(VnMedia) - Đã có thời điểm điện thoại cố định đóng vai trò là cầu nối thông tin liên lạc hữu hiệu nhất cho người dùng, giờ, loại hình liên lạc này đã không còn là lựa chọn được ưu tiên số một. Nhưng không phải là thất bại mà xu hướng tất yếu của sự phát triển. Và DN viễn thông Việt đang tìm hướng đi mới hiệu quả từ nền tảng dịch vụ truyền thống này…
Theo số liệu được công bố bởi Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 1/2012, toàn thị trường Viễn thông Việt ước đạt 134 triệu thuê bao điện thoại, tăng 3,9% so với cùng thời điểm năm trước, bao gồm: 15,5 triệu thuê bao cố định và 118,5 triệu thuê bao di động. Nếu như số lượng thuê bao di động tháng 1/2012 đã tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, thì thuê bao cố định lại chỉ "giậm chân tại chỗ", vẫn đang xấp xỉ cùng thời điểm năm 2011.
Cho tới thời điểm này, số thuê bao điện thoại di động đã vượt xa cố định theo cấp số nhân. Thế nhưng, đó không phải là một tín hiệu buồn mà ngược lại. Điện thoại cố định chậm phát triển là xu hướng tất yếu phải xảy ra.
Từng chia sẻ quan điểm về thực tế này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng phân tích, xu hướng giảm của điện thoại cố định không chỉ có ở Việt Nam mà nó là tình trạng chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Xu hướng tất yếu này diễn ra khi bị dịch vụ di động lấn át. Dịch vụ di động đã chứng minh được sự thuận tiện, người dân sẽ dùng gì thuận tiện là điều dễ hiểu.
Nhưng dịch vụ cố định không… chết. Cũng theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, nhiều người đang hiểu nhầm về khái niệm dịch vụ cố định. Phải hiểu là điện thoại cố định đang bị mất khách chứ không phải là dịch vụ cố định. Cho tới thời điểm này, trong hệ thống các dịch vụ cố định, chỉ có điện thoại cố định là đang dần mất ưu thế, còn trên nền cố định, có rất nhiều dịch vụ khác nhau, như dịch vụ truyền hình IPTV, các dịch vụ Internet… đã và đang phát triển nếu không nói là rất tốt.
Các doanh nghiệp có thể tổn hao nhiều chi phí cho điện thoại cố định, còn bản thân hạ tầng cố định lại không vậy. Các quốc gia trên thế giới, việc đầu tư cho phát triển hạ tầng cố định vẫn rất mạnh, kể cả khi lĩnh vực di động họ đã phát triển công nghệ 3G, 4G.
Tương lai của dịch vụ cố định vẫn rất sáng, bởi trong những năm tới, các nhu cầu giải trí như truyền hình độ phân giải cao, các dịch vụ giải trí như game… chắc chắn vẫn rất cần có sự tham gia của hạ tầng cố định. Nếu các doanh nghiệp biết kết hợp và xây dựng hạ tầng cố định trên cơ sở đa dịch vụ, kết hợp các dịch vụ cố định với các dịch vụ Internet, truyền hình, giá trị gia tăng khác, thì hạ tầng cố định vẫn phát triển đều.
Trên thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp viễn thông Việt chứng minh được điều này, điển hình là VNPT Hà Nội. Từ tháng 6/2011 vừa rồi, VNPT Hà Nội đã đưa ra một tiện ích được nhiều khách hàng đón nhận: chỉ cần dùng điện thoại cố định là lắp được MyTV. Với tiện ích này, không cần cả một đường ADSL, chỉ cần có điện thoại cố định là khách hàng viễn thông trên địa bàn Thủ đô có thể đăng ký và sử dụng dịch vụ MyTV của VNPT Hà Nội.
Tuy nhiên để đảm bảo chất lượng, VNPT Hà Nội chỉ nhận cung cấp dịch vụ MyTV cho khách hàng đang sử dụng điện thoại cố định có cự ly cáp đồng đến tổng đài <=2Km. VNPT Hà Nội sẽ ký hợp đồng chính thức sau khi MyTV hoạt động ổn định. Trong trường hợp sau khi cài đặt, nếu khách hàng không sử dụng được MyTV được hoàn trả tiền đóng ban đầu (phí hòa mạng, tiền mua STB …) thu hồi modem và thiết bị STB...
Có thể nói, với việc triển khai tiện ích mới này của VNPT Hà Nội đã góp phần tạo nên sự hấp dẫn cho dịch vụ MyTV. Trước đó, MyTV chỉ cung cấp cho khách hàng sử dụng dịch vụ Internet ADSL MegaVNN. Với mục tiêu mở rộng phạm vi phục vụ, VNPT Hà Nội đã đầu tư nâng cấp mạng cáp đồng, sẵn sàng cung cấp đồng thời cả điện thoại cố định và MyTV cho khách hàng.
Bởi thế mà, tại Hội nghị Tổng kết năm 2011 và triển khai kế hoạch năm 2012 của VNPT Hà Nội, Giám đốc VNPT Hà Nội Trần Mạnh Hùng cho biết, MyTV đã là một trong số ba dịch vụ dẫn đầu trong công tác phát triển thuê bao của doanh nghiệp trong năm qua cùng với dịch vụ băng rộng FiberNN và VinaPhone. Dịch vụ MyTV đạt 10.458 thuê bao, tăng 136% so với năm 2010.
Không chỉ có VNPT Hà Nội, tại TP.Hồ Chí Minh, người dùng viễn thông cũng đang được hưởng tiện ích mới từ điện thoại cố định. Để hòa mạng di động VinaPhone trả sau và mua thẻ cào VinaPhone tại TP.HCM, ngoài hình thức truyền thông đến tận các trung tâm giao dịch của nhà mạng, khách hàng còn một “kênh” khác đó là gọi đến số điện thoại cố định (08) 39.116.116 của VNPT TP.HCM để được phục vụ tận nơi.
Khi gọi 39.116.116 yêu cầu hòa mạng di động VinaPhone trả sau, khách hàng cần cung cấp: tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân người hòa mạng, số giấy phép kinh doanh (đối với pháp nhân); số lượng thuê bao hòa mạng, các giấy tờ khác (nếu cần). Điện thoại viên sẽ tư vấn cho khách hàng về: các tiện ích của thuê bao trả sau, chương trình khuyến mại hiện có. Nhân viên sẽ đến địa chỉ khách hàng để ký hợp đồng và giao sim VinaPhone.
Cần mua thẻ cào VinaPhone, khách hàng cũng chỉ cần gọi vào 39.116.116 và cung cấp thông tin: mệnh giá thẻ, địa chỉ giao, điện thoại liên lạc, số lượng thẻ và sẽ được giao tận nơi và thu tiền...
Những nỗ lực của doanh nghiệp trong việc tìm hướng đi cho dịch vụ cố định nói chung và điện thoại cố định nói riêng đã chứng minh một thực tế, lĩnh vực này vẫn còn nhiều cơ hội kinh doanh, phục vụ mới nếu biết nhanh nhạy nắm bắt.
Ý kiến bạn đọc