Vụ cháu bé gây cháy: Năng lượng bí hiểm hay bật lửa?

10:15, 21/05/2012
|

Các vật dụng trong nhà bị cháu bé thiêu rụi đều ở rất gần với một chiếc bật lửa “khò” do Trung Quốc sản xuất, to hơn hộp quẹt gas bình thường một tí, hình bầu, có năm chấu nằm trên vị trí ngọn lửa.

Sáng 20-5, trao đổi riêng với Pháp Luật TP.HCM, ông Dư Quang Châu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Cảm xạ địa sinh học - Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), khẳng định trung tâm và trường không tiếp tục tham gia nghiên cứu khả năng gây cháy của cháu T. nữa. Theo ông Châu, nguyên nhân ngừng việc này là do trung tâm không đủ chuyên môn, trình độ.

Cháu T. nghịch ngợm

Ông Châu cho biết qua tiếp xúc, ông nhận thấy cháu T. lanh lẹ, nghịch ngợm. Hơn nữa, quan sát vật dụng bị đốt cháy như ổ điện, quạt đứng, máy nước nóng, nệm…, tất cả đều nằm trong tầm tay của cháu.

Đối với nắp bồn cầu, nếu cháu T. có khả năng đốt cháy thì phải cháy từ trên xuống, đằng này lại cháy từ dưới lên. Với lại cháu T. luôn là người phát hiện ra cháy đầu tiên. “Xâu chuỗi những sự kiện trên, tôi cho rằng các vật dụng bị cháy là do cháu T. đốt để thu hút mọi người quan tâm” - ông Châu nêu quan điểm.

Đồ đạc trong nhà cháu T bị cháy "bí ẩn"


Theo ông Châu, “đồ chơi” cháu T. dùng để đốt có thể là hột quẹt “khò” của Trung Quốc, bán đầy ngoài đường, nhỏ gọn, dễ giấu trong túi áo quần, cặp xách... “Lửa hộp quẹt màu xanh, rất nóng, dễ làm cháy các vật dụng bằng nhựa, gỗ…” - ông Châu nói rõ.

Theo ông Châu, gia đình cháu T. khẳng định vật dụng bị cháy là “do cháu có khả năng gây cháy” nhưng ông không tin vì không tận mắt chứng kiến. “Gia đình cần mời các chuyên gia đầu ngành về y học, vật lý, điện, hóa học… nghiên cứu một cách khoa học, nghiêm túc thì mới có thể tìm được nguyên nhân gây cháy chính xác. Nếu kết quả chỉ dựa vào suy đoán, cảm nhận thì vụ việc trở thành… dở hơi, hoang tưởng!” - ông Châu nhìn nhận.

Nên đưa cháu T. đến chuyên gia tâm lý

Trên góc độ tâm lý trẻ em, ThS tâm lý học Nguyễn Thị Mỹ Linh, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng tâm lý và Truyền thông cộng đồng, nhận xét: “Trẻ ở độ tuổi trên 10 luôn muốn tự khẳng định chính mình, muốn thu hút sự quan tâm của người khác. Có em tự khẳng định bằng cách học giỏi hoặc biểu hiện những tài năng bẩm sinh. Nhưng cũng có em muốn thu hút sự chú ý của người khác, muốn bộc lộ cái tôi của bản thân bằng cách tinh nghịch, quậy phá, đánh nhau hoặc tạo ra những sự việc quá mức…

Cũng có trường hợp trẻ thiếu sự quan tâm, yêu thương của gia đình nên tạo ra những vụ việc khác lạ để lôi kéo sự chú ý của cha mẹ, người thân. Nguyên nhân khiến trẻ rơi vào trường hợp nghịch phá, gây ra sự việc khó ngờ là do trẻ bị rối loạn hành vi, rối nhiễu tâm lý. Nếu không ngăn ngừa kịp thời sẽ gây hậu quả xấu. Trong những trường hợp nêu trên, cha mẹ cần đưa trẻ đến chuyên gia tâm lý để được tư vấn và trị liệu”.

Hộp quẹt “khò” Trung Quốc có khả năng đốt cháy vật dụng bằng nhựa, gỗ. Ảnh: PLTP


Hộp quẹt “khò” do Trung Quốc sản xuất, to hơn hộp quẹt gas bình thường một tí, hình bầu, có năm chấu nằm trên vị trí ngọn lửa, có bán rộng rãi ở các tủ thuốc lá và những người bán dạo, giá 7.000-10.000 đồng. Trong khi lửa hộp quẹt gas màu đỏ thì lửa hộp quẹt “khò” màu xanh. Hộp quẹt này lửa mạnh nên vừa đi đường vừa quẹt hút thuốc lá vẫn được. Người bán cho biết nhiều người mua hộp quẹt này để “khò” sạch lông trâu, bò, heo nằm gần móng. Cũng có người dùng đốt mềm đầu nhựa để gắn chặt vào ống nước.

Sáng 20-5, đoàn công tác của quận Tân Bình (TP.HCM) đã đến gia đình cháu T. để trao đổi những vụ việc liên quan. Theo bà Lê Thị Kim Thúy, Trưởng ban Dân vận Quận ủy Tân Bình, gia đình cháu T. mong muốn các nhà khoa học nghiên cứu, sớm tìm nguyên nhân gây cháy và có hướng giúp đỡ để cháu trở về cuộc sống bình thường.

(theo Vietnamnet)

Ý kiến bạn đọc