(VnMedia) - Khi Facebook chính thức lên sàn, doanh nghiệp này sẽ bước vào một thế giới mới với các cuộc họp cổ đông, báo cáo doanh thu, và áp lực liên tục để đẩy lợi nhuận ngày càng lớn hơn. Nhưng việc Facebook phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) không chỉ là việc kiếm tiền, đó còn là mở rộng mạng lưới trong việc theo đuổi tầm nhìn của Mark Zuckerberg trong một thế giới kết nối liên tục.
Với ý nghĩ đó, dưới đây sẽ là 4 thách thức mà Facebook sẽ phải đối mặt sau khi lên sàn:
Giành được sự tin cậy của người dùng
Mặc dù nhiều vụ vi phạm riêng tư trên Facebook không ngăn nổi sự phát triển mạnh mẽ của nó, thì thái độ người dùng vẫn sẽ là yếu tố vô cùng quan trọng. Một cuộc khảo sát gần đây đối với người dùng Facebook của AP-CNBC cho thấy, 59% không tin tưởng vào mạng xã hội trong việc giữ kín thông tin của họ, và 54% không cảm thấy an toàn khi mua hàng hóa và dịch vụ qua Facebook. Đó sẽ là một vấn đề khi Facebook đang cố gắng đẩy mạng xã hội này vào mọi ngóc ngách của cuộc sống. Để lấy lại lòng tin người dùng, Facebook cần phải minh bạch hơn về những gì xảy ra với dữ liệu người dùng, đặc biệt là với các ứng dụng của bên thứ ba và các trang web.
“Di động” hơn nữa
Theo Comscore, Facebook đã trở thành là một trong các ứng dụng phổ biến nhất trên smartphone, với khoảng 80% thuê bao smartphone tại Mỹ sử dụng. Nhưng mạng xã hội này vẫn có thể phình to hơn nhiều so với hiện nay nếu nó mang lại hệ sinh thái ứng dụng riêng cho điện thoại và máy tính bảng. Cho đến nay, tin đồn về một chiếc điện thoại Facebook vẫn chưa thành hiện thực, và cũng chưa có một nền tảng di động dựa trên nền web nào dành cho các ứng dụng Facebook. Điều đó không có nghĩa là Facebook cứ đứng ngoài cuộc mãi. Công ty này có thể trở thành một tên tuổi lớn về di động, có khả năng kiểm soát trực tiếp các ứng dụng và dịch vụ kết nối với Facebook.
Tinh chỉnh cơ chế chia sẻ “vô tội vạ”
Bằng cách cho phép người dùng chia sẻ các liên kết và thông tin về cuộc sống của họ, Facebook cũng tạo nên sự hỗn loạn. Cái gọi là "chia sẻ không ma sát" của Facebook cho phép các ứng dụng tự động đưa lên thông tin chi tiết về những gì mà người dùng đang làm, và phần lớn trong đó là vô giá trị. Điều đó vô hình chung chôn lấp đi những thông tin thực sự hữu ích.
Đừng phát triển tự mãn
Khi Facebook phình to hơn, nó sẽ phải đối mặt với những thách thức tương tự như tất cả các công ty công nghệ lớn hay gặp phải. Đó là phải nhanh tay chộp lấy những đối thủ nhỏ hơn, vốn có thể trở thành đối thủ tiềm tàng sau này. Vụ mua bán Instagram là một ví dụ. Facebook đã chi ra khoảng 1 tỉ USD để thâu tóm công ty này. Tuy nhiên, trong tương lai sẽ có rất nhiều công ty như Instagram và rõ ràng là Facebook không thể mua được tất cả họ.
Ý kiến bạn đọc