(VnMedia) - Có mặt từ cách đây 5 năm, có thể nói điện toán đám mây (ĐTĐM) đã trải qua một thời gian tương đối dài trong sự phát triển và thay đổi nhanh chóng của công nghệ. Tuy chưa đáp ứng được tất cả các kỳ vọng của giới công nghệ, nhưng ĐTĐM đã chứng tỏ ưu thế và đang trở thành một xu thế tất yếu.
“Đám mây” tại Việt Nam
Hãng nghiên cứu thị trường Gartner từng dự đoán sẽ có tới 80% doanh nghiệp trong danh sách 1.000 công ty hàng đầu theo đánh giá của tạp chí Fortune (Mỹ) sử dụng ít nhất một vài loại hình dịch vụ đám mây trong năm 2012. Trong khi đó tại Việt Nam, điện toán đám mây mới chỉ bắt đầu khởi động từ năm 2010 khi Microsoft ký thỏa thuận hợp tác triển khai điện toán đám mây với tập đoàn FPT. Ngoài Microsoft, còn nhiều hãng công nghệ lớn trên thế giới như Intel, Cisco, Google… cũng đã giới thiệu công nghệ điện toán đám mây tới Việt Nam.
Mặc dù khá phổ biến tại nhiều nước phát triển nhưng thời gian qua “đám mây” tại Việt Nam vẫn chưa được triển khai rộng rãi. Hiện cũng mới chỉ có một số ít doanh nghiệp lớn ứng dụng “đám mây” vào hoạt động sản xuất kinh doanh, và phần còn lại chủ yếu mới chỉ dừng ở mức “nghe ngóng” và tìm hiểu thông tin mặc dù trên thực tế công nghệ này có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và tăng tối đa hiệu suất làm việc. Đường truyền, hạ tầng mạng lưới, và bảo mật vẫn còn là những vấn đề mà các doanh nghiệp lo ngại, nhất là vấn đề an ninh cho dữ liệu, ứng dụng trên điện toán đám mây.
“Ánh sáng cuối đường hầm”
Một trong những lĩnh vực mà giới chuyên gia hy vọng công nghệ “đám mây” sẽ giữ vai trò chủ chốt đó chính là an ninh mạng, vốn đang đặt ra nhiều thách thức hiện nay. Mỗi năm Việt Nam thiệt hại tới hàng nghìn tỉ đồng do virus máy tính, đó là chưa kể tới các vụ tấn công mạng, đánh cắp dữ liệu, gây ảnh hưởng rất lớn tới các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. Theo Trung tâm an ninh mạng BKAV, trong năm qua đã có tới trên 64 triệu máy tính Việt Nam bị nhiễm virus, trên 2,2 nghìn website của cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công, và trung bình mỗi tháng có 187 website bị tấn công.
Đứng trước thực trạng đó, nhiều chuyên gia cho rằng điện toán đám mây có khả năng đáp ứng nhu cầu bảo mật và đảm bảo an ninh mạng, nhưng cần phải đảm bảo được 3 yếu tố then chốt: bảo mật, toàn vẹn và sẵn sàng.
Phát biểu tại Hội thảo & Triển lãm Quốc gia Điện toán đám mây và An ninh bảo mật 2012 (Security World 2012) ngày 21/3, ông Trần Nguyên Vũ, Phó Cục Trưởng Cục Tin học Thống kê Tài chính - Bộ Tài chính cho rằng điện toán đám mây không phải là trào lưu thời thượng mà là xu hướng tất yếu. Cũng theo ông Vũ, những tiền đề quan trọng để triển khai điện toán đám mây tại Việt Nam đang rất rõ ràng, đó là các công ty CNTT ngày càng mạnh hơn, mạng Internet, 3G, và thậm chí là 4G cũng đang rất tốt, các dịch vụ ảo hóa dần được ứng dụng rộng rãi…
Trong khi đó, Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), cho rằng ảo hóa chính là bước đầu tiên cần làm để tiến tới “đám mây”. Hiện có tới 90% máy chủ của ngân hàng này chạy trên nền tảng ảo hóa, đồng thời hệ thống lưu trữ cũng được phân bổ kết nối sử dụng hiệu quả hơn nhiều so với hình thức phân tán trước đây. Theo ông Tuấn, việc quan trọng không kém đó là cần có tư vấn quốc tế khi xây dựng “đám mây” để hệ thống đạt được chuẩn mực quốc tế.
Về phía doanh nghiệp, để có thể triển khai được “đám mây”, họ cần phải đảm bảo an toàn cho hệ thống và các ứng dụng liên quan. Theo ông Richard Achee, Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Bộ phận Google Doanh nghiệp, các doanh nghiệp, tổ chức cần phải đảm bảo an toàn cho dữ liệu, ứng dụng và hệ thống của mình để tránh gặp phải những rủi ro an ninh mà hạ tầng đám mây có thể mang lại. Có như thế, họ mới tận dụng được hết những lợi ích mà công nghệ “đám mây” mang lại.
Còn ông Freddy Tan, chuyên gia của Tập đoàn Microsoft, quả quyết rằng điện toán đám mây sẽ là giải pháp tối ưu đảm bảo an toàn bảo mật an ninh mạng trong tương lai. Ông cũng ví công nghệ “đám mây” như là hy vọng duy nhất, và là “ánh sáng cuối đường hầm” cho lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ và đang rất nan giải này.
Tuệ Minh
Ý kiến bạn đọc