Dung lượng Vinasat-1 đã được sử dụng hết

06:41, 14/08/2012
|

(VnMedia) - Tính tới thời điểm này, đã có 90% dung lượng băng tần vệ tinh Vinasat-1 được khai thác, sử dụng. Đây là kết quả thành công ngoài cả dự kiến của chủ đầu tư là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT.


Tiết kiệm chục triệu USD/năm nhờ Vinasat-1

 

Đại diện của Công ty viễn thông quốc tế VTI, đơn vị được VNPT giao vận hành và khai thác Vinasat-1 cho hay, với vùng phủ sóng là Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và một phần Mianmar, quả vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam đã được khai thác rất thành công.

 

Các khách hàng lớn của Vinasat-1 có thể kể đến như: VTV, VTC, VOV, HTV, ngành dầu khí, các đơn vị kinh doanh viễn thông, Thaicom, Lao Telecom, WebsatMedia ( Singapore )… Hiện đang có tới 150 kênh truyền hình tiêu chuẩn HD, SD được cung cấp trên băng tần của Vinasat-1. Ngoài ra, các mạng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, mạng viễn thông công ích cũng sử dụng vệ tinh Vinasat-1.

 

VNPT cho biết, trước khi có vệ tinh Vinasat-1, Việt Nam đã thuê 2.024 kênh vệ tinh viễn thông của nước ngoài. Theo tính toán, việc sở hữu vệ tinh Vinasat-1 tiết kiệm được khoảng 15 triệu USD/năm tiền cho chi phí này. Tính ra, trong bốn năm qua, Vinasat-1 đã giúp Việt Nam tiết kiệm tới 50-60 triệu USD, một khoản tiền không hề nhỏ chút nào.

 

Riêng năm 2011, doanh thu kinh doanh dịch vụ vệ tinh đạt 263,5 tỷ đồng. Ông Hồ Công Lâm, Phó Giám đốc VTI cho biết, doanh thu dự kiến năm 2012 của Vinasat-1 là 250 tỷ đồng, chưa kể doanh thu từ 30% băng tần dành cho hoạt động của VNPT.

 

Theo tính toán, với tuổi thọ thiết kế của vệ tinh Vinasat-1 là 15 năm thì sau khoảng 10 năm, VNPT sẽ thu hồi được vốn đầu tư 3.900 tỷ cho Vinasat-1 và thu hiệu quả kinh doanh cho 5 năm tiếp theo.

 

Cơ hội lớn cho Vinasat-2

 

 Ảnh minh họa

Cho đến thời điểm này, công ty Viễn thông quốc tế VTI - đơn vị được giao trực tiếp vận hành, khai thác vệ tinh Vinasat-2 đã chính thức bắt tay vào hoạt động thúc đẩy kinh doanh vệ tinh. Nếu tốc độ sử dụng băng tần vệ tinh Vinasat-1 nhanh hơn dự kiến, chỉ trong vòng 4 năm đã khai thác tới 90%, thì việc kinh doanh vệ tinh Vinasat-2 được nhận định sẽ khó khăn hơn.

 

Chính vì vậy, VTI đã sớm thúc đẩy các công tác Bài toán kinh doanh Vinasat-2 trong thời gian tới ra sao để đạt hiệu quả nhất đã được VNPT/VTI xây dựng khá kỹ lưỡng. Về cơ bản, việc kinh doanh Vinasat-2 sẽ là sự nối tiếp của vệ tinh Vinasat-1. 

 

Doanh nghiệp đã có chương trình, kế hoạch làm việc, tiếp xúc, giới thiệu với các khách hàng tiềm năng, bao gồm cả những khách hàng đang sử dụng dịch vụ trên vệ tinh Vinasat-1 như VTV, VTC… VTI hy vọng ngay trong năm 2012 này sẽ có nhiều thay đổi lớn trong việc khai thác vệ tinh Vinasat-2, nhất là trong lĩnh vực truyền hình.

 

Để khai thác hiệu quả vệ tinh Vinasat-2, VNPT đã và đang xúc tiến mở rộng khách hàng ở nhiều lĩnh vực khác nhau như dầu khí, ngân hàng, tài chính; tập trung phục vụ các khách hàng có nhu cầu sử dụng thông tin liên lạc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, kể cả các khách hàng nước ngoài ở các thị trường Campuchia, Lào và Myanmar… Với năng lực và kinh nghiệm của VNPT trong việc khai thác, kinh doanh vệ tinh Vinasat-1, VNPT/VTI tin tưởng vệ tinh Vinasat-2 có thể thu hồi vốn đầu tư trong vòng 10 năm.

 

Cuối tháng 6 vừa rồi, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phê chuẩn việc Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ cấp một khoản tín dụng trị giá 125,9 triệu USD cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam để đầu tư cho vệ tinh Vinasat-2.

Để được duyệt khoản vay này, phía Việt Nam đã vượt qua khá nhiều khâu kiểm định chặt chẽ, với nhiều thủ tục được tiến hành, từ vấn đề tài chính, năng lực kỹ thuật của dự án vệ tinh… Việc phía Mỹ đồng ý cho Việt Nam, cụ thể là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT vay khoản tiền này đã cho thấy sự đánh giá cao của chính phủ Mỹ về giá trị, tiềm năng của vệ tinh Vinasat-2.

Việc Việt Nam phóng vệ tinh Vinasat-1 và mới đây là Vinasat-2 được ví như đã xây dựng một nền cơ sở hạ tầng viễn thông vững chắc. Vinasat-2 được đưa vào vận hành, khai thác không chỉ đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh mà còn phục vụ nhiều lợi ích xã hội, cộng đồng và quốc gia. Dự án vệ tinh Vinasat-2 không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển trước mắt mà còn có nhiều lợi ích về lâu dài.

Việc đưa mạng thông tin vệ tinh là cơ sở hạ tầng thông tin đảm bảo thông tin liên lạc không thể tính ra bằng lợi nhuận năm. Ông Hoàng Minh Thống lấy ví dụ, năm 2006, khi Đài Loan gặp động đất, mọi đường truyền cáp quang đều đứt, ước tính nếu không có truyền dẫn vệ tinh ứng cứu thì thiệt hại rất lớn, lên tới hàng chục tỷ USD. Do vậy, với vệ tinh Vinasat-2, chúng ta không chỉ nhìn vào lợi nhuận, mà còn đảm bảo an toàn kinh tế và an ninh quốc gia.

Sau khi được phóng thành công lên không gian vào lúc 5h13 phút ngày 16/5/2012 (theo giờ Việt Nam ), vệ tinh Vinasat-2 đã được đưa từ quỹ đạo chuyển đổi đến quỹ đạo địa tĩnh (cách trái đất gần 36.000km). Đến ngày 21/5, vệ tinh Vinasat-2 đã được định vị thành công tại vị trí quỹ đạo 131,8 độ Đông.

Chỉ vài giờ sau khi rời tên lửa đẩy, Trung tâm điều khiển mặt đất đã nhận được tín hiệu thu - phát từ vệ tinh. Quả vệ tinh viễn thông thứ hai của Việt Nam được phóng thành công đã giúp cho Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế, chủ quyền quốc gia trên không gian.

 

Tháng 7/2012, Vinasat-2 đã chính thức được Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT tiếp nhận từ phía nhà thầu sản xuất vệ tinh Lockheed Martin, đánh dấu mốc việc VNPT chính thức quá trình vận hành, quản lý và kinh doanh.

 

Nếu như theo dự kiến ban đầu, vệ tinh Vinasat-2 sẽ có thời gian sống 15 -16 năm, tuy nhiên, theo, ông Hoàng Minh Thống, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình viễn thông của VNPT, Vinasat-2 sẽ có thời gian sống lên tới 21,3 năm, cơ hội khai thác, kinh doanh vệ tinh Vinasat-2 theo đó cũng được tăng thêm khá nhiều.


Hiền Mai

Ý kiến bạn đọc