(VnMedia) - Kể từ ngày 15/7/2012 tới, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT chính thức ngừng cung cấp dịch vụ Internet gián tiếp (VNN 126x) gồm VNN 1260, VNN 1269 và VNN 1268; Thông tư mới sắp ra của Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ không còn ưu ái thuê bao trả trước như trước…
Khá nhiều chính sách phát triển cũng như quản lý dịch vụ viễn thông sẽ được áp dụng cũng như dự kiến ban hành trong tháng 7 này:
Internet gián tiếp chính thức ngưng cung cấp
Trong tháng 7 này, thị trường Viễn thông, Internet Việt được dự báo sẽ có khá nhiều chính sách mới được triển khai, áp dụng. Có động thái được đưa ra từ chính doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, và cũng có quyết sách chờ đợi áp dụng từ phía cơ quan quản lý nhà nước.
Với doanh nghiệp, phải kể tới việc VNPT sẽ chính thức ngừng cung cấp dịch vụ Internet gián tiếp (VNN 126x) gồm VNN 1260, VNN 1269 và VNN 1268 từ 15/7 này. Dịch vụ Internet gián tiếp là các dịch vụ có hình thức truy nhập Internet thông qua mạng điện thoại công cộng PSTN bằng cách quay số dial-up. Trước khi chính thức “khai tử” dịch vụ này, Tập đoàn VNPT đã có đơn đề nghị lên cơ quan chủ quản là Bộ Thông tin và Truyền thông.
Trước VNPT tới 4 năm, Viettel, FPT Telecom, NetNam đã tuyên bố "khai tử" dịch vụ này. Đơn vị trực tiếp quản lý mạng Internet của VNPT là công ty Điện toán và Truyền số liệu VDC cho biết, những năm qua, số thuê bao dial-up giảm rất mạnh và gần như không còn người sử dụng, đặc biệt là khu vực thành thị. Tuy nhiên, VDC vẫn duy trì dịch vụ dial-up vì lợi ích xã hội.
Còn giờ, khi VNPT đã được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng ý cho ngừng cung cấp dịch vụ, các khách hàng còn lại hiện đang sử dụng các dịch vụ trên có thể chuyển đối sang các dịch vụ Internet trên nền cáp quang tốc độ cao FiberVNN và MegaVNN với chi phí phù hợp, kèm nhiều tiện ích.
Internet băng rộng phải có tốc độ tối thiểu 256 Kbps
Thông tư số 05/2012/TT-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành có hiệu lực từ ngày 15/7 phân loại cụ thể dịch vụ Viễn thông. Theo đó, dịch vụ truy nhập Internet sẽ bao gồm dịch vụ truy nhập Internet băng hẹp có tốc độ tải thông tin xuống thấp hơn 256 Kbps và dịch vụ truy nhập Internet băng rộng có tốc độ thông tin tải xuống từ 256 Kbps trở lên.
Thông tư 05 phân loại rõ dịch vụ viễn thông sẽ bao gồm dịch vụ viễn thông cố định (dịch vụ viễn thông cố định mặt đất như nội hạt, đường dài trong nước, quốc tế; dịch vụ viễn thông cố định vệ tinh) và dịch vụ viễn thông di động (dịch vụ viễn thông di động mặt đất, dịch vụ viễn thông di động vệ tinh, dịch vụ viễn thông di động hàng hải, dịch vụ viễn thông di động hàng không).
Trong đó, dịch vụ viễn thông cố định và di động bao gồm các loại dịch vụ: dịch vụ viễn thông cơ bản (điện thoại, truyền số liệu, nhắn tin...); dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng (thư điện tử, thư thoại, truy nhập Internet....) và dịch vụ viễn thông cộng thêm (hiển thị số chủ gọi, giấu số gọi, chờ cuộc gọi...).
Không phân biệt quản thuê bao trả trước với trả sau
Theo một lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, nếu không có gì thay đổi, dự kiến trong tháng 7 này, Bộ sẽ áp dụng thu phí hòa mạng thuê bao trả trước. Sau Thông tư 04 về quản lý thuê bao trả trước vừa có hiệu lực hôm 1/6/2012, đây là chính sách tiếp theo mà Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến triển khai áp dụng đối với thuê bao trả trước.
Theo ông Phạm Hồng Hải - Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, hiện Cục đang hoàn thiện văn bản quy định về thu phí hòa mạng thuê bao di động trả trước giống như thuê bao trả sau. Việc quản lý thuê bao trả trước dần dần sẽ không khác gì so với trả sau nữa.
Với chính sách dành cho thuê bao trả trước ở thời điểm hiện tại, trả trước hòa mạng rất dễ dãi và được khuyến mãi rất nhiều. Đã từng có thời kỳ, chính sách này khiến thị trường thông tin di động phát triển với tốc độ nhanh chóng mặt, lượng thuê bao tăng trưởng ấn tượng.
Thế nhưng, cũng do việc quản hòa mạng trả trước quá dễ dãi khiến xảy ra tình trạng thuê bao ảo lớn. Khi Thông tư về thu phí thuê bao trả trước được áp dụng, việc đầu tiên chính là nhằm siết lại lượng thuê bao hòa mạng mới này.
Sẽ không còn “cảnh” người dùng sim trả trước cứ thích là mua được như “mớ rau” ngoài chợ trước đây nữa. Tình trạng mua sim trả trước thay thẻ cào chắc chắn cũng sẽ không còn, bởi, theo dự kiến, mức phí mà người dùng phải bỏ ra để hòa mạng trả trước tương đương với trả sau.
Ý kiến bạn đọc