Những sản phẩm “làm mưa làm gió” một thời của Yahoo

14:57, 04/07/2012
|

(VnMedia) - Tuy có phai nhạt ít nhiều nhưng Yahoo vẫn là cái tên không dễ dàng thay thế đối với cộng đồng người dùng Internet trong nhiều năm qua. Những sản phẩm nổi tiếng của hãng này như Yahoo! Messenger, Yahoo Mail!, Yahoo! 360°… từng rất được yêu mến và nhiều trong số này vẫn còn rất thông dụng tới ngày hôm nay.

5 năm về trước, nếu bạn hỏi ai đó đang sử dụng phần mềm chát chít chính nào thì gần như 90% trả lời là Yahoo! Messenger (YM). Đúng vậy, YM hiện vẫn còn rất thông dụng mặc dù chịu áp lực cạnh tranh không ít từ các đối thủ khác, trong đó có Skype. Và trước khi Facebook xuất hiện, Yahoo!360 được xem là nền tảng blog ưa thích của nhiều người, nhất là người dùng Việt.

Theo số liệu mới nhất của Yahoo, hiện đang có khoảng hơn nửa tỉ người ghé thăm các trang web của hãng này mỗi tháng. Và giờ chúng ta hãy cùng điểm qua một số sản phẩm nổi bật của Yahoo mà một thời làm mưa làm gió trên thị trường Internet.

Yahoo! Messenger

Ảnh minh họa


YM được cung cấp miễn phí, và mặc dù có quảng cáo nhưng nó không mấy khi làm phiền người dùng. Khi người dùng có tài khoản của YM, họ có thể dùng chính tài khoản đó truy cập vào hòm thư Yahoo (Yahoo! Mail). YM sẽ thông báo cho người dùng mỗi khi họ có thư mới. YM có thể hoạt động theo nhiều phương thức khác nhau như máy tính tới máy tính (PC-PC), máy tính tới điện thoại (PC-Phone), hoặc điệnthoại tới máy tính. Các tính năng khác của YM cũng khá phổ biến và hữu ích, chẳng hạn như gửi tệp tin, webcam, và các phòng chát đa dạng.

Yahoo! Mail

Ảnh minh họa


Yahoo! Mail cũng là một dịch vụ miễn phí thông dụng khác của Yahoo ra mắt từ năm 1997. Số liệu tính đến tháng 10/2011 cho thấy lượng người dùng Yahoo! Mail đạt 310 triệu, đứng sau Google Gmail. Trước đó, Yahoo! Mail không có đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, chính do tâm lý quá tự tin và chậm đổi mới đã khiến cho dịch vụ e-mail của Yahoo phải lùi bước trước Google. Từ đầu năm 2008, Yahoo! bắt đầu tăng dung lượng lưu trữ của Yahoo! Mail lên mức không giới hạn nhằm cạnh tranh với các sản phẩm khác. Năm 2009, Yahoo! Mail chính thức đồng bộ hóa với Yahoo! Messenger. Có một điểm thú vị là tại Mỹ, quê hương của cả Yahoo và Google, Yahoo! Mail vẫn được ưa thích hơn cả.

Yahoo! 360°

Xuất hiện từ năm 2005, Yahoo! 360° từng là mạng xã hội rất nổi cho phép người dùng tạo lập các trang web cá nhân, chia sẻ ảnh từ Yahoo! Photos, viết blog, và giao tiếp thuận tiện với bạn bè trên mạng. Năm 2008, dịch vụ này đã bị ngừng phát triển mãi mãi. Với người dùng Việt Nam, cái tên Yahoo! 360° hay Yahoo! 360° Plus đều rất gắn bó.  Còn nay, cả hai đều không mấy được sử dụng. Cuối năm 2011, Yahoo! Blog ra mắt với hy vọng thay thế cho Yahoo! 360° Plus nhằm lôi kéo các “fan” cũ của Yahoo! 360° nhưng có vẻ không mấy thành công.

Flickr

Ảnh minh họa


Flickr là website lưu trữ ảnh và video do by Ludicorp tạo ra năm 2004 và một năm sau đó được Yahoo mua lại. Flickr khá thông dụng trong giới blogger. Theo số liệu của Yahoo tính tới tháng 6/2011, Flickr có tổng cộng 51 triệu thành viên đăng ký và 80 triệu người truy cập. Tháng 8/2011, Flickr đã lưu trữ được khoảng 6 tỉ bức ảnh và con số này vẫn tiếp tục tăng. Hiện tại, Flickr đã có những ứng dụng riêng cho phép smartphone chạy trên các nền tảng iOS, Android và Windows Phone 7 có thể chia sẽ ảnh dễ dàng trên mạng.

Yahoo! Answers

Ảnh minh họa


Từng có tên là Yahoo! Q & A, Yahoo! Answers là dịch vụ Hỏi & Đáp dành cho cộng đồng ra mắt từ năm 2005, và hoạt động khá uy tín thông qua cơ chế cho phép người dùng tự xếp hạng các câu trả lời tin cậy. Yahoo! Answers hiện đang có 12 ngôn ngữ khác nhau.

Yahoo! Search

Ảnh minh họa


Tháng 12/2009, Yahoo! Search là công cụ tìm kiếm thông dụng thứ 2 (6,42%) sau Google (85,35%) và trước Baidu (3,67%). Cũng trong năm đó, Microsoft và Yahoo công bố thỏa thuận theo đó công cụ tìm kiếm Bing của hãng phần mềm lớn nhất thế giới sẽ hỗ trợ cho Yahoo! Search. Dự kiến trong năm nay, toàn bộ khách hàng và đối tác toàn cầu của Yahoo! Search sẽ chuyển sang Bing.

Từ ngày 3/7, Báo điện tử VnMedia sẽ đăng tải loạt bài xung quanh các “đại gia” lớn của làng CNTT thế giới. Xin mời độc giả theo dõi.

 

Độc giả gần xa của Báo điện tử VnMedia có các quan điểm, đánh giá xung quanh chủ đề này hãy cùng tham gia đóng góp cho VnMedia tại địa chỉ toasoan@vnmedia.vn. VnMedia rất mong nhận được các phản hồi tích cực từ phía bạn đọc.


Tuệ Minh

Ý kiến bạn đọc