Tôn vinh 38 công trình Sáng tạo khoa học công nghệ

11:31, 16/05/2012
|

(VnMedia) - Tối qua (15/5), Lễ trao giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2011 đã diễn ra trọng thể tại nhà hát lớn Hà Nội.

Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam được phát động hàng năm nhằm khuyến khích các nhà khoa học công nghệ đi sâu nghiên cứu, áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại và công nghệ thích hợp với hoàn cảnh Việt Nam vào sản xuất, phục vụ đời sống.

Giải thưởng nhằm tôn vinh các nhà khoa học, các nhà công nghệ đã có những công trình có giá trị khoa học, kinh tế xã hội lớn đã và đang được áp dụng có hiệu quả tại Việt Nam. Đây cũng là những công trình góp phần thúc đẩy sản xuất của các doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, thay thế nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước.

Năm 2011, Ban tổ chức giải thưởng đã nhận được 109 công trình tham gia ở 6 lĩnh vực: cơ khí tự động hóa; công nghệ thông tin, điện tử viễn thông; công nghệ sinh học; công nghệ môi trường... Hội đồng giám khảo đã chọn ra 38 công trình để trao giải, gồm 4 giải nhất, 9 giải nhì, 13 giải ba và 12 giải khuyến khích.

Giải Nhất thuộc lĩnh vực cơ khí tự động hóa được trao cho công trình: “Lập quy trình công nghệ, bảo dưỡng sửa chữa máy biến áp 500KV tại hiện trường” của tác giả Nguyễn Tiến Dũng và các cộng sự, Công ty Truyền tải điện 2, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia. Các tác giả đã tìm ra giải pháp công nghệ bảo dưỡng tại hiện trường đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, thời gian thực hiện bảo dưỡng ngắn, kéo dài tuổi thọ của máy biến áp.

Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng KH-CN Nguyễn Quân trao giải thưởng cho các tác giả. (Ảnh Ngọc Lân).


Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, sáng tạo khoa học công nghệ là động lực của sự phát triển. Chính những sáng tạo của các nhà khoa học đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển của đất nước, đưa Việt Nam thoát nghèo với mức tăng trưởng ổn định trong hơn 20 năm qua.

Nhìn chung, các công trình đoạt giải đều xuất phát từ sản xuất và đời sống, giải quyết những vấn đề bức xúc nhằm nâng cao năng suất, tăng khả năng cạnh tranh và giá trị sản phẩm, giảm sức lao động cho con người.

Tại lễ trao giải, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cũng đã trao bằng chứng nhận và biểu trưng cho 5 công trình, tác giả xuất sắc và 1 doanh nghiệp. Giải thưởng Cúp vàng Sở hữu trí tuệ Việt Nam 2011 được trao cho 11 doanh nghiệp xuất sắc trong việc áp dụng hệ thống sở hữu trí tuệ vào sản xuất kinh doanh.

Giải Nhà sáng tạo nữ xuất sắc nhất được trao cho TS Nguyễn Thị Lộc, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long với công trình SH30 "Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất hai chế phẩm trừ sâu sinh học ometar và biovip". Công trình này cũng đoạt giải Nhì sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam.

Ngoài ra, Ban tổ chức giải thưởng đã quyết định khen thưởng 10 đơn vị và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tuyên truyền phổ biến giải thưởng, trong đó nổi bật là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), đơn vị luôn sát cánh cùng với giải thưởng này trong nhiều năm qua.

VNPT là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông, CNTT tại Việt Nam, luôn tâm niệm sáng tạo khoa học là “vũ khí” để gặt hái thành công trong việc sản xuất kinh doanh. Trong nhiều năm qua, VNPT thường hỗ trợ lớn cho các cuộc thi, giải thưởng lớn, uy tín trong lĩnh vực khoa học, CNTT như Giải thưởng Nhân Tài Đất Việt, Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam,…

Ngay chính trong VNPT, đơn vị đã phát động cuộc thi Sáng tạo VNPT thường xuyên hàng năm. Cuộc thi đã thu hút được khá đông đảo cán bộ, công nhân viên thuộc VNPT tham gia với nhiều đề xuất, giải pháp giải quyết những nhiệm vụ cấp bách trong SXKD của VNPT. Phong trào đã mang lại nhiều lợi ích cho người lao động, khách hàng và chính VNPT.

Trong cuộc thi Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam 2011, VNPT cũng đóng góp một công trình “Cung cấp dịch vụ IPTV trên hệ thống ATM DSLAM MA5100”. Công trình đến từ VNPT Hải Dương đã nhận giải khuyến khích.

Xuất phát từ những trăn trở thực tế trong công tác triển khai dịch vụ truyền hình mới - IPTV trên nền băng rộng, công trình đã giúp VNPT Hải Dương tận dụng hạ tầng sẵn có, "đưa" dịch vụ IPTV tới người dân nông thôn. Nhờ công trình này, hạ tầng cũ có thể triển khai dịch vụ truyền hình hoàn toàn mới với chất lượng khá tốt. Người dân nông thôn Hải Dương có thể tận hưởng truyền hình độ nét cao giá thành rẻ, đồng thời tiết kiệm cho chính doanh nghiệp hàng nghìn tỷ đồng.


Tuệ Minh

Ý kiến bạn đọc