Công nghệ thông tin là hạ tầng của hạ tầng

18:03, 17/03/2012
|

(VnMedia) - Đây là nội dung chính được lãnh đạo các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, các Hội, Hiệp hội CNTT trong cả nước,…thảo luận tại “Hội thảo Triển khai nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ” diễn ra tại Hà Nội sáng nay (17/3).

Hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Viện Chiến lược phát triển – Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức.

Mục đích của Hội thảo lần này chính là để quán triệt quan điểm chỉ đạo và nhận thức mới của Đảng về vị trí vai trò của CNTT trong hệ thống kế cấu hạ tầng quốc gia, những cơ hội, thách thức cùng các định hướng, giải pháp và chương trình hành động để triển khai thành công Nghị quyết 13-NQ/TW.

Tại Hội thảo, một lần nữa Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son khẳng định: “CNTT - TT ngày càng chứng tỏ là một trong những giải pháp tốt nhất để thực hiện thành công 3 khâu đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 đến 2020 đã được Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra.

Do vậy, Nghị quyết TW số 13-NQ/TW đã khẳng định, hạ tầng thông tin là một trong những hạ tầng thiết yếu, cần ưu tiên đầu tư, để xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”. Nghị quyết đã nêu rõ quan điểm của Trung ương Đảng, coi việc thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lộ trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong từng ngành, từng lĩnh vực.

Vì vậy, để triển khai xây dựng hạ tầng thông tin theo tinh thần Nghị quyết 13-NQ/TW, Bộ trưởng đã chỉ ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính cần tập trung thực hiện:

Đó là nghiên cứu, xây dựng chương trình hành động về phát triển Hạ tầng thông tin để đưa vào Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 13.

Thứ hai, nghiên cứu, đề ra các giải pháp đặc thù, mang tính đột phá để đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển, khả năng làm chủ công nghệ nguồn, sản xuất được các sản phẩm lõi, sản phẩm trọng điểm về công nghệ thông tin; xây dựng các doanh nghiệp, tập đoàn CNTT mạnh. 

Thứ ba, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế mạnh về tài chính và đầu tư nhằm huy động tối đa, hiệu quả các nguồn lực.

Thứ tư, hoàn thiện thể chế, kiện toàn bộ máy chỉ đạo, tham mưu, tư vấn cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ về CNTT - TT; hoàn thiện môi trường pháp lý.

Tại Hội thảo, các đại biểu đều nhất trí và đánh giá đây là quan điểm đột phá mạnh mẽ, thể hiện tầm nhìn, sự sáng suốt của Đảng trong định hướng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia; phù hợp với xu thế mới trên thế giới - xu thế phát triển “hạ tầng thông minh” dựa trên nền tảng ứng dụng CNTT nhằm tối ưu hoá hiệu quả đầu tư, khai thác, vận hành hệ thống hạ tầng.

Tuy nhiên, đại diện Hội, Hiệp hội CNTT trong cả nước cũng kiến nghị cần phải đổi mới nhận thức ở mọi cấp, mọi ngành và trong toàn xã hội, đặc biệt là lãnh đạo từ Trung ương đến cơ sở về vị trí, vai trò đặc biệt của CNTT trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và hiện đại hóa đất nước; đổi mới về công tác tổ chức chỉ đạo, điều hành, sớm thành lập Ủy ban quốc gia về CNTT do Thủ tướng làm Chủ tịch, cần phải có qui định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các địa phương ở tất cả các cấp trực tiếp chỉ đạo và chịu trách thực hiện nhiệm vụ này; hoàn thiện môi trường cơ chế chính sách.

Đây được coi là những viên gạch đầu tiên cho việc tuyên truyền quảng bá, nâng cao nhận thức về thực hiện Nghị quyết TW số 13-NQ/TW, đồng thời thể hiện sự vào cuộc với quyết tâm và trách nhiệm rất cao các cơ quan ban ngành, từ Trung ương Đảng, Chính phủ đến các bộ, ngành, đặc biệt là sự đồng tâm hưởng ứng tích cực của các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp CNTT trong cả nước.


Tuệ Minh

Ý kiến bạn đọc