(VnMedia) - Sáng 16/11, tại TP Hồ Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã tổ chức Hội thảo Quản lý nhà nước về truyền hình trả tiền.
Thứ trưởng Bộ TTTT Đỗ Quý Doãn chủ trì hội thảo, cùng sự có mặt của lãnh đạo các Cục Phát thanh truyền hình & thông tin điện tử, Báo chí, Viễn thông, các đài truyền hình, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền (THTT), và các cơ quan ban ngành khác.
Sau Quyết định 20/2011/QĐ-TTg ngày 24/3/2011của Thủ tướng về Ban hành quy chế quản lý hoạt động THTT, hiện Bộ TTTT cũng đã chuẩn bị xong Thông tư hướng dẫn và chỉ chờ được phê duyệt để ban hành. Điều còn mâu thuẫn hiện nay là hiện có 47 đơn vị đang cung cấp dịch vụ THTT với hạ tầng riêng biệt, nguồn lực phân tán - trong khi theo tinh thần chỉ đạo chung là hạ tầng mạng phải được dùng chung để tránh lãng phí tiền của đầu tư.
Trong phát biểu đề dẫn của Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình & thông tin điện tử Lưu Vũ Hải, với 4 loại hình dịch vụ truyền hình hiện nay (vệ tinh, số mặt đất, di động, cáp) thì Việt Nam hiện có tổng số thuê bao khoảng 4,4 triệu là con số đáng kể, nhất là so với thời điểm ban hành Quy chế cách nay 1,5 năm khi đó mới chỉ 2,5 triệu thuê bao.
Trong mạng lưới dịch vụ THTT cung cấp, hiện số lượng kênh trong nước là 62, kênh nước ngoài là 75 và chia ra thành 7 nhóm gồm: tổng hợp, tin tức, phim, thiếu nhi, khoa học, giải trí… và hầu hết các kênh nổi tiếng của thế giới đều đã có mặt ở Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ TTTT Đỗ Quý Doãn chủ trì Hội nghị. |
Hầu hết các đơn vị đang cung cấp dịch vụ THTT hiện nay đều ít nhiều đảm bảo được 3 yếu tố cần thiết tối thiểu (là có hạ tầng, có nội dung và có dịch vụ), song nhiều đơn vị lại mới chỉ cung cấp dịch vụ hạn chế ở 1 tỉnh, thậm chí có đơn vị mới chỉ cung cấp dịch vụ ở một một số huyện nhất định trong tỉnh đó. Điều này đòi hỏi cần phải cơ cấu xây dựng quy mô hơn, nghĩa là khó tránh khỏi việc một số đơn vị nhỏ lẻ sẽ phải tính đến chuyện sáp nhập, chuyển giao.
Cục trưởng Lưu Vũ Hải nhấn mạnh 3 yếu tố cần phải được các đơn vị chú trọng để đảm bảo cho một thị trường THTT lành mạnh là chất lượng, năng lực và tính cạnh tranh. Các đơn vị căn cứ danh mục và các điều kiện kỹ thuật (của mình) cho phép phải đảm bảo cung cấp đủ các kênh chương trình theo quy định (phục vụ truyên truyền) và kinh doanh thương mại. Đồng thời ông cũng lưu ý các đơn vị cần sớm có kế hoạch truyền thông cần thiết, làm cho khách hàng hiểu rằng chính sách của nhà nước về quy hoạch lại mạng cung cấp dịch vụ THTT là cần thiết, hiểu rõ kế hoạch cơ cấu lại của đơn vị cung cấp dịch vụ... để họ không bị sốc khi phải điều chỉnh đăng ký sử dụng dịch vụ nếu cần.
Dịch vụ IPTV của VNPT/VASC đã nhanh chóng đạt khoảng 1 triệu thuê nhờ chất lượng đường truyền tốt và nội dung phong phú, đặc biệt là các gói dịch vụ GTGT đi kèm và tiện ích độc đáo “làm chủ chương trình” của người xem. |
Tại hội thảo, các tham luận và ý kiến của đại diện các đơn vị như Đài THVN, Truyền hình TTX, Sở TTTT Tp.HCM, Sở TTTT Cần Thơ, AVG, HTVC, Q.net, Truyền hình cáp Nam Định, VNPT/VASC... cũng đã chia sẻ nhiều thông tin và kinh nghiệm bổ ích về xử lý biên tập kênh nước ngoài, cơ cấu các gói cước sao cho phù hợp với từng đối tượng khách hàng, hướng tới dịch vụ truyền hình số đa tiện ích theo yêu cầu của người dùng.
Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cho rằng tuy đang có nhiều đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ THTT song thực tế cho thấy tập trung vào một số đơn vị lớn, có kinh nghiệm hoạt động cũng như có hạ tầng và thị trường ổn định. Không phải đơn vị nào xin cũng đều được cấp phép, mà trong thời gian này các đơn vị lớn - nhỏ cần phải đàm phán với nhau để chung sức hình thành một thương hiệu mạnh hơn. Thứ trưởng cũng lưu ý việc cần thiết phải ủng hộ các doanh nghiệp vốn đã bỏ tiền của và công sức đầu tư lớn vào việc xây dựng hạ tầng mạng lưới cung cấp dịch vụ, thị trường - mà chưa có “thân phận pháp lý”, hoặc có nhưng còn đang bấp bênh.
Thứ trưởng nhấn mạnh, ngay sau hội nghị này các đơn vị cần rà soát và cùng nhau sắp xếp lại sao cho năng lực cung cấp dịch vụ hiệu quả hơn nữa; các cục, vụ và ban ngành hữu quan cần quyết liệt hơn nữa trong việc tham mưu cho Bộ tiến hành thủ tục cấp phép cho các đơn vị. Làm sao để khi được cấp phép rồi, các đơn vị phải thực hiện tốt và hài hòa giữa 2 nhiệm vụ là kinh doanh thương mại và phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của Đảng và Nhà nước theo quy định.
Ý kiến bạn đọc