(VnMedia) - Phát ngôn viên Dan Snyder cho biết, sau 20 năm bán bo mạch chủ dành cho máy tính để bản, Intel sẽ từ giã mảng kinh doanh này.
Gã khổng lồ chuyên sản xuất chip máy tính sẽ sớm rút lui khỏi thị trường bo mạch chủ sau khi chip Haswell thế hệ mới xuất xưởng, và dự kiến sẽ bỏ hẳn thị trường này trong vòng 3 năm tới.
Động thái của Intel xuất phát từ hai sức ép chính. Thứ nhất, Intel từ bỏ mảng kinh doanh nay vì nhu cầu bo mạch chủ máy tính để bàn không còn cần nhiều như trước đây. Nhu cầu này đang dịch chuyển sang laptop và máy tính bảng. Thứ hai, các công ty như Asus, Gigabyte và Asrock mang tới thị trường này nhiều sản phẩm phong phú với các tính năng cải tiến. Do đó, đây là thời gian để Intel thay đổi, phát ngôn viên Dan Snyder chia sẻ.
Intel sẽ chuyển nguồn lực từ bo mạch chủ máy tính để bàn sang lĩnh vực đang phát triển khác. Chẳng hạn như việc phát hành NUC gần đây có kích cỡ nhỏ 4x4, máy tính khép kín. Intel cũng sẽ tập trung cải thiện ultrabook và thiết kế các hệ thống tất cả trong một. Các nhà sản xuất cũng sẽ được cấp giấy phép thiết kế hoàn chỉnh hoặc chỉ một phần thiết kế của Intel tích hợp trong các sản phẩm của họ. Loại thiết kế tích hợp này có thể tìm thấy trên bo mạch Thin ITX ra mắt gần đây của Gigabyte.
Ngoài việc theo đổi các lĩnh vực đang nổi, Intel cũng sẽ nỗ lực mở rộng mảng thiết kế FFRD, hỗ trợ các đối tác sản xuất thiết bị gốc (OEM) trong việc phát triển các thiết kế bo mạch mới dành cho máy tính để bàn.
Intel bắt đầu sản xuất bo mạch chủ từ năm 1993 nhưng chưa bao giờ là đối thủ “nặng ký” nhất trong phân khúc này, mặc dù nhiều nhà sản xuất PC sử dụng bo mạch Intel. Asus, Gigabyte và nhiều nhà sản xuất phụ kiện khác chiếm lĩnh hầu hết thị phần bán lẻ và các mảng phụ trợ cho bo mạch chủ. Các công ty này có truyền thống tích hợp những tính năng cải tiến nhất cho bo mạch chủ, chẳng hạn như ép xung tự động hay nhiều thủ thuật mà giới "vọc" máy tính ưa thích, khiến cho sản phẩm của Intel không thể nào bắt kịp.
Ý kiến bạn đọc