CNTT giải quyết tắc nghẽn giao thông, quá tải bệnh viện

14:39, 26/06/2012
|

(VnMedia) - Sáng nay (26/6), diễn dàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2012 đã chính thức khai mạc tại Hà Nội. Diễn đàn sẽ bàn thảo xoay quanh việc dùng CNTT để giải quyết các vấn đề “nóng” trong xã hội hiện nay như tắc nghẽn, tai nạn giao thông, thiếu hụt điện năng…

Vietnam ICT Summit 2012 sẽ diễn ra trong hai ngày 26-27/6 với 4 chủ đề chính gồm giảm tắc nghẽn giao thông bằng CNTT, CNTT với đổi mới giáo dục và đào tạo; Phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam; Thẻ công dân điện tử.

Trong 10 năm qua, CNTT đã thể hiện vai trò và tầm quan trọng của mình đối với sự phát triển mọi mặt của nền kinh tế. CNTT giúp thúc đẩy mạnh mẽ quá trình toàn cầu hóa mọi mặt đời sống xã hội, tạo ra một thế giới “phẳng”.

Phát biểu tại Hội nghị này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “CNTT chính là hạ tầng thông tin của tất cả các ngành khác, chính là công cụ để các ngành tăng năng suất và hiệu quả hoạt động. Nhìn  lại 10 năm qua, sự phát triển CNTT đã đem lại hiệu quả to lớn nhưng việc ứng dụng vào các ngành kinh tế xã hội còn rất thấp. Trước đây các ngành thường chỉ quan tâm tới tăng trưởng định lượng nhưng chưa quan tâm đến chất lượng và hiệu quả nên CNTT chưa được coi trọng".

 Ảnh minh họa

 Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa) tặng Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (trái) kỷ niệm chương của diễn đàn Vietnam ICT Summit 2012.


"Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành, địa phương chưa đặt ra những nhiệm vụ, đầu bài về ứng dụng CNTT để tăng năng suất, một phần do họ chỉ được đào tạo theo chuyên ngành hẹp. Do đó, chúng ta rất cần những cán bộ vừa có chuyên môn, vừa hiểu biết về CNTT", Phó Thủ tướng chia sẻ và mong muốn Diễn đàn sẽ phần nào giải được các bài toán cụ thể để đưa CNTT vào trong các cấp, các ngành và doanh nghiệp.

Ông Trương Đình Tuyển, Phái viên của Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại chia sẻ: “Chính khả năng số hóa, kết nối, tích hợp của CNTT đã làm thay đổi cách thức sản xuất và phương thức quản lý, tạo ra một thời đại kinh tế mới- thời đại kinh tế trí thức, đặc trưng bởi sự chuyển đổi từ công nghệ chế tạo sang công nghệ cao, trong đó CNTT là trục kết nối chính”.

Về phương thức phát huy CNTT trong hiện đại hóa đất nước, ông Tuyển cho rằng: “Để phát triển và ứng dụng CNTT, thì cơ chế, chính sách giữ vai trò mở đường, người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến các địa phương và cơ sở, cộng đồng doanh nghiệp sẽ là lực lượng chủ công”. Ý nghĩa của diễn đàn ICT Summit năm nay chính là đề cao tư duy, nhận thức mới, coi CNTT như một hạ tầng quốc gia và thảo luận các giải pháp để thực hiện hiện đại hóa hệ thống hạ tầng và hiện đại hóa đất nước bằng CNTT.

"Do đó, ICT Summit năm nay sẽ không đơn thuần nói về việc CNTT cần và có thể làm gì, mà quan trọng hơn là các ngành, các cấp sẽ dùng công nghệ như thế nào để giải quyết các vấn đề “nóng”, cấp bách hiện nay trong hệ thống hạ tầng, đồng thời thảo luận về chiến lược và các giải pháp để hiện đại hóa hệ thống hạ tầng theo xu thế của thế giới. Đó là xây dựng hạ tầng thông minh dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông" - ông Trương Gia Bình Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa) nhận định. 


Tuệ Minh

Ý kiến bạn đọc