Ngày mai, Việt Nam sẽ được ngắm sao chổi sáng nhất

17:50, 30/12/2012
|

Từ ngày mai, Việt Nam sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng sao chổi sáng nhất khi nó tiến gần trái đất, một món quà có ý nghĩa dịp đầu năm mới 2013 với những người yêu thích thiên văn.

Sao chổi C/2012 K5 (LINEAR) đã di chuyển ra xa vị trí cận điểm trên quỹ đạo của nó (perihelion) khoảng 2 tuần và đang tiến gần trái đất, với khoảng cách gần nhất trong hai ngày 31/12/2012 và 01/01/2013 với độ sáng biểu kiến lớn nhất. Độ sáng này giảm chậm và có thể duy trì khoảng 2 tuần.

Theo Đặng Tuấn Duy, Chủ nhiệm câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư TP HCM (HAAC), người quan sát hãy để ý thời gian lân cận ngày 01/01/2013 khi sao chổi đạt độ sáng cực đại. Trong thời gian này, người xem nên hướng tới vị trí của nó gần chòm sao Auriga, với đặc điểm nhận dạng là ngôi sao Capella rất sáng, cùng với 4 ngôi sao khác tạo thành hình ngũ giác rất gần chòm sao nổi tiếng Orion, chòm sao của mùa đông.

Ảnh minh họa

Mô phỏng vị trí sao chổi ngày 31/12/2012 với khoảng cách chỉ 45 triệu km so với hành tinh chúng ta, và đang hướng về phía Trái đất sau khi đi qua vị trí cực cận trên quỹ đạo. Đồ họa: NASA


"Vị trí sao chổi C/2012 K5 rất tiện cho quan sát ở Việt Nam", anh Duy nói. Ngày mai sao chổi sẽ lên cao trước khi trăng mọc từ sau 19h (dù ánh trăng cũng có ảnh hưởng tới khả năng theo dõi ). Các quan sát hiện nay (của nước ngoài) cho thấy có thể nhìn thấy đuôi sao chổi này qua kính thiên văn 5 inch. "Việt Nam có kính thiên văn quang năng mạnh hơn 5 inch nên phương tiện quan sát không đáng lo ngại", anh Duy nói.

Anh Tuấn Duy lưu ý, để thấy ánh sáng rực rỡ và ghi lại hình ảnh của sao chổi C/2012 K5, người xem cần chuẩn bị kính viễn vọng cỡ nhỏ hay chiếc ống nhòm, chứ không thể quan sát bằng mắt thường.

Tuy nhiên, hiện thời tiết ở nhiều nơi không thuận lợi do mây mù, ảnh hưởng của bão nên khó có hy vọng quan sát trong tuần này.

Sao chổi C/2012 K5 được phát hiện ngày 28/05/2012 bởi dự án khảo sát bầu trời tự động từ mặt đất LINEAR (The Linear Earth-Based Automated Sky Survey), LINEAR là tên viết tắt của Lincoln Laboratory Near-Earth Asteroid Research project (LINEAR), tức là dự án nghiên cứu các tiểu hành tinh gần trái đất của phòng thí nghiệm (quan sát) Lincoln, tại New Mexico, Mỹ.


(theo Vnexpress)

Ý kiến bạn đọc