(VnMedia) - Nhiều người nghĩ rằng, Nokia đã sai lầm khi trao quyền cho Giám đốc điều hành Stephen Elop, nhưng thực chất vấn đề bất cập của gã khổng lồ này đã tồn tại từ rất lâu, trước khi vị CEO này gia nhập công ty.
Dưới đây 5 sai lầm lớn nhất của Nokia:
Không đi theo trào lưu điện thoại gập
Một trong những sai lầm đầu tiên và lớn nhất của Nokia là không thể theo kịp xu hướng thiết kế điện thoại gập, vốn rất phổ biến tại Mỹ vào đầu những năm 2000. Trước đó, Nokia vốn đã là thương hiệu rất mạnh tại đây. Gần như mọi người dân Mỹ lúc đó đều có một chiếc điện thoại dạng thanh của Nokia.
Motorola Razr đánh dấu thất bại đầu tiên của Nokia. |
Tuy nhiên, rất nhiều thiết bị cầm tay cao cấp của các đối thủ cạnh tranh đã bắt đầu tung ra cho người tiêu dùng Mỹ, để đáp ứng theo thị hiếu của người tiêu dùng đang chạy theo xu hướng điện thoại gập. Đáng chú ý nhất là Motorola Razr đời đầu. Điện thoại này đã thành công rực rỡ và Motorola thực sự thách thức Nokia về thị phần tại một thời điểm.
Phản ứng của Nokia lúc đó chỉ là tạo ra nhiều điện thoại dạng thanh hơn. Có thời điểm công ty kiểm soát 2/3 thị trường điện thoại di động, có nghĩa là có đủ khả năng để bán điện thoại giống hệt nhau trên khắp thế giới, chứ không phải tùy từng loại dành cho những thị trường cụ thể.
Tuy nhiên, việc lưỡng lự không chuyển sang dòng điện thoại nắp gập từ sớm đã khiến cho Nokia phải trả giá bằng toàn bộ thị trường Mỹ. Hơn một thập kỷ sau đó, sự có mặt của Nokia tại thị trường này là hoàn toàn nhạt nhòa.
Tiếp tục bỏ qua thị trường Mỹ
Việc Nokia không thể làm ra những chiếc điện thoại phù hợp với thị trường Mỹ đã khiến hãng kém thu hút hơn đối với các nhà mạng tại nước này, càng khiến cho thị phần của Nokia sụt giảm. Kiểu tiếp cận "mặc kệ nó" trong việc phân phối sản phẩm của Nokia rõ ràng không được lòng các nhà mạng vốn đang tìm kiếm các đối tác nhanh nhạy hơn, chẳng hạn như Motorola.
Thêm vào đó, Samsung Electronics và LG Electronics rất biết cách lấy lòng các nhà mạng, và không ngạc nhiên khi sự ảnh hưởng của 2 tên tuổi này tại Mỹ liên tục lớn mạnh trong suốt thập kỷ qua.
Trong khi đó, Nokia lại tự thu mình lại chỉ với một số fan hâm mộ ít ỏi. Công ty này thiết lập hệ thống cửa hàng riêng tại một số thành phố lớn như New York, bán trực tiếp điện thoại cho người tiêu dùng mà không cần hợp đồng. Điều đó có nghĩa là người mua phải trả giá cao hơn vì không được trợ giá, và kết quả là chỉ số ít khách hàng lựa chọn cách mua hàng này.
Quan trọng hơn cả là sự xuất hiện ít ỏi của Nokia tại Mỹ, lại càng khiến cho hãng càng xa rời thị trường khi chuyển sang dòng smartphone hiện đại.
Nokia cũng thất bại trong việc nhận diện đối thủ iPhone
Chiếc iPhone đầu tiên của Apple đã khuấy động thị trường và thay đổi sự kỳ vọng của người dùng đối với một chiếc smartphone. Người dùng đã dừng lại nghe ngóng và họ dần nhận ra rằng những nền tảng mà trước đấy họ hài lòng như Windows Mobile, Palm OS, và Nokia Symbian đã không còn đáp ứng nhu cầu được nữa.
Nokia cũng đặc biệt mù mờ với sự đe dọa của iPhone. Lãnh đạo Nokia luôn nói rằng họ là người đi đầu thị trường smartphone khi được hỏi về sự cạnh tranh của iPhone. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy.
Chiếc iPhone đầu tiên có giá rất “chát”, khiến cho nó trở thành vật sở hữu xa xỉ của những tín đồ công nghệ. Tuy nhiên, khi Apple hợp tác với nhà mạng AT&T để giảm giá iPhone xuống còn 200USD, nó lại trở thành dòng sản phẩm trung cấp, và trở thành mối đe dọa đối với tất cả các nhà sản xuất điện thoại di động lớn khác. Vị thế của Apple càng được củng cố khi hãng này giới thiệu kho ứng dụng App Store, giúp gắn kết khách hàng với thế giới ứng dụng chạy trên nền iOS.
Trong khi đó, Nokia dù cũng có kho ứng dụng riêng nhưng lại không linh hoạt và không đáp ứng hết nhu cầu của giới phát triển như khi họ làm với iOS. Từ khía cạnh đó có thể thấy Nokia đã mất đi rất nhiều lợi thế trong việc duy trì vị thế của mình. Tất cả những gì mà hãng này còn là sự vang bóng một thời, và Nokia dần phải chứng kiến thị phần của mình giảm sút.
Gắn với Symbian quá lâu
Hệ điều hành Symbian vẫn đứng vững khi iPhone xuất hiện, nhưng sự lung lay của nó chỉ bắt đầu khi Android của Google trỗi dậy. Android đã mang lại cho các nhà sản xuất thiết bị một hệ điều hành hiện đại giúp họ cạnh tranh với iPhone, và thực tế là đã có rất nhiều hãng lựa chọn nền tảng này.
Motorola, hãng phải vật lộn với sự tụt hậu sau khi thành công của dòng điện thoại Razr qua đi, đã chuyển sang hẳn Android và nhận được sự ủng hộ rất lớn của Verizon Wireless, vốn đang tìm kiếm đối tác để cạnh tranh với sản phẩm iPhone, do đối thủ AT&T được độc quyền phân phối. Trong khi đó, HTC cũng nhanh chóng chọn lựa Android và nhận thấy hiệu quả tức thì. Samsung và LG tuy đi sau và chậm rãi nhưng cũng là những tên tuổi rất lớn phát triển sản phẩm trên nền tảng hệ điều hành di động này.
Trong khi đó, Nokia lại quá lưu luyến Symbian. Công ty này đã quyết định tăng gấp đôi sự đầu tư cho Symantec, với ý định sẽ phân phối OS này dưới dạng giấy phép nguồn mở. Năm 2008, Nokia tung ra Symbian trong khuôn khổ Symbian Foundation với quyết tâm thành lập nhóm liên kết các nhà cung cấp dịch vụ và công ty hỗ trợ nền tảng này. Tuy nhiên, nỗ lực này đã không thành công và Nokia buộc phải xóa bỏ nhóm liên kết này 2 năm sau đó.
Chọn sai nền tảng hỗ trợ thế hệ mới
Việc Nokia nhất quyết chọn lựa Symbian với mong muốn tạo nên một nền tảng hệ điều hành smartphone mới đã biến thành thảm họa.
Intel, mặc dù rất hăm hở nhảy vào ngành kinh doanh smartphone, cũng lại đang phát triển hệ điều hành riêng có tên Moblin dựa trên Linux. Năm 2010, công ty này đã quyết định chuyển toàn bộ công việc liên quan tới Moblin sang MeeGo, một liên doanh (Intel – Nokia) gặp nhiều trắc trở. Rõ ràng là MeeGo hoàn toàn tắt lịm, khi Elop chuyển trọng tâm của Nokia sang Microsoft và sử dụng Windows Phone như nền tảng chính.
Nokia đặt hy vọng cuối cùng vào dòng Lumia. |
Năm ngoái, Nokia công bố chiếc N9 chạy trên nền tảng MeeGo. Tuy nhiên, sau đó công ty lại có sự chuyển đổi nhằm biến N9 thành một chiếc điện thoại mới sử dụng hệ điều hành đã chết. Giờ đây N9 tuy vẫn sống nhưng chỉ nhằm lót đường cho dòng Lumia.
Ý kiến bạn đọc