Vinasat-2: Nối dài giấc mơ làm chủ không gian của Việt Nam

16:53, 18/05/2012
|

(VnMedia) - Không chỉ “cắm mốc chủ quyền” ở vị trí 132 độ Đông, với việc phóng thành công vệ tinh Vinasat-2, Việt Nam thêm một lần nữa giành quyền kiểm soát vị trí 131,8 độ Đông trên quỹ đạo không gian.

 

Vinasat-1 - “Viên gạch” xây nền móng hệ thống vệ tinh Việt

 

Ngày 19/4/2008, tên lửa Ariane 5 của Arianespace đã đưa vệ tinh Vinasat-1 - vệ tinh đầu tiên của Việt Nam vào quỹ đạo. Sự kiện này đánh dấu "chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên không gian" bước đầu thực hiện giấc mơ “không gian” phát triển mở rộng, hình thành mạng lưới viễn thông đồng bộ từ hệ thống cáp quang, hệ thống vô tuyến đến hệ thống thông tin vệ tinh đảm bảo thông tin liên lạc luôn được thông suốt trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết.

 

Vệ tinh Vinasat-1 thực sự đã là cầu nối truyền thông quan trọng với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Vệ tinh Vinasat-1 giúp ngành Viễn thông công nghệ thông tin Việt Nam cất cánh, đưa hệ thống thông tin truyền thông Internet, phát thanh, truyền hình tới các vùng sâu, vùng xa, miền núi hải đảo.

 

Bằng việc có vệ tinh Vinasat-1 trên quỹ đạo, Việt Nam có khả năng cung cấp đa dạng các dịch vụ viễn thông không chỉ trong nước mà còn cả ở nước ngoài không còn phải phụ thuộc vào việc thuê kênh vệ tinh của nước ngoài.

 

Quá trình cho thuê dung lượng bộ phát đáp của vệ tinh Vinasat-1 rất khả quan, hiện tại đã khai thác hết dung lượng băng tần Ku và trên 80% dung lượng băng tần C. Thường khi sử dụng khoảng 70% dung lượng vệ tinh hiện tại là phải nghĩ đến việc xây dựng vệ tinh tiếp theo. Điều này cho thấy nhu cầu cần thiết phóng vệ tinh Vinasat-2 nối dài giấc mơ không gian, mở rộng cho vệ tinh Vinasat-1, vệ tinh thế hệ đầu tiên của Việt Nam .

 

Không chỉ “cắm mốc chủ quyền” với vị trí 132 độ Đông, ngay từ khi còn là Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin Truyền thông) - Cục Tần số vô tuyến điện là đơn vị chủ trì đã đăng ký thành công vị trí quỹ đạo khác sẵn sàng cho việc phóng vệ tinh Vinasat-2.

 

Phải khẳng định rằng, việc dành được vị trí quỹ đạo sẵn sàng cho việc phóng vệ tinh thứ 2 của Việt Nam cho thấy một tầm nhìn chiến lược, một quyết sách đúng đắn. Vinasat-1 chính là “viên gạch” đầu tiên đặt nền móng cho một hệ thống vệ tinh đầy đủ, tin cậy (có dự phòng) để cung cấp chocho nhu cầu sử dụng thông tin vệ tinh trong nước và quốc tế.

 

Việc lựa chọn vị trí quĩ đạo 131,8 độ Đông cho Vinasat-2 mang tính chiến lược cao vừa để đảm bảo dung lượng vệ tinh cho Việt Nam và dự phòng dung lượng cho vệ tinh cho quốc gia và làm thuận lợi hơn cho người sử dụng có thể sử dụng anten thu đồng thời hai vệ tinh.

 

Vinasat-2: Thêm nhiều kỳ vọng

 

Ảnh minh họa

Không chỉ “cắm mốc chủ quyền” ở vị trí 132 độ Đông, với việc phóng thành công vệ tinh Vinasat-2, VN thêm một lần nữa giành quyền kiểm soát vị trí 131,8 độ Đông trên quỹ đạo.


5 giờ 13 phút ngày 16/5 vừa qua, Việt Nam đã phóng thành công vệ tinh viễn thông thứ hai của mình, Vinasat-2. Đến thời điểm này, chúng ta có thể tự hào rằng, Việt Nam là một trong những nước đi đầu và thành công trong việc dành vị trí quỹ đạo trong băng tần qui hoạch vị trí 131.8 độ Đông.

 

Vị trí này hết sức quý giá trong bối cảnh vị trí quỹ đạo là một nguồn tài nguyên ngày càng khan hiếm. Điều này đã khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế trong vấn đề đăng ký, phối hợp tần số quỹ đạo vệ tinh.

 

Với thời gian sống 15 năm, vệ tinh Vinasat-2 có công suất, trọng lượng lớn hơn, số bộ phát đáp nhiều hơn. Vinasat-2 có 24 bộ phát đáp trong khi Vinasat-1 chỉ có 20 bộ phát đáp. Vinasat-2cũng đã được thiết kế với nhiều giải pháp kỹ thuật kết hợp với kết quả phối hợp tần số quỹ đạo vệ tinh sẽ có các vùng phủ linh hoạt mở rộng khả năng phục vụ nhu cầu khách hàng các nước trong khu vực.

 

Cùng với Vinasat-1, vệ tinh Vinasat-2 sẽ tạo thành một hệ thống vệ tinh có khả năng dự phòng về dung lượng và giảm thiểu rủi ro giữa các vệ tinh, củng cố an ninh, an toàn cho mạng viễn thông quốc gia. Đồng thời, Vinasat-2 cũng sẽ đem lại lợi ích chung cho cộng đồng, góp phần tăng cường khả năng khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên tần số quỹ đạo vệ tinh.

 

Chất lượng và các chỉ tiêu kỹ thuật của vệ tinh Vinasat-1 và Vinasat-2 được các chuyên gia đánh giá tốt hơn so với các vệ tinh khác trong khu vực.

 

Sẽ hồi vốn đầu tư Vinasat-2 trong 10 năm

 

Để thực hiện thành công dự án phóng vệ tinh Vinasat-2, VNPT đã đầu tư tới 280 triệu USD. Điều đáng nói là trong tổng số vốn lần này, khoảng 20% trong đó là nguồn vốn của VNPT. Còn lại 80% là vốn vay.

 

Theo Phó Tổng giám đốc VNPT Phan Hoàng Đức, điều này cho thấy trách nhiệm và cố gắng của VNPT. Tới 80% vốn đầu tư Vinasat-2 phải vay từ nguồn vốn của ngân hàng phát triển (40%) và 60% là vay thương mại, thời gian tới, VNPT sẽ phải tổ chức khai thác, kinh doanh có hiệu quả, đảm bảo trả được các nguồn vốn vay vốn vay thương mại.

 

Sau khi vệ tinh được phóng thành công, tiến hành đo kiểm trên quỹ đạo, dự kiến Vinasat-2 sẽ được đưa vào khai thác chính thức là đầu quý 3/2012, khoảng nửa đầu tháng 7 tới. Hiện giờ phía công ty Viễn thông quốc tế VTI, đơn vị được VNPT giao vận hành, khai thác, Vinasat-2 đã hoàn tất phương án kinh doanh cho vệ tinh. Với phương án kinh doanh đã được xây dựng, xúc tiến triển khai, Phó Tổng giám đốc VNPT Phan Hoàng Đức tin tưởng, trong 10 năm khai thác, vệ tinh sẽ giúp VNPT thu hồi số vốn đầu tư.

 

Về cơ bản, việc kinh doanh Vinasat-2 sẽ là sự nối tiếp của vệ tinh Vinasat-1. Theo ông Hồ Công Lâm - Phó Giám đốc VTI, doanh nghiệp đã có chương trình, kế hoạch làm việc, tiếp xúc, giới thiệu với các khách hàng tiềm năng, bao gồm cả những khách hàng đang sử dụng dịch vụ trên vệ tinh Vinasat-1 như VTV, VTC… VTI hy vọng ngay trong năm 2012 này sẽ có nhiều thay đổi lớn trong việc khai thác vệ tinh Vinasat-2, nhất là trong lĩnh vực truyền hình.

 

VTI cũng sẽ xúc tiến mở rộng khách hàng ở các lĩnh vực khác nhau như dầu khí, ngân hàng, tài chính… Các khách hàng có nhu cầu sử dụng thông tin liên lạc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, kể cả các khách hàng nước ngoài ở các thị trường Campuchia, Lào. Việc kinh doanh Vinasat-2 cũng sẽ được tính tới mở rộng thị trường sang Mianmar.

 

Đặc biệt, dịch vụ vệ tinh hỗ trợ phát triển kinh tế biển cũng sẽ là mục tiêu mà VNPT hướng tới trong việc kinh doanh Vinasat-2. Theo Phó Tổng giám đốc Phan Hoàng Đức, nếu chúng ta phát triển kinh tế biển, phương thức truyền dẫn bằng vệ tinh sẽ hoàn toàn đáp ứng trong thời gian tới…


Hiền Mai

Ý kiến bạn đọc