Top 10 sự kiện công nghệ chấn động nhất 2012

06:36, 31/12/2012
|

(VnMedia) - Năm 2012 khép lại với nhiều sự kiện nổi bật trong thế giới công nghệ từ việc Microsoft phát hành Windows 8, tới cuộc chiến pháp lý hay những vụ thâu tóm đình đám, cú vấp ngã lớn nhất trong lịch sử của Apple…

Windows 8

Ảnh minh họa


Có lẽ sự kiện lớn nhất trong năm nay là việc Microsoft phát hành hệ điều hành Windows 8 tạo ra nguồn năng lượng mới cho hệ sinh thái PC. Hệ điều hành này được thiết kế thiên về cảm ứng và là hệ điều hành đầu tiên có thể chạy trên cả máy tính để bàn, laptop và máy tính bảng. Hệ điều hành này ra đời nhằm đảm nhiệm vai trò hợp nhất các nền tảng tạo thành một thể thống nhất giữa PC và thiết bị di động. Điểm đặc biệt hơn là Microsoft phát hành cả máy tính bảng của riêng mình, để cạnh tranh trực tiếp với cả các nhà sản xuất OEM vồn là đồng minh thân cận của Microsoft.

Không chỉ là hệ điều hành sáng tạo, Windows 8 ra đời còn thúc đẩy nhiều sản phẩm mang tính đột phá khác như những dòng laptop lại máy tính bảng độc đáo của Lenovo, HP, Dell…

Cuộc chiến Apple và Samsung

Cuộc chiến dai dẳng giữa Apple và Samsung đã diễn ra hơn một năm qua với hàng loạt vụ kiện trải dài ở hơn 10 quốc gia trên toàn thế giới. Cuộc chiến này vẫn chưa có hồi kết và tỷ lệ thắng bại được chia đều cho hai bên. Bước ngoặt lớn nhất của vụ kiện này là tòa án Mỹ đưa ra phán quyết cho rằng, Samsung đã cố tình sao chép sản phẩm iPhone và iPad của Apple và yêu cầu Samsung bồi thường cho Apple hơn 1 tỷ USD. Đây là khoản tiền bồi thường kỳ lục đầu tiên trong cuộc chiến giữa hai tên tuổi trong làng smartphone này.

Samsung cũng giành chiến thắng nhỏ khi tòa án từ chối yêu cầu của Apple đòi cấm vĩnh viễn sản phẩm của Samsung trên thị trường. Apple cũng nhận cú sốc lớn khi văn phòng bằng sáng chế Mỹ phủ nhận bằng sáng chế zoom bằng hai ngón tay trên màn hình cảm ứng của hãng này. Cuộc chiến giữa Apple và Samsung vẫn tiếp diễn tại hàng chục quốc gia trên thế giới và dự đoán sẽ còn tiếp tục bùng phát mạnh mẽ hơn cho đến cuối năm 2013.

Megaupload đóng cửa

Hồi tháng Giêng, một trong những site chia sẻ file nổi tiếng nhất thế giới - Megaupload đã bị xóa sổ khỏi Internet, tên miền và tài sản đã bị tịch thu, và người sáng lập bị cảnh sát New Zealand bắt giữ

Ảnh minh họa


Megaupload.com bị tố cáo vi phạm bản quyền, làm tổn thất doanh thu ít nhất là 500 triệu USD. Bản cáo trạng được đưa ra một ngày sau khi hàng loạt trang web nổi tiếng, như Wikipedia, Google và Craigslist đóng cửa trang web để phản đối dự luật về vi phạm bản quyền Internet SOPA và PIPA. Hai dự luật này được xem là rất vô lý và có thể “giết chết Internet” khi ngăn chặn không cho phép người dùng truy cập vào các website có chứa nội dung vi phạm bản quyền. Dự luật này đã khiến nhóm tin tặc khét tiếng Anonymous “nóng mặt” và ngay lập tức đã đánh sập trang web của tổ chức này và Hiệp hội hình ảnh của Mỹ.

Sau đó không lâu, chủ sở hữu của Kim Dotcom đã nổi như cồn tại quê hương New Zealand khi ông ta trở thành một hiện tượng của mạng Internet. Thâm chí tòa án New Zealand còn cho phép Kim Dotcom kháng cáo lại chính phủ vì có hành động theo dõi ông ta trong một thời gian dài.

Phát hành IPO của Facebook

Năm 2012 đánh dấu sự thương mại rầm rộ của mạng xã hội lớn nhất trên thế giới – Facebook khi họ phát hành cổ phiếu IPO, một vụ IPO lớn nhất trong lịch sử những công ty công nghệ, mang về 16 tỉ USD cho Facebook. Tuy không lâu sau giá IPO đã lao đốc mạnh giảm gần một nửa còn 18USD/1 cổ phiếu chỉ sau ba tháng.

Apple thất bại với bản đồ trực tuyến

Bản đồ Apple có thể nói là thất bại lớn nhất của Apple từ trước tới giờ. Chưa bao giờ người dùng iDevice lại chứng kiến một ứng dụng quan trọng bị làm quá cẩu thả. Hình ảnh 3D sai lệch, ứng dụng chỉ đường không chính xác khiến nhiều người dùng lâm phải cảnh “dở khóc dở cười”. Việc ra mắt bản đồ riêng của mình cũng đã chính thức kết thúc mối quan hệ giữa Apple và Google khi ở hệ điều hành iOS 6, Apple loại bỏ cả Youtube lẫn Google Maps.

Ảnh minh họa


Bản đồ tệ hại này đã buộc CEO của Apple – Tim Cook phải chính thức xin lỗi người dùng- một lời xin lỗi hiếm xảy ra ở một công ty công nghệ nổi tiếng với sự chỉn chu và hoàn hảo. Cuối cùng, Apple cũng chấp nhận bản đồ Google Maps quay trở lại iPhone 5.

Thị trường điện thoại di động đổi “ngôi”

Cuối tháng 4/2012, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc đã trở thành nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất trên thế giới sau khi lật đổ “triệu đại” 14 năm Nokia nắm giữ danh hiệu này. Samsung cũng chính thức vượt qua Apple trở thành hãng sản xuất smartphone lớn nhất thế giới với 28% thị phần, trong khi đó Apple giữ 19% thị phần.

Ảnh minh họa

Samsung Galaxy S3 được nhiều tạp chí công nghệ uy tín lựa chọn là smartphone của năm.



Samsung đã chứng minh khả năng sản xuất nhanh và thay thế một loạt thiết bị cầm tay nhắm tới các đối tượng người dùng khác nhau trong khi Nokia vật lộn với những khó khăn về tài chính và Apple gặp phải các vấn đề về nguồn cung cấp các bộ phận thiết bị. Ngoài ra, các hãng công nghệ khác như RIM, HTC và LG cũng mất phương hướng trên thị trường cạnh tranh khốc liệt này.

Lịch sử Internet sang một trang mới

Ngày 6/6/2012, lịch sử phát triển Internet đã bước sang trang mới khi cả thế giới đã chính thức triển khai giao thức mạng IPv6 vì kho địa chỉ IPv4 cạn kiệt.

Ảnh minh họa


Đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của Internet. Sự kiện này được Hiệp hội Internet Society (ISOC) tổ chức để thúc đẩy ngành công nghiệp Internet, gồm các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP), các nhà sản xuất phần cứng, và các công ty làm về website tiến hành khai trương IPv6 (giao thức Internet thế hệ mới) đối với các sản phẩm, dịch vụ của họ.

Những vụ thâu tóm đình đám

Đình đám và bất ngờ nhất có thể kể đến thương vụ Facebook bỏ ra tới 1 tỷ USD để mua lại trang chia sẻ hình ảnh miễn phí Instagram.

Năm 2012 cũng chứng kiến sự hoàn tất của 2 thương vụ “bom tấn” khác bắt đầu từ năm 2011, đó là việc Sony chính thức hoàn tất thâu tóm Ericsson để “khai tử” thương hiệu Sony Ericsson với giá 1,45 tỷ USD và Google cũng đã hoàn tất việc sở hữu bộ phận di động của Motorola với giá 12,5 tỷ USD.

Google bước chân vào thị trường máy tính bảng và di động

Nexus 7 và Nexus 10 không phải là những chiếc máy tính bảng chạy Android đầu tiên trên thị trường. Thế nhưng đây chính là 2 chiếc máy tính bảng làm ảnh hưởng lớn tới doanh số của iPad cùng sự bành trướng của Apple trên thị trường máy tính bảng tiềm năng. Giá thành rẻ cùng cấu hình mạnh mẽ đã khiến Nexus 7 cháy hàng vào thời điểm ra mắt.

Ảnh minh họa


Còn với Nexus 10, mặc dù không có được giá thành hấp dẫn như Nexus 7 nhưng sản phẩm này vẫn rẻ hơn nhiều so với iPad. Không những thế Nexus 10 còn phá vỡ bức tường vững chắc mang tên Retina mà Apple tạo dựng khi cho ra mắt màn hình độ phân giải 2560x1600 với mật độ điểm ảnh 300ppi. Thông số này bỏ xa màn hình Retina trên iPad của Apple. Có vẻ như kể từ lúc này, Apple sẽ không thể tự cao tự đại với danh hiệu “máy tính bảng có màn hình đẹp nhất” được nữa.
 
Không chỉ máy tính bảng, Google cũng hợp tác với LG cho ra đời smartphone mới với cấu hình “khủng”. Ngoài ra, Google đang tiếp tục cho nghiên cứu sản xuất dòng máy tính bảng giá 99 USD và lần này Google sẽ lại tiếp tục phối hợp cùng ASUS để sản xuất. Liệu 2013 có phải là năm chứng kiến sự hoán ngôi trên thị trường máy tính bảng? 


Tuệ Minh - (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc