có chuyến thăm đến Myanmar để gặp gỡ các đối tác Myanmar trong lĩnh vực viễn thông. Chuyến đi này đánh dấu bước đi đầu tiên của MobiFone trong kế hoạch mở rộng kinh doanh ra các thị trường nước ngoài. MobiFone dự kiến sẽ đầu tư ra nước ngoài và phục vụ cho thị trường khoảng 200 triệu dân.

 

Theo Chủ tịch MobiFone Lê Ngọc Minh, việc đầu tư ra nước ngoài ở thời điểm này vô cùng khó khăn và nhiều thử thách. Nhưng nếu muốn trở thành doanh nghiệp lớn mạnh thì không thể chỉ khai thác ở thị trường trong nước hữu hạn với khoảng 100 triệu dân, mà phải đi tìm kiếm thị trường mới. MobiFone chắc chắn sẽ trưởng thành hơn và tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn nếu đi ra nước ngoài.

 

Tin rằng, mục tiêu của MobiFone sẽ đạt được nhờ những kinh nghiệm, năng lực đã có ở thị trường trong nước. Được biết, năm 2012, MobiFone đã đạt những kết quả đầy ấn tượng: Doanh thu phát sinh đạt gần 41.000 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế đạt 6.600 tỷ đồng; Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn đầu tư của chủ sở hữu đạt 51,28%; Tính đến cuối tháng 11/2012, đã nộp 4.872 tỷ đồng thuế vào ngân sách Nhà nước. Đó là những con số ấn tượng mà MobiFone đã đạt được trong bối cảnh đầy khó khăn của năm 2012.

 

Với năng suất lao động khoảng 6,7 tỷ đồng/người/năm, MobiFone đã vượt qua doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, khoáng sản, xăng dầu, bảo hiểm… để đứng vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng Top 1000 doanh nghiệp đóng thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam - V1000 năm 2012 do Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố mới đây.


Hiền Mai

Ý kiến bạn đọc