(VnMedia) - Năm 2012, bạn gần như “bội thực” với các mẫu smartphone cao cấp liên tiếp được các hãng tung ra. Đó chưa kể vụ IPO kỷ lục của Facebook nhưng sau đó nhanh chóng “xì hơi” khiến cho thị trường cổ phiếu bị khuynh đảo. Rồi tới vụ kiện tụng đình đám giữa Apple và Samsung khiến báo chí tốn không biết bao nhiêu giấy mực. Năm 2013 sẽ tiếp tục những xu hướng này nhưng có thể sẽ không theo cái cách mà mọi người nghĩ.
“Ngôi vương” Apple bị đe dọa
Không có gì là mãi mãi, và trường hợp của Apple cũng vậy. Sau một thời gian dài ngự trị trên thị trường điện thoại, cuối cùng “Quả táo” cũng bị Samsung qua mặt về số lượng doanh thu smartphone. Mặc dù iPhone 5 có nhiều khởi sắc về doanh số nhưng cũng không thể giúp hãng điện thoại Mỹ duy trì mãi vị trí độc tôn, và người ta dễ dàng suy đoán ra xu hướng tất yếu trong năm tới đây khi Samsung đang nổi lên là tay chơi kỳ cựu và đẳng cấp. Apple chỉ là một công ty và nó không thể chống lại cả một nhóm các đối thủ đang vun đắp cho nền tảng di động Android.
Tuy nhiên, điều này không phải là cú sốc quá lớn lao với Apple, vốn đang làm mưa làm gió trên thị trường với các sản phẩm đình đám như MacBook, dịch vụ iTunes và iPhone. Thời gian qua người ta cũng từng chứng kiến nhiều đối thủ Apple nổi lên nhưng rồi lại lịm đi, như HTC chẳng hạn. Tuy nhiên, nếu các công ty sản xuất smartphone thuộc nhóm Android mạnh lên và có doanh số bán ra vượt trội, thì đó sẽ là nguy cơ thực sự với “Quả táo”.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Bloomberg, Chủ tịch của Google là Eric Schmidt đã tự tin khẳng định nền tảng của họ -Android đang thắng trong cuộc chiến dai dẳng với iOS.
Microsoft và con đường không trải hoa hồng
2012 là năm chứng kiến sự quay trở lại của “ông lớn” Microsoft trên thị trường tiêu dùng. Windows 8 được công bố gần như đồng thời với Windows Phone 8 và chiếc máy bảng Surface đình đám do chính hãng này sản xuất.
Hiện vẫn còn quá sớm để nói rằng doanh số bán ra Windows 8 đạt mức kỳ vọng, nhưng những gì hiện nay cho thấy có nhiều dấu hiệu khả quan cho việc này, và với Surface cũng vậy. Tuy nhiên, một chi tiết cũng rất đáng chú ý là Steven Sinofsky, vốn là “đầu tàu” của cả hai mảng này vừa rời Microsoft và dự định sẽ dạy tại Trường Kinh doanh Harvard trong năm 2013.
Hiện Microsoft vẫn đang chiếm lĩnh thị trường PC vốn không có nhiều sự tăng trưởng, và có những khởi đầu tương đối rõ ràng đối với 2 thị trường phát triển nhanh là smartphone và máy tính bảng. Nhưng mọi thứ vẫn còn ở phía trước và với cách điều hành như hiện nay của Steve Ballmer, vốn bị giới trong ngành chê bai rất nhiều trong thời gian qua, thì việc Microsoft có lấy lại thời kỳ hoàng kim như trước đây (thời của Bill Gates) hay không thì vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ.
“Trùm” mạng xã hội Facebook
Facebook là một minh chứng rõ ràng cho câu chuyện một công ty làm khách hàng nổi giận và họ thề sẽ không bao giờ sử dụng sản phẩm của hãng nữa. Nhưng sau đó công ty này xin lỗi (đôi khi chỉ nói đấy là sự hiểu nhầm) rồi khách hàng lại mau chóng nguôi ngoai và ùn ùn đổ về sau đó ít hôm. Đó chính là Facebook, một nhân tố mà người ta ví như “cơn nghiện”, khiến người dùng khó có thể “cai” được.
Có một chi tiết đáng chú ý là Facebook không coi người dùng là khách hàng của họ, mà khách hàng thực sự lại chính là những nhà quảng cáo trên mạng xã hội này, cũng giống như cái cách mà Instagram (đã bị Facebook mua lại) đối xử với khách hàng của mình. Có lẽ Facebook đang nghĩ rằng người dùng buộc phải gắn mình với mạng xã hội của họ ít nhất là trong vài năm tới.
Kiện tụng lẫn nhau
Hoạt động này trong năm vừa rồi vô cùng sôi động và hiển nhiên nó vẫn là xu hướng chủ đạo trong năm 2013. Những tên tuổi lớn như Apple, Google, Microsoft, Samsung… chắc chắn vẫn kiện tụng lẫn nhau. Thậm chí, một vụ tranh chấp bản quyền giữa Apple và Samsung còn được dự kiến đưa ra tòa vào năm 2014. Các “ông lớn” trong giới công nghệ sẽ tiếp tục trả hàng tỉ USD để giàn xếp kiện tụng và mua lại những bản quyền họ cần.
Ý kiến bạn đọc