(VnMedia) - Năm nay có thể coi là năm bản lề của Microsoft với việc ra mắt rất nhiều sản phẩm mới, như Windows 8 và Windows Phone 8, được cách tân trong nỗ lực chiếm lại thị phần đã lọt vào tay các đối thủ cạnh tranh. Năm 2012 cũng đánh dấu lần đầu tiên Microsoft tự tay sản xuất phần cứng cho máy tính bảng. Xen lẫn giữa thành công là những trái đắng mà hãng phần mềm này phải gánh chịu.
Thành công
Windows Server 2012
Phiên bản mới nhất của Windows Server này được cách tân theo hướng đơn giản hóa các máy ảo với nhiều tính năng mới như Hyper-V Replica và Storage Spaces. Windows Server 2012 cũng cho phép quản lý các ảnh chủ theo nhóm và có cả công cụ tự động để kiểm tra định kỳ xem máy chủ có được cấu hình phù hợp hay không.
System Center 2012
Gói công cụ quản lý này giúp mang lại khả năng xử lý tốt hơn các môi trường đám mây và trung tâm dữ liệu ảo tương ứng. Khả năng của ứng dụng được mở rộng cho cả các môi trường ảo hóa đối thủ như Citrix và VMware. Ngoài việc hỗ trợ quản lý các dòng smartphone chạy trên nền Windows Phone, System Center 2012 còn hỗ trợ cả Apple và các dòng điện thoại chạy Android.
Mua lại Yammer
Microsoft đã chi tới 1,2 tỉ USD để mua lại Yammer nhằm đẩy mạnh khả năng mạng xã hội và cộng tác trên các nền tảng như SharePoint, Office, Dynamics CRM, Lync và Skype. năm nữa khi việc tích hợp này hoàn tất, Yammer sẽ bổ sung việc theo dõi các chuỗi hội thoại và tăng cường khả năng tìm kiếm của doanh nghiệp trên những ứng dụng, kênh tin tức tổng hợp, quản lý tài liệu và hội tụ danh tính người dùng ở trên. Nhờ có Yammer mà Microsoft có thể cung cấp các công cụ cần thiết để thiết lập các cơ chế hỗ trợ mới giúp doanh nghiệp có thể kinh doanh nhờ vào các công cụ mà khách hàng đã quen thuộc thông qua các kênh mạng xã hội.
Đánh vào mạng botnet
Microsoft đã có công khá lớn khi đập tan mạng botnet Nitol, trực thuộc Zeus, trong năm nay. Đây là lần thứ 4 Microsoft đã tham gia đánh sập hoặc ngăn cản botnet của các tổ chức tội phạm mạng nguy hiểm nhất thế giới hiện nay. Thực chất công việc này được giao cho Đơn vị Tội phạm Kỹ thuật số (DCU) của hãng và trên thực tế chiến dịch ngăn chặn đã được triển khai rầm rộ từ năm 2010.
Nếm trái đắng
Thua tại châu Âu
Micrsoft đã không thể đạt được thỏa thuận với EU cho phép tích hợp sẵn trình duyệt IE trên Windows bán ra tại thị trường này. Sự thất bại này buộc Microsoft phải có những sửa đổi phù hợp để thích ứng với luật, trong khi vẫn lo ngay ngáy khoản tiền phạt kỷ lục – 7 tỉ USD mà EU có thể áp cho hãng này.
Tăng phí cấp phép
Microsoft đã tăng phí cấp phép truy cập vào máy chủ của hãng lên tới 15% so với trước đây. Có thể trước mắt hãng sẽ kiến được khoản tiền kha khá từ đây nhưng về lâu về dài các khách hàng doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc lại khi quyết định sử dụng phần mềm của Microsoft. Được biết, hiện các doanh nghiệp đang chuyển dần sang mô hình mua giấy phép sử dụng phần mềm Microsoft dựa trên số lượng người dùng thay vì dựa trên số lượng thiết bị cài đặt.
Đau đầu vì Flame
Việc phần mềm độc hại (malware) Flame xâm nhập vào hệ thống máy tính chính phủ Iran đầu năm nay cũng một phần do lỗi của Microsoft. Flame đã lợi dụng điểm yếu trong hệ thuật toán hash MD5 để lây nhiễm. Mặc dù từ năm 2008, Microsoft đã lên tiếng cảnh báo về lỗ hổng này nhưng lại không thể khắc phục cho toàn bộ sản phẩm của hãng, đặc biệt là Terminal Server Licensing Service. Theo các chuyên gia, lỗ hổng MD5 cho phép kẻ tấn công có thể gửi phần mềm độc hại tới máy tính nạn nhân được cấu hình chấp nhận các bản vá nâng cấp đã được chứng thực của Microsoft.
Tuệ Minh -
(Theo PCW)
Ý kiến bạn đọc