(VnMedia) - Trong nhiều năm qua, công nghệ thông tin đã thể hiện vai trò quan trọng trong sự phát triển mọi mặt đời sống xã hội. Tuy nhiên, ứng dụng CNTT vẫn còn hạn chế vì nhiều nguyên nhân...
Phát biểu tại diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2012 diễn ra vào sáng 26/6, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT, cho rằng, trong nhiều năm qua CNTT-TT Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển đất nước trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
CNTT-TT đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy sự tăng trưởng và hiệu quả ngày càng cao, là công cụ quan trọng để tăng cường năng suất, chất lượng, hiệu quả của các ngành kinh tế xã hội, góp phần cải cách thủ tục hành chính và trở thành công cụ tích cực để cung cấp thông tin đa dạng, đa phương tiện, liên tục, phục vụ người dân ở trong mọi miền đất nước trong nước và nước ngoài.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT phát biểu tại Vietnam ICT Summit 2012 diễn ra vào sáng 26/6. (Ảnh Quốc Dũng) |
Nhìn lại 10 năm qua, phát triển CNTT- TT như một ngành kinh tế mũi nhọn đem lại những kết quả to lớn. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực của đất nước ta còn hạn chế. Phó Thủ tướng hy vọng, thông qua diễn đàn Vietnam ICT Summit năm nay sẽ góp phần làm rõ vì sao việc ứng dụng CNTT trong các Bộ ngành, doanh nghiệp, cơ sở còn hạn chế.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, trong thời gian qua, các ngành chủ yếu còn quan tâm đến các tiêu chí về tăng trưởng, chưa quan tâm đúng mức về các tiêu chí chất lượng, năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh, hoạt động của các tổ chức cơ sở. Hay nói một cách khác, trong giai đoạn còn tăng trưởng theo mô hình dựa chủ yếu vào vốn vào đất, vào lao động giản đơn, chưa quan tâm đến ứng dụng khoa học công nghệ, trong đó CNTT vốn là công cụ để phát triển nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Lý do thứ hai là trong quản lý, các ngành ở các địa phương, người đứng đầu chưa đặt ra những nhiệm vụ, đầu bài về ứng dụng CNTT để tăng năng suất. Hạn chế này một phần do họ chỉ được đào tạo theo chuyên ngành hẹp, không được đào tạo về CNTT. Do đó rất cần những người vừa có kiến thức chuyên môn vừa hiểu biết về CNTT. Những người này sẽ là đòn bẩy, đi đầu ứng dụng trong ngành.
Tại Hội nghị Trung ương khóa 11 vừa qua đã thông qua Nghị quyết số 15 ngày 16/1/2012 để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đưa nước ta cơ bản thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Nghị quyết đã xác định CNTT - TT là một trong những hạ tầng quan trọng. Thực hiện chủ trương đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 16 về chương trình hành động xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hình thức trong đó xác định xây dựng hạ tầng thông tin đến năm 2020.
Do đó, mỗi ngành đều có sự phát triển theo đặc thù, nhưng CNTT chính là xử lý khâu chung của tất cả các ngành, đó là thu thập thông tin, xử lý thông tin và phổ biến thông tin. CNTT chính là hạ tầng thông tin của tất cả các ngành khác. Thông qua CNTT, việc thu thập thông tin có thể làm ở quy mô lớn hơn, sẵn sàng hơn. Đặc biệt, nếu có ùn tắc giao thông, mọi người chỉ quan sát được trong vài trăm mét nhưng nếu có hệ thống cảm biến, thì mọi người đều biết được thông tin tắc nghẽn ở một số khu vực.
Như vậy, CNTT giúp cho việc thu thập thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu với quy mô và tầm lớn hơn. Tốc độ xử lý và tính phức tạp của xử lý cao hơn rất nhiều. Nếu có thể xử lý thông tin chúng ta có thể mô phỏng được, dự báo quá trình và quyết định sẽ làm gì.
Tóm lại ,CNTT chính là công cụ để cùng cách ngành tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sự phát triển của ngành đó. Vậy làm thế nào ứng dụng nhanh hơn và hiệu quả hơn?
Trước hết, bên cạnh các chỉ tiêu về tăng trưởng cần đưa ra các chỉ số về tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới sản phẩm dịch vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị mình trên cơ sở toàn ngành. Nếu không có chỉ tiêu này thì không có động lực để phát triển.
Thứ hai, nên chăng cần xây dựng chuẩn hóa việc bồi dưỡng cán bộ quản lý hiểu biết về CNTT.
Thứ ba là chúng ta cần nghiên cứu xem mỗi một ngành cần bao nhiêu phần trăm tỷ lệ lao động của ngành đó có hai bằng cấp, bằng chuyên môn và bằng CNTT. Đây chính là cầu nối để gắn kết CNTT với các ngành.
Thứ tư, các ngành cần hình thành các tổ chức chuyên trách về CNTT để hướng dẫn ứng dụng, đề xuất các chính sách hộ trợ CNTT của ngành mình.
Thứ năm, nên chăng cần khuyến khích các đơn vị tư vấn ứng dụng CNTT cho từng ngành. Đặc biệt là việc triển khai chính phủ điện tử.
Các Bộ, Ngành nên có kinh phí nghiên cứu cho việc ứng dụng CNTT phù hợp với từng ngành.
"Với quyết tâm triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương và cùng với sự hỗ trợ đắc lực của các tổ chức CNTT, chuyên gia CNTT trong nước và nước ngoài… sẽ nhanh chóng đưa CNTT vào giải quyết các vấn đề cấp bách hiện nay của xã hội" - Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói.
Ý kiến bạn đọc