(VnMedia) - Những tiết lộ mập mờ và vẻ kỳ bí của Tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê khi trình diễn phát minh biến nước thành điện bằng phương pháp đơn giản và giá rẻ đã bị nhiều nhà khoa học chỉ trích.
>> Thực hư phát minh mới khiến EVN hết "chảnh"
>> Biến nước thành điện: Chuyện nhỏ!
>> Ôtô đi Hà Nội - Hải Phòng bằng 1 lít nước
Ý tưởng tạo ra hydro từ nước đã có từ nhiều thế kỷ qua tuy nhiên, với nguồn tài nguyên dồi dào - nước chiếm 3/4 bề mặt trái đất nhưng các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được liệu pháp biến nguồn hydro từ nước thành điện với giá rẻ và không gây ô nhiễm môi trường.
Nhiều nhà khoa học đã thành công với các nghiên cứu này nhưng cũng mới chỉ dừng lại trong phòng thí nghiệm và vẫn còn xa vời thực tế hoặc chỉ để biểu diễn cho người khác xem mà không thể ứng dụng rộng rãi. Vì hiệu suất của phản ứng phân hủy nước quá nhỏ và giá thành cao, không kinh tế.
Tương lai biến nước thành điện như một khao khát cháy bỏng của các nhà khoa học để tạo ra một nguồn năng lượng sạch từ nguồn nước dồi dào. Điều này sẽ mở ra sự thay đổi lớn trong mọi lĩnh vực đời sống, giống như một viễn cảnh mà bất cứ nhà khoa học nào cũng nhìn thấy.
Mới đây Tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê, Phó Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và triển khai, khu công nghệ cao TPHCM đã trình diễn trước hội đồng các nhà khoa học phương pháp biến nước thành điện, mà nếu được áp dụng vào thực tế như tiến sĩ Khê nói thì đây quả là một sự đột phá lớn mà thế giới cũng chưa làm được. Theo đó, dưới tác dụng của chất “xúc tác” bí mật, nước sẽ thực hiện “phản ứng nội sinh” để tạo hydro. Khí hydro này sẽ được cho chạy qua pin nhiên liệu để tạo điện.
Tiến sĩ Khê khẳng định: “Quá trình này không cần dùng bất cứ năng lượng nào từ ngoài bởi công nghệ nano chứa năng lượng nội sinh rất dồi dào và nước được sử dụng làm chất phản ứng”.
Bí ẩn, lập lờ
Sự lập lờ của tiến sĩ Khê về chất “xúc tác” bí mật, lúc gọi chất khử, lúc gọi chất xúc tác và không tiết lộ chất “xúc tác” bí mật đó là gì đã khiến nhiều nhà khoa học thất vọng. Vì đây không còn là chuyện thích “nổ” của những kẻ thiếu am hiểu khoa học mà là một báo cáo phát minh của một tiến sĩ khoa học trước cả một hội đồng các khoa học quốc gia.
Theo đánh giá của Tiến sĩ Giám Văn Dương, công tác tại Đại học quốc gia Singapore, “điểm mấu chốt ở đây là sử dụng một chất khử để tạo hydro chứ không phải dùng một xúc tác mới để phân hủy nước, như thừa nhận của chính tác giả trong buổi hội thảo.
Phát minh này, nếu hiểu theo tên gọi của nó và lời giới thiệu của tác giả, tức là "máy phát điện chạy bằng nước", thì vi phạm Định luật Bảo toàn Năng lượng và Nguyên lý 2 của Nhiệt động học; còn nếu hiểu đúng theo bản chất như sự chỉ ra của các nhà chuyên môn và được sự thừa nhận sau đó của chính tác giả, tức là sử dụng một chất khử để phản ứng với nước tạo hydro, thì là một sự thiếu trung thực”.
Đúng là chưa có bất kỳ một phát minh nào về năng lượng, máy móc lại vi phạm định luật bảo toàn năng lượng và nguyên lý động nhiệt học. Đây là hai nguyên lý cơ bản của lĩnh vực máy móc từ xưa đến nay. Nếu phát minh này có cải tiến hai nguyên lý trên thì đây là phát minh khoa học và công nghệ đảo lộn khoa học công nghệ thế giới, cần nghiêm túc và cẩn trọng khi nghiên cứu và công bố, Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đăng Hưng khẳng định.
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Thị Phương Thoa, Trưởng bộ môn Hóa lý, Trường ĐH KHTN TPHCM, phản bác, nếu đó là chất xúc tác thì nó có tác dụng tăng tốc độ phản ứng lên, chứ không thể biến một phản ứng không xảy ra thành xảy ra được.
Nhiều nhà khoa học còn tỏ ý hoài nghi về hóa chất có khả năng tách được Hydro ra khỏi nước (sau đó Hydro đi qua bình pin nhiên liệu để tạo ra dòng điện) được tiến sĩ Khê sử dụng. Liệu có phải là chất khử như các nhà khoa học trước đây vẫn dùng để thực hiện tách Hydro từ nước nhưng hiệu quả không lớn và tốn kém hay không. Điều đó chỉ có Tiến sĩ Khê mới biết được khi cho rằng, đó là bí mật công nghệ chưa thể tiết lộ. Đây chính là điểm mấu chốt vấn đề vì nhiều nhà nghiên cứu trước đó đã thất bại vì không có hóa chất an toàn và hiệu quả như mong đợi.
Tuy nhiên một điều nữa không kém phần quan trọng, đó chính là giá thành của phương pháp này. Tiến sĩ Khê khẳng định, một đèn compast 50W phát sáng trong 1 giờ chỉ tiêu tốn khoảng 1.000 đồng chi trả cho chất khử. Nếu theo tính toán đó, giá để tạo được 1KW điện sẽ phải mất 20.000 đồng, điều đó cũng gấp gần 10 lần giá điện hiện nay.
Trong khi đó, thành phần của chất khử bí mật này chưa được tiết lộ nên vẫn chưa thể tính toán cụ thể về tính kinh tế cũng như mức độ ô nhiễm môi trường của phương pháp này tạo ra trước khi có thể khẳng định là rẻ và sạch như Tiến sĩ Khê nói.
Tuệ Minh
Ý kiến bạn đọc