Facebook đã đảo lộn toàn bộ thị trường tài chính Mỹ trong vòng 1 tuần sau khi IPO.
IPO lớn nhất lịch sử giới công nghệ
Ngày 17/5, trong không khí sục sôi chờ đợi của giới đầu tư, mạng xã hội lớn nhất thế giới đã phát hành thành công 421,2 triệu cổ phiếu, với mức giá 38 USD và thu về 16 tỷ USD trong lần đầu phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO).
IPO thành công giúp giá trị Facebook cán mốc 100 tỷ USD và “vượt mặt” hầu hết các tên tuổi công nghệ khác trên thế giới, ngoại trừ Google (196 tỷ USD), Microsoft (246 tỷ USD) và Apple (496 tỷ USD).
Thành công này cũng giúp hàng loạt cổ đông và người có liên quan đến Facebook trở thành tỷ phú chỉ sau 1 đêm.
IPO giúp tài sản của người sáng lập, kiêm giám đốc điều hành Mark Zuckerberg tăng lên mức 19,5 tỷ USD và trở thành người giàu có thứ 29 trên thế giới.
Dustin Moskovitz, 27 tuổi, người bạn cùng phòng với Zuckerberg tại đại học Harvard, giờ đây có tài sản trị giá 5,1 tỷ USD nhờ sở hữu 133,7 triệu cổ phiếu FB.
Eduardo Saverin, người đồng sáng lập Facebook hiện có tài sản ước tính 2,7 tỷ USD ở tuổi 30. Saverin đã tuyên bố từ bỏ quốc tịch Mỹ trước khi vụ IPO được tiến hành để trở thành công dân Singapore nhằm “né” khoản thuế 67 triệu USD phải nộp cho chính phủ Mỹ.
IPO giúp tài sản của người sáng lập, kiêm giám đốc điều hành Mark Zuckerberg tăng lên mức 19,5 tỷ USD và trở thành người giàu có thứ 29 trên thế giới.
Danh sách những người sở hữu lượng cổ phiếu FB có giá trị hàng tỷ USD còn bao gồm Peter Thiel, người đầu tiên cung cấp cho Facebook khoản đầu tư bên ngoài trị giá 500.000 USD vào năm 2004; Sean Parker, người đã thuyết phục Zuckerberg chuyển trụ sở về California; Sheryl Sandberg, Giám đốc hoạt động hiện tại; Mark Pincus, người sáng lập công ty trò chơi xã hội lớn nhất thế giới Zynga Inc.
Nếu cổ phiếu FB tăng 7,9% so với giá phát hành, lên 41 USD thì người đồng sáng lập Christopher Hughes cũng sẽ gia nhập danh sách trên.
Không chỉ những cổ đông lớn của Facebook tỏ ra hồ hởi và tin tưởng vào viễn cảnh sáng sủa của cổ phiếu này mà giới đầu tư, phân tích, các chuyên gia kinh tế cũng kì vọng lớn vào cổ phiếu FB.
Chuyên gia phân tích Arvind Bhatia của Sterne, Agee & Leach tại Dallas nhận định: “Giá cổ phiếu FB đáng lẽ còn cao hơn nữa, tuy nhiên, giá chào bán đã được định giá thấp để hơn để đề phòng nguy cơ đảo giá”.
Đáng tiếc là nhận định của Arvind Bhatia chỉ đúng một nửa. Tệ hơn nữa là lại chỉ đúng vế sau: “nguy cơ đảo giá”.
Gây thất vọng từ phiên giao dịch đầu tiên
Trong phiên giao dịch đầu tiên trên sàn Nasdaq, giá cổ phiếu FB đã có lúc lên đến 45 USD, tăng 18% so với mức giá phát hành 38 USD. Tuy nhiên, cổ phiếu FB, đã đóng cửa ngày giao dịch đầu tiên chỉ trên mức giá phát hành không đáng kể: 38,23 USD.
Đáng lưu ý, việc giá cổ phiếu FB trụ lại trên mức giá phát hành trong ngày đầu tiên được cho là nhờ có sự can thiệp của ngân hàng Morgan Stanley. Theo cáo buộc, Morgan Stanley đã phải bỏ ra 6,16 tỉ USD để mua 162 triệu cổ phiếu nhằm tránh cho giá không rơi xuống dưới 38 USD.
Nếu không có sự can thiệp này, nhiều khả năng giá cổ phiếu FB sẽ còn sụt giảm mạnh, thậm chí là xuống dưới 30 USD.
Morgan Stanley lựa chọn phương án im lặng trước cáo buộc trên.
Sau 2 ngày nghỉ cuối tuần, trong phiên giao dịch đầu tuần, giá cổ phiếu này tiếp tục mất tới 11%, xuống còn 34,03 USD/cổ phiếu và liên tục rớt giá trong những phiên sau đó, có lúc xuống tới 31 USD.
Chốt phiên hôm qua (ngày 24/5), giá cổ phiếu FB chỉ còn 33,03 USD nhờ tăng trở lại hơn 3%.
Sau 5 phiên giao dịch ngắn ngủi, giới đầu tư, từ tâm lý kì vọng đã chuyển sang nghi ngờ về giá trị thực của công ty sở hữu mạng xã hội lớn nhất thế giới này. Điều này không chỉ khiến chính Facebook lao đao mà còn khiến nhiều tổ chức khác “gặp họa”.
Kiện tụng và bồi thường
Màn “biểu diễn” tồi tệ của Facebook được coi là đòn giáng cực mạnh lên ngân hàng Morgan Stanley, nhà bảo lãnh IPO của công ty công nghệ này cũng như giới đầu tư cổ phiếu công nghệ Mỹ.
Các cơ quan hàng đầu phụ trách quản lý thị trường tài chính tại Mỹ là Cơ quan Giám sát Ngành tài chính (FINRA), Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) và Ủy ban dịch vụ tài chính thuộc Hạ viện Mỹ đồng loạt tuyên bố sẽ xem xét lại các vấn đề quanh đợt IPO đình đám này.
Các cơ quan hàng đầu phụ trách quản lý thị trường tài chính tại Mỹ đồng loạt tuyên bố sẽ xem xét lại các vấn đề quanh đợt IPO đình đám này.
Việc Morgan Stanley thay đổi dự báo về Facebook chính là nguyên nhân khiến các vấn đề trong đợt IPO bị coi là có nhiều bất ổn.
Cụ thể, Morgan Stanley đã cắt giảm dự báo doanh thu của Facebook chỉ một vài ngày trước IPO khiến nhiều nhà đầu tư có thể đã không được thông báo thông tin này khi cổ phiếu được niêm yết nên đã tiếp tục đặt mua với giá cao.
Sau những cáo buộc trên, Morgan Stanley cho biết sẽ bồi thường nhà đầu tư nhỏ lẻ bằng cách hoàn tiền cho một số nhà đầu tư nhỏ lẻ đã trả giá cao hơn cho cổ phiếu Facebook phiên giao dịch đầu tiên.
Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh là mức giá bao nhiêu được coi là cao quá giá trị thực của cổ phiếu Facebook lại chưa được công bố.
Không chỉ rắc rối với vụ IPO, Facebook còn phải đối mặt với 20 vụ kiện khác nhau liên quan tới việc công ty theo dõi hoạt động và bảo mật thông tin của người dùng trực tuyến.
Nếu bị kết án, Facebook sẽ phải nộp phạt khoảng 15 tỷ USD.
Trước những vấn đề của Facebook, nhà nghiên cứu Jed Williams của BIA/Kelsey cho biết: “Đây cũng là lý do vì sao rất nhiều lãnh đạo công ty tại Thung lũng Silicon muốn duy trì hình thức công ty tư nhân càng lâu càng tốt vì họ muốn tránh những rối loạn mà Facebook phải đối mặt trong những ngày này”.
Ý kiến bạn đọc