Sắp hết thời dùng "chùa" nội dung số

19:08, 09/02/2012
|

Bạn sẽ phải mua những phần mềm cơ bản như Microsoft Office với hàng trăm USD, hết thời download nhạc, game "chùa" trên internet.

Có thể 10 năm, 20 năm nữa khi nhìn lại ngày hôm nay chúng ta sẽ chỉ còn biết chép miệng tiếc nuối khi nhớ về những ngày mà 1 bộ film "bom tấn" chỉ mất 1,2 tháng là có bản DVDRip rồi HD trên mạng, kho nhạc hàng trăm ngàn bài để chúng ta download thả phanh, phần mềm bẻ khóa được bày bán, chia sẻ tự do như mớ rau con cá.

Điểm lại những sự kiện trong thời gian gần đây đang diễn ra hàng ngày xung quanh chúng ta, dường như 'ngày tàn' của internet tự do không xa: SOPA, PIPA đề xuất cho chính phủ Mỹ quyền đóng cửa hoặc ngăn chặn những trang web vi phạm tác quyền, Mega Upload bị "sờ gáy" kéo theo hàng loạt dịch vụ chia sẻ o­nline khác lo sợ, co cụm vào hoạt động bí mật hoặc tự nguyện đóng cửa.

Tất nhiên đến thời điểm hiện tại SOPA, PIPA đã bị vô hiệu hóa, nhưng vẫn còn đó 1 ACTA thậm chí lại còn tệ hơn 2 dự luật kia và biết đâu đấy lại chẳng có SOPA, PIPA phiên bản 2,3... đang chờ được trình lên?

Vì sao có những người đang nỗ lực "đóng cửa" Internet dù rõ ràng là nếu thay đổi thế giới mạng theo hướng này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hàng tỉ người?

 
Trong suốt khoảng 2 thập niên hình thành và phát triển của Internet từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, chúng ta đã quen với mô hình hoạt động vô chính phủ, không biên giới của Internet. Mô hình này khiến cho hầu như tất cả các hoạt động của người sử dụng Internet không hoặc chịu rất ít sự ràng buộc của luật pháp. Tất cả các chính phủ trên thế giới đều muốn Internet được phổ cập nhanh, rộng khắp trên đất nước mình vì những lợi ích của nó như nâng cao dân trí, nâng cao chất lượng cuộc sống và cải thiện điều kiện làm việc mà Internet mang lại là không thể chối bỏ.

Và tất cả những lợi ích của Internet đều đến từ 1 điểm mấu chốt: Sự chia sẻ. Cách đây 10 năm nếu bạn cần nghe 1 bài hát, cần tìm 1 cuốn sách, cách duy nhất là ra hàng băng đĩa, tới cửa hàng bán sách và tìm thứ bạn cần. Nhưng hiện nay cần thứ gì việc đầu tiên bạn làm là bật máy tính lên và tìm kiếm trên Google. Có đến 99% trường hợp người dùng tìm được thứ mình cần trên Internet, dù đó là 1 cuốn sách chuyên ngành hay một bộ truyện tranh giải trí. Internet đã cung cấp cho chúng ta một công cụ tuyệt vời để tiếp cận với những nguồn tài nguyên mà một ai đó đã bỏ công scan, đánh máy rồi upload lên mạng để chia sẻ với tất cả mọi người mà không đòi hỏi 1 chi phí nào.

Sự chia sẻ này vô hình chung đã là 1 hành động không thể thiếu trên Internet và chúng ta đón nhận nó hàng ngày 1 cách rất tự nhiên. Có điều chính vì việc download 1 cuốn sách hay 1 bộ phim trên mạng đôi khi chỉ đơn giản là 1 cái click chuột, chúng ta hành động rất vô thức mà không nhận ra được rằng sự thật thì mình đang phạm luật. Những cuốn sách, bộ phim mà chúng ta download đều thuộc sở hữu của 1 công ty, tổ chức hoặc 1 cá nhân nào đó sản xuất ra với mục đích bán lấy tiền. Và khi chúng ta download nó miễn phí, chúng ta đã "bỏ qua" công đoạn quan trọng nhất: Trả tiền.

Nhớ cách đây mấy tháng trong vụ "sát thủ đầu mưng mủ", tác giả của bộ sách này đã phải vẽ hẳn 1 đoạn comic ngắn than vãn về việc Sát thủ đầu mưng mủ bị scan rồi phát tán 1 cách vô tội vạ. Nói đến đây để hiểu rằng các tác giả, công ty phát hành ra sản phẩm đều vì miếng cơm manh áo, và trong mắt họ, tất cả những ai download sản phẩm mà không trả tiền thì đều là hành động ăn cắp trắng trợn, 1 hành động đánh thẳng vào túi tiền của người tạo ra nội dung.
 
Nhưng nếu như Thành Phong (tác giả Sát thủ đầu mưng mủ) chỉ biết ngồi nghệt mặt ra tiếc nuối và than thở "Ai trả tiền cho tui" thì các hãng thu âm, điện ảnh quốc tế lại không "lành tính" như vậy, họ bơm hàng trăm triệu USD để thúc đẩy quá trình thông qua những dự luật như SOPA, PIPA, ACTA. Những dự luật này đều gửi 1 thông điệp chung, ngắn gọn nhưng quyết liệt đến cộng đồng Internet: "Nếu anh đăng tải nội dung của tôi trái phép, anh sẽ phải trả giá".

SOPA, PIPA hay ACTA chỉ đơn giản là những công cụ để bộ máy hành pháp của các quốc gia lớn có thêm quyền hạn để đối đầu lại với văn hóa chia sẻ vốn đã sâu rễ bền gốc bên trong lòng Internet từ hàng chục năm qua. Trong suốt 2 thập kỷ qua Internet luôn là 1 "miền Tây hoang dã" nơi mà chúng ta được tự do thỏa thích làm những gì mình muốn với rất ít luật lệ và ràng buộc, nhưng giờ đây chính phủ các nước muốn có được 1 sự kiểm soát chặt chẽ hơn với những nội dung được đăng tải trên Internet. Nhìn lại trong lịch sử nhân loại, thì hỗn loạn, miễn phí dần phải nhường chỗ cho trật tự và trả tiền là một xu hướng không hề mới. Cách đây mới chừng 70,80 năm bạn xây nhà ở đâu, đào hố ở đâu cũng chẳng ai quan tâm vì đất đai bạt ngàn và không nhà nước nào quản chuyện địa chính. Nhưng đến giờ thì nơi đâu không là tài sản quốc gia, bạn chỉ cần "nhảy dù" vài mét vuông là đã có thể bị truy tố hình sự.
 
Internet cũng giống như vậy, thời kỳ hỗn loạn, vô chính phủ của Internet có lẽ đã sắp tới lúc phải nhường chỗ cho 1 giai đoạn có kiểm soát hơn. Vụ ông trùm MegaUpload bị tóm cổ khi anh này là công dân Đức, đang sống ở New Zealand tài sản bị cảnh sát Hong Kong tịch biên sau đó sẽ bị dẫn độ về Mỹ không chứng minh quyền lực của Mỹ mà chỉ đơn giản là 1 thông điệp đến toàn thế giới rằng: chính phủ của tất cả các quốc gia đều đang đồng lòng đồng sức sát cánh với chính phủ Mỹ để tiến hành những cuộc thanh trừng trên Internet. Một thế giới Internet được kiểm soát chặt chẽ hơn sẽ giúp chính phủ thu thuế dễ dàng hơn, quản lý chặt chẽ hơn và đỡ đau đầu hơn vì vấn đề phát sinh. Vụ Mega Upload đã chứng tỏ rằng chính phủ các nước không hề thiếu cách để "bùa" chết những dịch vụ như MegaUpload, chỉ là họ có muốn làm hay không mà thôi. Và rõ ràng đến bây giờ, chính phủ Mỹ đã cảm thấy mình cần làm 1 cái gì đó để chấm dứt tình trạng loạn lạc của Internet. MegaUpload là con tốt thí đầu tiên, và chưa cần chính phủ Mỹ phải động thủ đến lần thứ 2, hàng loạt dịch vụ chia sẻ file đã bắt đầu rục rịch thu vén đường lui. Nếu cứ tiếp diễn đà này, tương lai của 1 Internet không còn chia sẻ miễn phí cũng chẳng còn quá xa.
Lợi ích của chúng ta là thiệt hại của tác giả

Có lẽ không cần nói bạn đọc cũng hiểu lợi ích của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng như thế nào nếu Internet không còn mở và không còn miễn phí nữa. Đối với những quốc gia nghèo như Việt Nam, nơi mà ngành công nghiệp CNTT hàng chục năm nay đều vận động và phát triển được dựa trên phần mềm bẻ khóa. Phải nói rằng nếu không có Windows "lậu", có lẽ 90% những người hiện giờ đang lướt web vẫn còn "mù tin học". 1 Internet "đóng" hơn đồng nghĩa với chức năng giải trí, học tập và nghiên cứu trên Internet sẽ "về mo" với người Việt Nam vì hầu hết những tài liệu mà chúng ta sử dụng o­nline đều là không tác quyền.

Kết


Nếu như người ta thành công trong việc bịt mồm các dịch vụ chia sẻ file trên Internet, rồi theo sau đó là sự chấm dứt của văn hóa chia sẻ "chùa" trên Internet thì đó sẽ là dấu chấm hết của "Internet 1.0". Xu hướng đi vào trật tự là một xu hướng rất khó trốn tránh, bằng cách này hay cách khác, rồi người ta sẽ tìm được ra cách quản lý Internet chặt chẽ hơn. Có thể điều này sẽ không diễn ra vào năm 2012 hay 2013 nhưng ý tưởng về 1 Internet-không-sao-chép vẫn sẽ tồn tại chừng nào việc sao chép còn làm ảnh hưởng tới lợi ích của 1 bộ phận trong xã hội (và đặc biệt bộ phận này lại là những người lắm tiền nhiều của).

Cuối cùng, câu hỏi đặt ra là, bạn đã sẵn sàng cho 1 Internet không có phần mềm bẻ khóa, phim và nhạc Mp3 tải "chùa" hay chưa?


Theo VTC

Ý kiến bạn đọc