(VnMedia) - Cuộc chiến bằng sáng chế phần mềm luôn là vũ khí lợi hại trong Chiến tranh lạnh giữa các công ty công nghệ lớn nhỏ hiện nay. Cuộc chiến nào đình đám nhất làng công nghệ 2012?
Samsung và Apple
Vụ kiện kéo dài gần hai năm giữa Apple và Samsung ở hàng chục nước trên toàn cầu vẫn chưa có hồi kết cho dù cả hai đều nếm trải cả chiến thắng và thất bại.
Vụ kiện này bắt đầu từ tháng 4/2011, khi Apple khởi kiện Samsung tại Mỹ với lý do hãng điện tử Hàn Quốc ngang nhiên bắt chước "một cách mù quáng và không chút sáng tạo" các thiết kế và công nghệ trong iPhone và iPad. Trước cáo buộc này, Samsung lập tức kiện ngược rằng Apple đã vi phạm một loạt bản quyền liên quan đến mạng kết nối 3G của họ. Sau đó, cả hai đều tìm cách đưa ra các bằng chứng để “vạch lỗi” vi phạm bằng sáng chế của nhau và yêu cầu tòa ra lệnh cấm bán các “siêu phẩm” của hai bên.
Tính đến tháng 7/2012, cuộc chiến giữa Apple và Samsung vẫn tiếp diễn với hơn 50 vụ kiện trên toàn cầu. Đến tháng 8/2012, tòa án Mỹ đã có phán quyết gây bất lợi cho Samsung khi cho rằng, Samsung cố tình sao chép bản quyền nên phải bồi thường hơn 1 tỷ USD cho Apple. Những tưởng, quyết định này sẽ khép lại cuộc chiến giữa hai tên tuổi trong lĩnh vực di động nhưng cuộc chiến pháp lý vẫn tiếp diễn. Trong hai năm qua, Apple đã giành chiến thắng tuyệt đối trên đất Mỹ, được ủng hộ ở Đức và giành kết quả hòa ở Hàn Quốc, còn lại họ liên tục thua tại các đấu trường khác là Nhật, Australia, Hà Lan và Anh.
Motorola và Microsoft
Không đình đám như cuộc chiến bản quyền giữa Apple và Samsung, nhưng cuộc chiến giữa Microsoft và Motorola lại có phần dai dẳng hơn với phần thắng trong rất nhiều vụ kiện tụng thường nghiêng về phía Microsoft.
Cuộc chiến này kéo dài từ năm 2010 khi Microsoft và Motorola cố gắng đi đến một thỏa thuận hợp lý trong việc sử dụng bằng sáng chế WLAN và H.264. Motorola đã chấp nhận cấp giấy phép sử dụng bằng sáng chế đó cho Microsoft nhưng Motorola yêu cầu Microsoft chi trả số tiền 4 tỷ USD cho việc sử dụng công nghệ của mình, áp dụng 2,25% tiền bản quyền dựa trên giá thành sản phẩm. Và với con số quá cao này, Microsoft không thể chấp nhận.
Trước tòa, Motorola đã lập luận rằng Microsoft đã sử dụng công nghệ bất hợp pháp và cần phải có lệnh cấm bán sản phẩm được ban hành nếu không được phép của Motorola. Tuy nhiên, Microsoft nói rằng hãng sẵn sàng chi trả một khoản tiền cho Motorola nhưng muốn hãng này phải duy trì các điều khoản công bằng, hợp lý và không phân biệt đối xử.
Sau đó, Microsoft cũng kiện lại Motorola ở Đức với cáo buộc vi phạm bằng sáng chế bản đồ và bổ sung cả Google vào danh sách kiện tụng này. Microsoft yêu cầu tòa ban hành lệnh cấm các sản phẩm Android của Motorola được bán ra thị trường Mỹ.
Twitter và Instagram
Cuộc chiến Twitter và Instagram cũng có hơi hướng giống với Google và Lycos 15 năm trước. Khi Google trình làng năm 1999, nhiều người nói rằng thế giới đâu cần thêm một công ty tìm kiếm nữa vì thị trường đã đủ “chật”. Nhưng kết quả tìm kiếm của Google còn tốt hơn rất nhiều so với các đối thủ, cho dù họ ra đời sau Lycos tới vài năm và lúc đó người dùng đang ưa chuộng Lycos. Điều đó chứng tỏ, thói quen của người dùng vẫn có thể thay đổi, khiến họ sẵn lòng chuyển sang dùng Google – và chiến thắng đã thuộc về sản phẩm tốt hơn.
Trờ lại câu chuyện giữa Twitter và Instagram, cách đây vài tháng người dùng mạng xã hội Twitter vẫn có thể chia sẻ hình ảnh thông qua các bộ lọc Instagram. Nhưng sau khi mạng xã hội lớn nhất thế giới – Facebook mua lại Instagram điều đó đã hoàn toàn thay đổi. Instagram đã khóa tính năng cho phép người dùng đưa ảnh trực tiếp lên Twitter. Sau đó, Twitter đã phải tạo ra các bộ lọc ảnh của riêng mình. Các bộ lọc này có vai trò quan trọng trong thành công của Instagram. Cuộc chiến này đang âm thầm diễn ra trong lĩnh vực chia sẻ ảnh, nơi đang là “địa phận” riêng của Instagram. Vậy Twitter có lật đổ được Instagram như Google đã làm với Lycos trước đây.
Ý kiến bạn đọc