(VnMedia) - Không chỉ đánh giá, CNTT là một ngành hạ tầng quan trọng vào bậc nhất trong điều kiện hội nhập, phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, tại Hội nghị triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về phát triển hạ tầng thông tin được Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng nay, 15/1, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải còn khẳng định: “Phi tin, bất phú”.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về phát triển hạ tầng thông tin được Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng nay, 15/1, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đánh giá rất cao sáng kiến tổ chức Hội nghị của Bộ. Theo Phó Thủ tướng, ngành CNTT-TT năm qua đã có kết quả đạt được ấn tượng, phát triển nhanh, ổn định. Điều đó thể hiện năng lực cạnh tranh của Ngành.
Tuy nhiên,ngành CNTT-TT vẫn có thể làm tốt hơn. Theo Phó Thủ tướng, ngành CNTT-TT hiện vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, đặc biệt là nhận thức về vai trò của CNTT đối với các cấp, ngành, kể cả doanh nghiệp vẫn còn khiêm tốn. Theo Phó Thủ tướng, chúng ta hay nói “Phi thương, bất phú”, nhưng để có “thương” thì ở giai đoạn hiện nay phải có “tin”. Câu nói “phi thương, bất phú” nay phải chuyển thành “Phi tin, bất phú”.
|
Câu hỏi đặt ra là hiện có bao nhiêu doanh nghiệp và bao nhiêu cấp lãnh đạo ở các cơ quan, đơn vị nhận thức được vấn đề này? CNTT là một ngành hạ tầng quan trọng vào bậc nhất trong điều kiện hội nhập, phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và đặc biệt là tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiệu quả. Chính vì vai trò như vậy nên Trung ương đã ra Nghị quyết số 13 về vấn đề phát triển viễn thông, hạ tầng đồng bộ.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cần quán triệt tầm quan trọng của CNTT-TT, coi CNTT-TT là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế đất nước, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cùng với đó là đẩy mạnh đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực CNTT-TT, cần định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông để xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn kỹ năng nhân lực phù hợp quốc tế.
Mặt khác, phải đẩy mạnh hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, đưa các doanh nghiệp chủ lực về CNTT ngang tầm với thế giới; đẩy mạnh xây dựng các khu công nghiệp CNTT tập trung, khu công viên phần mềm để thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư, trong đó có các quốc gia hàng đầu về CNTT như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh đầu tư ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử vững mạnh ở các địa phương.
Lĩnh hội các ý kiến chỉ đạo đó của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Hội nghị triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về phát triển hạ tầng thông tin được Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức chính là để quán triệt các nội dung của Nghị quyết 13-NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng và các Nghị quyết của Chính phủ, chương trình hành động của Bộ Thông tin và Truyền thông về xây dựng hạ tầng thông tin đến các cơ quan, Bộ, Ngành, Địa phương và các doanh nghiệp CNTT-TT.
Hội nghị còn là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và các chuyên gia trao đổi, thảo luận các giải pháp, nhiệm vụ, hành động, phương thức phối kết hợp, phương án huy động nguồn lực, xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhằm triển khai phát triển hạ tầng thông tin đồng bộ, hiệu quả.
Hội nghị được chia làm 4 phiên với các nội dung cụ thể. Trong phiên khai mạc, nội dung tập trung vào những trọng tâm cần quán triệt để xây dựng hạ tầng thông tin, nhằm nâng cao quyết tâm chính trị, thực hiện Nghị quyết TW ở các cấp, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan Đảng, Chính phủ.
Phiên thứ hai bàn về phát triển hạ tầng bưu chính, viễn thông: Tập trung chủ yếu vào chủ đề phát triển mạng truy nhập băng rộng; nâng cao hiệu quả sử dụng hệ thống 3G; nâng cao năng lực truyền dẫn mặt đất, vệ tinh, cáp quang; chính sách, quy hoạch tần số vô tuyến điện, phát triển mạng dùng riêng, mạng chuyên dùng; xây dựng hạ tầng kỹ thuật đảm bảo an toàn, an ninh thông tin quốc gia; xây dựng hạ tầng bưu chính công cộng đồng bộ, hiệu quả.
Phiên thứ ba về ứng dụng hiệu quả CNTT trong các cơ quan nhà nước, các ngành kinh tế và xã hội, chính quyền điện tử: tập trung vào các nội dung Triển khai Chương trình ứng dụng CNTT trong hoạt động CQNN, phát triển chính phủ, chính quyền điện tử theo tinh thần Nghị quyết 13, Hội nghị Trung ương 4 về phát triển hạ tầng ứng dụng CNTT; Tình hình triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên môi trường; vấn đề xây dựng hạ tầng Chính phủ điện tử trên nền tảng đám mây, nguồn mở…
Phiên cuối cùng họp về phát triển công nghiệp CNTT: Tập trung vào các chủ đề vai trò của công nghiệp CNTT và định hướng phát triển đến năm 2020; hạ tầng cho phát triển công nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT; phát triển các khu CNTT tập trung tại các địa phương; giải pháp tạo môi trường chính sách, hạ tầng thuận lợi phát triển thị trường, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp CNTT.
Hội nghị được tổ chức dưới hình thức hội nghị trực tuyến, với 56 điểm cầu tại văn phòng uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành trên cả nước. Đã có gần 2000 đại biểu là lãnh đạo các Bộ, Ngành liên quan, lãnh đạo UBND các tỉnh, lãnh đạo các sở TT&TT, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ… cùng đại diện nhiều doanh nghiệp, chuyên gia CNTT trong và ngoài nước.
WiFi thương hiệu VNPT sẽ được triển khai trên toàn quốc
Đặt ra nhiều mục tiêu phát triển từ nay cho tới năm 2020, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT đang nỗ lực để đem nhiều tiện ích tới người dùng từ hạ tầng băng rộng, truyền tải đến phát triển các dịch vụ di động, cố định…
Tham luận tại Hội nghị triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về phát triển hạ tầng thông tin được Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, Phó Tổng giám đốc VNPT Nghiêm Phú Hoàn cho hay, mục tiêu của Tập đoàn là đến năm 2020, mạng truy nhập của doanh nghiệp sẽ được phủ đến toàn bộ các bản/làng vùng sâu, vùng xa.
Về phát triển di động và cố định, VNPT đang triển khai công nghệ 4G, trước mắt thí điểm cung cấp dịch vụ. VNPT sẽ cung cấp chính thức khi được Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép. Tập đoàn đang nỗ lực triển khai dịch vụ WiFi thương hiệu VNPT trên toàn quốc. Ngoài ra, VNPT vẫn đang tập trung phát triển hạ tầng mạng NGN cung cấp các dịch vụ đa phương tiện; nâng cao năng lực mạng chuyên dùng cho Đảng và Chính phủ.
Về hạ tầng CNTT, VNPT sẽ tăng cường năng lực trung tâm dữ liệu tập trung, mở rộng trung tâm dữ liệu VDC-DC, phục vụ nhu cầu phát triển bùng nổ về dữ liệu Data và các ứng dụng. Hoàn thành hệ thống đám mây bao gồm cả cá nhân và công cộng của Tập đoàn, xây dựng các giải pháp CNTT trên nền tảng đám mây. VNPT sẽ chính thức cung cấp dịch vụ trên nền tảng đám mây trên thị trường trong năm 2013 này.
|
Ý kiến bạn đọc