(VnMedia) - Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông sáng 24/12, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh những thành tựu của ngành Thông tin và Truyền thông năm 2012 trong đó đặc biệt đánh giá cao việc phóng thành công vệ tinh Vinasat-2.
Theo Phó Thủ tướng, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT, đơn vị được giao chủ trì đã rất cố gắng, quyết tâm cao để phóng thành công vệ tinh Vinasat-2. Thêm một lần nữa Việt Nam khẳng định chủ quyền trên không gian quỹ đạo. Và đặc biệt, là một trong những nỗ lực góp phần phủ sóng, đưa dịch vụ viễn thông đến mọi miền đất nước, phục vụ vùng sâu, vùng xa.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai kế hoạch 2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông sáng 24/12. |
Cũng theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, năm 2012, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng mục tiêu và ban hành được nhiều văn bản quy phạm pháp luật, góp phần giúp cho Chính phủ cũng như Ngành tạo điều kiện, môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cũng như triển khai chính sách thông tin, viễn thông cho vùng sâu, vùng xa…
Theo Báo cáo Tổng kết của Bộ Thông tin và Truyền thông được công bố sáng 24/12, tổng số thuê bao điện thoại được đăng ký và đang hoạt động trên toàn quốc tính tới thời điểm này của Việt Nam là 148,5 triệu, trong đó di động chiếm 93,3%. Toàn quốc có trên 31,2 triệu người sử dụng Internet, đạt mật độ 35,5%.
Thống kê của Trung tâm Internet Việt Nam cho thấy, Việt Nam đứng thứ 18/20 quốc gia có số người sử dụng Internet lớn nhất thế giới, đứng thứ 8 khu vực châu Á và đứng thứ 3 ở khu vực Đông Nam Á. Tổng số thuê bao Internet băng rộng (xDSL) đạt 4,3 triệu thuê bao, đạt mật độ 4,8%, trong đó, có tới 2,659 triệu thuê bao thuộc về Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, chiếm tới gần 70% thị phần Internet băng rộng.
Hạ tầng mạng lưới viễn thông, Internet tiếp tục được đầu tư phát triển mạnh mẽ. Cụ thể, hệ thống mạng cáp quang, trạm thu phát sóng thông tin di động và vệ tinh Vinasat-2. Tính đến tháng 11/2012, tổng băng thông truyền dẫn trong nước đạt 454,5 Gb/s và tổng băng thông truyền dẫn quốc tế đạt 340,5 Gb/s. Tổng lưu lượng trao đổi qua trạm trung chuyển VNIX: 130 triệu Gbytes.
Có 332.279, tên miền “.vn” đã đăng ký đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 172%/năm; tổng số tên miền tiếng Việt đã đăng ký: 824.417, tổng số địa chỉ IPv4 đã cấp: 14.487.040 địa chỉ, số lượng địa chỉ IPv6 quy đổi theo đơn vị/64 đã cấp: 54.951.114.752/64 địa chỉ. Hệ thống mạng IPv6 hoạt động ổn định, sẵn sàng cho các doanh nghiệp kết nối. Độ phủ cáp quang đến cấp xã/phường trên cả nước đạt trên 95%.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son phát biểu tại Hội nghị. |
Mạng lưới và dịch vụ bưu chính, viễn thông, Internet trong nước, quốc tế, thông tin hàng hải và truyền báo luôn đảm bảo an toàn, thông tin liên lạc từ Trung ương đến địa phương thông suốt, phục vụ tốt các hoạt động, sự kiện lớn của đất nước cũng như công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Các cơ quan nhà nước đã từng bước xây dựng hạ tầng kỹ thuật, bước đầu đáp ứng nhu cầu triển khai các ứng dụng CNTT cơ bản. Theo thống kê, khoảng 90% cán bộ, công chức tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; trên 60% cán bộ, công chức tại các tỉnh, thành phố (tính đến cấp sở, ban, ngành, quận, huyện) đã được trang bị máy tính; 100% các Bộ, tỉnh đã có Cổng thông tin điện tử trực tuyến cung cấp thông tin và dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Công nghiệp CNTT tiếp tục phát triển với năng suất và hiệu quả cao. Về máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: Tổng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2012 là 6,98 tỷ USD, tăng 69% so với cùng kỳ năm 2011 (2,85 tỷ USD). Trung Quốc là đối tác lớn nhất nhập khẩu nhóm hàng này của Việt Nam trong 11 tháng qua với 1,68 tỷ USD, tăng 81,5%; tiếp theo là EU: 1,38 tỷ USD, tăng 88,9%; Hoa Kỳ: 807 triệu USD, tăng 62,9% và Malaixia: 777 triệu USD, tăng gấp 10,5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Về điện thoại các loại và linh kiện, tổng trị giá xuất khẩu trong 11 tháng là 11,34 tỷ USD (tăng 5,68 tỷ USD, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2011). Những đối tác chính nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện của Việt Nam trong 11 tháng qua là EU với 5,08 tỷ USD, tăng 1,9 lần và chiếm 44,8% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước; tiếp theo là Tiểu Vương quốc Arập thống nhất: 1,31 tỷ USD, tăng 4,4 lần; Nga: 690 triệu USD, tăng 38,8%; Hồng Kông: 460 triệu USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2011. Tổng doanh thu công nghiệp phần mềm và dịch vụ, nội dung số duy trì được mức tăng trưởng khá, lần lượt đều vượt mốc 1 tỉ USD.
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, mặc dù năm 2012 nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, cạnh tranh gay gắt nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT vẫn đạt tốc độ tăng trưởng đáng khích lệ. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn là 130.390 tỷ đồng, đạt 100,3% kế hoạch, bằng 107,94% so với năm 2011. Tổng thuê bao điện thoại thực tăng (phát triển mới trừ cắt giảm) đạt 3,175 triệu thuê bao (TB). Tổng số thuê bao điện thoại trên mạng đến hết năm 2012 đạt 84,4 triệu TB, bằng 103,91% so với năm 2011. Tổng số thuê bao băng rộng (ADSL+FTTx) thực tăng đạt 252.000 TB, đạt 117,91% kế hoạch, bằng 83% so với năm 2011. Tổng số thuê bao băng rộng trên mạng đến hết năm 2012 đạt 2,659 triệu TB, bằng 110,48% so với năm 2011. Tổng giá trị đầu tư năm 2012 đạt 9.300 tỷ đồng, đạt 51,67% kế hoạch, bằng 83,11% so với năm 2011. Nộp ngân sách nhà nước đạt 7.561 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, bằng 101% so với năm 2011. |
Ý kiến bạn đọc