Điểm khác biệt chiến lược giữa Google và Yahoo

13:53, 06/07/2012
|

(VnMedia) - Cả Google và Yahoo đều là những “cây đại thụ” trong giới công nghệ bắt nguồn từ bộ máy tìm kiếm nhưng tới thời điểm này, vị trí của Google và Yahoo đã hoàn toàn khác biệt. Vậy lý do là gì đã tạo nên sự khác biệt đó?

Ảnh minh họa


Yahoo là một tập đoàn đại chúng Hoa Kỳ với mục tiêu trở thành "dịch vụ Internet toàn cầu hàng đầu cho người tiêu dùng và giới doanh nghiệp", được sáng lập bởi sinh viên cao học tại trường Đại học Stanford là David Filo và Jerry Yang vào tháng 1/1994 và được thành lập vào ngày 2/3/1995.

Trong khi đó, Google là công ty Internet cũng có trụ sở tại Hoa Kỳ, được thành lập vào năm 1998. Google ra đời theo một công trình nghiên cứu của Larry Page và Sergey Brin, hai nghiên cứu sinh tại trường Đại học Stanford. Họ có giả thuyết cho rằng, một công cụ tìm kiếm dựa vào phân tích các liên hệ giữa các website sẽ đem lại kết quả tốt hơn cách đang được hiện hành lúc bấy giờ (1996). Công cụ tìm kiếm Google được nhiều người ủng hộ và sử dụng vì nó có một cách trình bày gọn và đơn giản cũng như đem lại kết quả thích hợp và nâng cao.

Ban đầu, Yahoo sử dụng các kết quả tìm kiếm lấy từ Google để hiển thị trên trang chủ Yahoo.com mỗi khi người dùng yêu cầu. Nhưng sau đó, năm 2004 hãng đã tung ra máy tìm kiếm độc lập dựa trên sự kết hợp các công nghệ vốn có của hãng. Sau đó, Yahoo cùng với Google và MSN trở thành 3 công cụ tìm kiếm phổ biến nhất trên thế giới. Tuy nhiên, tới thời điểm này Google đã trở thành gã khổng lồ ngày càng lớn mạnh, còn Yahoo thì trở nên sa sút nghiêm trọng.

Nếu chịu khó quan sát có thể thấy, Google và Yahoo đi theo 2 cách thức làm việc khác nhau. Thứ nhất, cách thức hoạch định thị trường đôi khi khiến Google luôn vượt trội hơn so với Yahoo. Đó chính là việc tổ chức mọi thứ cùng một chỗ, cho phép bạn có thể chọn lựa và tìm kiếm những gì bạn muốn. Nói cách khác, đó là việc tập hợp tất cả mọi thứ dưới một mái nhà. Thứ hai, Google sắp đặt gọn gàng tất cả những thứ đó, và đặt trước mặt bạn những thứ bạn thực sự cần. Google và Yahoo tương ứng đi theo 2 cách thức trên.

Nhìn vào cách tiếp cận này rõ ràng thấy Google là một nhà phát triển còn Yahoo là một người sử dụng.

Chiến lược của Yahoo

Yahoo luôn tin tưởng vào các mối quan hệ đối tác để “chèo lái” công việc kinh doanh. Năm 2006, Yahoo đã đưa ra đề nghị mua lại mạng xã hội Facebook với giá 1 tỷ USD. Đây là một trong những bước đi quan trọng đối với Yahoo để hướng tới công chúng thông qua một trang mạng xã hội. Nhưng không may là thương vụ này bất thành, vì Yahoo gặp khó khăn về tài chính nên đã đưa ra lời đề nghị 850 triệu USD, thay vì 1 tỉ USD như ban đầu. Với lời đề nghị mới, ban lãnh đạo Facebook đã từ chối thương vụ này.

Dưới thời dẫn dắt của Giám đốc điều hành Carol Bartz, Yahoo đã cố gắng tạo bước chuyển biến mới, chuyển hướng sang mạng xã hội nhưng vẫn đi theo hướng cộng tác để tăng trưởng.

Trong lĩnh vực mạng xã hội, Yahoo không mua lại Twitter và cũng không xây dựng mạng xã hội của riêng, mà thiết lập hợp tác với mạng xã hội Facebook và Twitter.

Yahoo luôn nhận thức được thực tế rằng, không thể phát triển một trang web truyền thông xã hội chống lại các sản phẩm của Google và đó là lý do tại sao Yahoo thiết lập mối quan hệ đối tác với các trang mạng xã hội. Năm 2009, Yahoo đã công bố kết nối sản phẩm của họ với Facebook. Tức là thông qua công nghệ Facebook Connect, người dùng sử dụng những dịch vụ của Yahoo như email, chia sẻ ảnh và các sản phẩm trực tuyến khác liên kết trực tiếp với nội dung và các hoạt động của họ vào Facebook.

Yahoo cũng là một đối tác của tiểu blog - Twitter. Vì vậy, chúng ta sẽ nhận thấy, thay vì cạnh tranh với các mạng xã hội, Yahoo tin tưởng vào việc hợp tác tới họ để tăng lượng truy cập thông qua các đối tác này.

Mặt khác, Yahoo cũng hợp tác với Microsoft trong lĩnh vực tìm kiếm, tuy nhiên thay vì hưởng lợi từ mối quan hệ hợp tác này, bộ máy tìm kiếm Yahoo ngày càng trở nên mờ nhạt và mất dần chỗ đứng trong khi Bing của Microsoft lại mạnh lên.

Mới đây, Yahoo cũng quyết định tham gia vào cuộc chiến trình duyệt khi cho ra mắt trình duyệt Axis. Tuy nhiên, mọi thứ đều có vẻ khá mờ mịt đối với tên tuổi một thời này.

Chiến lược của Google

Nếu như Yahoo thích hợp tác thì Google lại thích phát triển. Họ luôn tập trung vào phát triển những thứ họ có, những công nghệ mới.

Tháng 10/2016, Google mua lại YouTube – trang chia sẻ video trên nền web. Cùng năm đó, Yahoo chính thức hợp tác với eBay. Năm 2008, Google ra mắt trình duyệt Google Chrome. Năm 2009, Yahoo chính thức trở thành đối tác trong lĩnh vực tìm kiếm với Microsoft. Sau đó tháng 2/2010, Google phát hành mạng xã hội Google Buzz. Cùng năm đó, Yahoo và Twitter trở thành đối tác của nhau…

Google luôn tạo ra những bước đi tính toán trong việc phát triển để thu hút sự chú ý của người dùng, trong khi đó Yahoo tiếp tục với quan hệ đối tác. Chiến lược của Google tiếp tục thành công kể từ khi ra mắt mạng xã hội Google Buzz. Tuy nhiên, sau đó Google đã khai tử mạng xã hội này sau một năm hoạt động để tập trung vào phát triển mạng xã hội Google+ non trẻ, nhằm đấu lại với Facebook.

Khi so sánh với Yahoo, trong một thời gian ngắn, Google đã phát triển các sản phẩm công nghệ tốt hơn. Chẳng hạn như Buzz, Chrome, Wallet, Android, Map… Google làm việc nhiều hơn trên smartphone và mới đây đã ra mắt máy tính bảng đầu tiên của hãng. Đây sẽ là mục tiêu lớn nhất tiếp theo để phát triển bộ máy tìm kiếm. Vì theo dự đoán, trong thời gian tới, thị trường thiết bị di động sẽ là mảnh đất màu mỡ để khai thác tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến.

Nhìn chung, khó có thể khẳng định được chiến lược của Google đúng đắn hơn Yahoo nhưng đến thời điểm này, Google đang thực sự lớn mạnh, trong khi Yahoo đã bắt đầu rơi vào “vòng xoáy” lụi tàn giống như nhiều đại gia công nghệ trước đây. Liệu Yahoo có thể thoát khỏi cái dớp đó?


Tuệ Minh - (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc