Thay đổi mạng Internet toàn cầu vào ngày 6/6?

17:45, 01/06/2012
|

(VnMedia) - Ngày 6/6/2012 chính thức được lấy làm ngày toàn thế giới triển khai giao thức mạng IPv6, khi kho địa chỉ IPv4 được dùng phổ biến hiện nay đã cạn kiện. Vấn đề đặt ra là việc chuyển đổi này sẽ ảnh hưởng thế nào tới mạng Internet của người dùng trên toàn thế giới?

Để hưởng ứng sự kiện này cũng như tháo gỡ khó khăn vướng mắc và chia sẻ kinh nghiệm triển khai giữa các nhà cung cấp dịch vụ Internet trong nước và quốc tế, Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPV6 Quốc gia và Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đã tổ chức hội thảo “IPV6 - Công nghệ và ứng dụng với Việt Nam” trong hai ngày 31/5 và 1/6/2012 tại Hà Nội.

Ảnh minh họa


Sự kiện đã quy tụ nhiều chuyên gia hàng đầu của nhiều hãng công nghệ, thiết bị hàng đầu thế giới và nhiều tổ chức quản lý tài nguyên Internet quốc tế.

Cấp thiết phải triển khai IPv6

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Lê Nam Thắng, Trưởng Ban thúc đẩy IPV6 quốc gia, đây là lần đầu tiên một sự kiện lớn, quy mô quốc tế về IPv6 được tổ chức tại Việt Nam, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6, triển khai và ứng dụng thực tế IPV6. Sự kiện góp phần tạo nên sự thành công cho kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 vì mục tiêu phát triển bền vững của ngành công nghệ thông tin trong nước.

Trên thực tế, theo thông báo từ Tổ chức quản lý địa chỉ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, tốc độ tiêu thụ kho địa chỉ Internet IPv4 của khu vực là lớn nhất thế giới và chính thức đã hết IPv4, chuyển sang áp dụng chính sách quản lý IPv4 giai đoạn cuối cùng kể từ ngày 15/4/2011.

Mặt khác, Bộ TT-TT đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 và năm 2012 được coi là năm kết thúc giai đoạn chuẩn bị chuyển sang giai đoạn khởi động. Khi đó các doanh nghiệp Internet sẽ phải sẵn sàng hoạt động song song IPv4/IPv6 và bắt đầu cung cấp một số dịch vụ trên nền IPv6 cho khách hàng.

Hiện việc chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 đang diễn ra mạnh mẽ trên khắp thế giới và tại Việt Nam cũng đang rục rịch. Theo ông Trần Minh Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam, việc chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 không phải là việc làm xa vời mà rất gần gũi và hiện đã có nhiều đơn vị triển khai thử nghiệm. Ngay như tại Hội thảo này, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng đã cung cấp đường truyền dựa trên giao thức IPv6 phục vụ hội thảo.

Theo các chuyên gia, việc chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 được coi là cấp bách và bắt buộc đối với các cơ quan, tổ chức tham gia hoạt động trên mạng Internet, nếu muốn duy trì hoạt động Internet ổn định với thế giới.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc triển khai IPv6 trên thế giới và tại Việt Nam. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là vấn đề nhận thức về tầm quan trọng của việc chuyển đổi sang IPv6, khả năng hỗ trợ của nhà sản xuất thiết bị, trình độ nhân lực và chi phí. Trong đó, các nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn ở Việt Nam như VNPT, FPT, Viettel, NetNam,…được coi là những nhân tố góp phần thúc đẩy hoàn thành kế hoạch hành động IPv6 của quốc gia, cũng đã thử nghiệm việc chuyển đổi này.

Các nhà cung cấp dịch vụ Internet trong nước đã nghiên cứu và thử nghiệm triển khai dịch vụ trên giao thức IPv6. Chia sẻ vấn đề này tại Hội thảo, ông Hồ Trọng Đạt, chuyên viên Ban viễn thông VNPT cho biết, với vị thế là đơn vị dẫn đầu thị trường Internet Việt Nam, từ lâu VNPT đã nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này. VNPT đã  tiến thành nghiên cứu và thử nghiệm giao thức IPv6. Từ năm 2003, công ty Điện toán và Truyền số liệu VDC (thuộc VNPT) đã thử nghiệm IPv6 trên mạng backbone và hiện VDC đã cung cấp một số dịch vụ IPv6 cơ bản.

VNPT có kế hoạch chuyển đổi IPv4 và triển khai IPv6 theo 4 giai đoạn, trong đó năm 2013 sẽ cung cấp thử nghiệm IPv6 tới khách hàng, sau đó mới tiếp tục triển khai trên toàn mạng. Hiện người dùng có nhu cầu sử dụng dịch vụ trên IPv6, VNPT sẵn sàng đáp ứng. Theo kế hoạch, đến năm 2020, VNPT cung cấp dịch vụ Internet trên nền IPv4 và IPv6 một cách trơn tru, phục vụ tốt nhất cho khách hàng.

Người dùng không nên lo lắng

IPv6 là địa chỉ Internet thế hệ mới với thiết kế chiều dài 128 bit cho phép đánh số địa chỉ Internet lên tới con số gần như vô hạn là 2128 địa chỉ (IPv4 chỉ gồm 232 địa chỉ). IPv6 cũng được thiết kế với những khả năng ưu việt đáp ứng nhu cầu của thế hệ mạng mới và hỗ trợ bảo mật vượt trội.

Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu máy tính người dùng IPv4 truy cập trang web dùng IPv6? Theo các chuyên gia, vấn đề này không đáng quan tâm, vì trong vài năm tới, các công ty cung cấp dịch vụ Internet sẽ triển khai “cấu hình mạng kép”. “Cấu hình mạng kép” sẽ bao gồm các phần mềm cần thiết giúp việc giao tiếp giữa hệ thống IPv4 và IPv6 thuận tiện. Hệ thống này hiện được hầu hết các tổ chức đang dùng IPv6 sử dụng.

Các doanh nghiệp và các nhà cung cấp dịch vụ vẫn tiếp tục dùng kỹ thuật NAT truyền thống để duy trì các địa chỉ IPv4 mà họ đang sử dụng. Theo các chuyên gia, IPv4 và IPv6 sẽ cùng tồn tại với nhau trên Internet trong vài năm tới.

Đối với người dùng, IPv6 không có sự khác biệt lớn vì họ có thể tiếp tục sử dụng IPv4 như bình thường. Việc chuyển đổi toàn bộ sang IPv6 chỉ có thể xảy ra khi máy tính của người dùng, mạng Internet, nội dung web và các nhà cung cấp dịch vụ đã đồng bộ hoàn toàn với IPv6. 


Tuệ Minh

Ý kiến bạn đọc