Nâng cao năng lực cho doanh nghiệp phần mềm qua CMMi

15:34, 17/12/2012
|

(VnMedia) – 12 doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đã đạt chứng chỉ sản xuất theo chuẩn CMMi từ mức 3 trở lên. Đó là những thành công bước đầu của dự án “hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn CMMi”.

 

Thực hiện Quyết định số 50/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, dự án “hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn CMMi” do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức triển khai, ban Quản lý các dự án công nghiệp công nghệ thông tin là đơn vị thực hiện đã được triển khai trong vòng 3 năm (từ 2010 đến 2012), với tổng mức đầu tư khoảng 60 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng, áp dụng, lấy chứng chỉ quy trình sản xuất theo chuẩn CMMi từ mức 3 trở lên.

 

Theo đó, dự án tập trung vào một số nội dung chính như: Tổ chức đào tạo tập trung cho các cán bộ của các doanh nghiệp phần mềm và nội dung số về quy trình sản xuất phần mềm theo chuẩn CMMi; Tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và áp dụng chuẩn CMMi; và Hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp đánh giá đạt chứng chỉ CMMi.

 

Mỗi doanh nghiệp khi tham gia dự án, ngoài việc được hỗ trợ tham gia các khóa đào tạo về CMMi, còn được hỗ trợ khoảng 25.000 USD/Doanh nghiệp cho việc tư vấn xây triển khai CMMi, trong đó 15.000USD là hỗ trợ cho việc tư vấn xây dựng, áp dụng quy trình sản xuất theo chuẩn CMMI tại doanh nghiệp, và 10.000USD cho việc đánh giá, cấp chứng chỉ CMMi.


CMMi (Capability Maturity Model Integration), là chuẩn quản lý quy trình chất lượng quốc tế được các doanh nghiệp phần mềm trên toàn cầu áp dụng. Đây cũng được coi là một trong những tiêu chí, chuẩn mực đánh giá chất lượng của các doanh nghiệp phần mềm. Hiện Trung Quốc là quốc gia có lượng doanh nghiệp đạt chuẩn mực này cao nhất thế giới, với 650 doanh nghiệp. Sau đó đến Ấn Độ với 370 doanh nghiệp.

Theo thống kê, tính đến tháng 6/2012, dự án đã hỗ trợ tư vấn cho 100 doanh nghiệp, tổ chức triển khai xây dựng CMMi trong đó đã hỗ trợ tư vấn cho 22 doanh nghiệp xây dựng áp dụng quy trình CMMi, đánh giá thành công cho 12 doanh nghiệp. Và dự kiến đến hết 2012, dự án sẽ hỗ trợ đánh giá thành công cho khoảng 19 doanh nghiệp.

 

Theo Ông Aru David, giám đốc công ty tư vấn ECCI: “Nhờ có dự án hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, áp dụng quy trình sản xuất theo chuẩn CMMi do Bộ Thông tin Truyền thông triển khai, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam được nâng lên đáng kế. Nếu không có sự hỗ trợ này thì lượng doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đạt CMMi sẽ còn không được như hiện nay.”

 

Còn theo một khảo sát mới được Bộ Thông tin Truyền thông công bố, có 12/14 doanh nghiệp đạt chứng chỉ CMMi có doanh thu xuất khẩu phần mềm tăng liên tiếp trong 3 năm 2009-2012. Có khoảng 2/3 doanh nghiệp cho biết uy tín của họ tăng lên đáng kể sau khi đạt chứng chỉ CMMi. Dự án hỗ trợ doanh nghiệp đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về thị trường.

 

Dù vậy, theo Ban Quản lý các dự án công nghiệp công nghệ công tin – Bộ Thông tin và Truyền thông thì số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ như trên còn thấp so với mục tiêu đã đề ra của dự án, tiến độ triển khai còn chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân đầu tiên là các doanh nghiệp khi tham gia dự án là thiếu nhân lực làm CMMi. Mỗi doanh nghiệp khi trển khai CMMi cần tối thiểu 4-5 người tham gia nhóm đánh giá nội bộ hoặc xây dựng quy trình, những người này gần như làm việc toàn thời gian cho Dự án CMMi. Đồng thời việc xây dựng, áp dụng quy trình và đánh giá đạt chứng chỉ CMMi cũng đòi hỏi sự tham gia của đội ngũ lập trình viên và các thành viên khác trong doanh nghiệp.

 

Bên cạnh đó, để đánh giá đạt chứng chỉ, doanh nghiệp cần có ít nhất 3-5 dự án, đủ các giai đoạn trong quá trình sản xuất phần mềm và không được kết thúc trước khi đánh giá 6 tháng. Đây cũng là một yêu cầu khó đối với các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam.

 

Mặt khác, ngoài chi phí phải trả cho đơn vị tư vấn (đã được Nhà nước hỗ trợ một phần), doanh nghiệp còn phải đầu tư nguồn lực cũng như thời gian khác cho việc triển khai CMMi. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã đăng ký tham gia nhưng sau đó xin hoãn triển khai vì không chuẩn bị đủ nguồn lực.

 

Ngoài ra, một thực tế là lãnh đạo một số doanh nghiệp chưa đề cao việc triển khai CMMi nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm mà chủ yếu tập trung mục tiêu đạt chứng chỉ để tuyên truyền, quảng bá cho doanh ngiệp. Điều này dẫn đến việc triển khai CMMi không đi vào thực chất, không đáp ứng yêu cầu đánh giá chứng chỉ CMMi.

 

Vì vậy, trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục triển khai hỗ trợ xây dựng, áp dụng quy trình theo mô hình CMMI, Ban Quản lý các dự án công nghiệp công nghệ thông tin sẽ đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét hỗ trợ các thêm các hệ thống chuẩn khác phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp phần mềm và nội dung số.


(T.H)

Ý kiến bạn đọc