“Máy tính sinh học” đầu tiên trên thế giới

19:55, 09/02/2012
|

Các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Scripps ở California (Mỹ) và Viện Công nghệ Technion của Israel vừa chế tạo thành công một chiếc “máy tính sinh học” đầu tiên trên thế giới, làm từ các nguyên tử sinh học có khả năng giải mã các hình ảnh được lưu trên các con chip DNA.
 
Viện Nghiên cứu Scripps cho biết, một nhóm các nhà khoa học của viện này do GS Ehud Keinan phụ trách, đã chế tạo thành công một hệ thống máy tính sử dụng các nguyên tử sinh học và với một phần mềm thích hợp, chiếc máy tính này đã giải mã thành công các hình ảnh huỳnh quang các lô-gô của hai viện nghiên cứu, được mã hóa trên một con chip DNA.
 
GS Keinan cho biết, theo định nghĩa thông thường, mọt chiếc máy tính được hình thành từ bốn thành phần: phần cứng, phần mềm, dữ liệu nhập vào và dữ liệu xuất ra. Và khác với các loại máy tính điện tử truyền thống với các dữ liệu nhập vào xuất ra đều là các tín hiệu điện tử thì ngược lại, chiếc máy tính sinh học có cả bốn thành phần đều là các nguyên tử sinh học.
 
Ông nói: “Thí dụ, các cơ thể sống đều là các dạng máy tính sinh học. Mỗi người trong chúng ta đều là một chiếc máy tính sinh học, một chiếc máy tính trong đó toàn bộ bốn thành phần đều là các nguyên tử có thể “nói chuyện” được với nhau”.
 
Tuy nhiên, ông Keinan tuyên bố rằng những chiếc máy sinh học được tạo ra không phải với mục đích là để cạnh tranh với những chiếc máy tính điện tử, vốn có tốc độ nhanh hơn, chính xác hơn và mạnh mẽ hơn trong việc xử lý các tác vụ điện toán truyền thống.
 
Thay vì thế, lợi ích chính của những chiếc máy tính sinh học chính là khả năng có thể tương tác trực tiếp với các hệ thống sinh học và các cơ thể sống. GS Keinan nói: “Những chiếc máy tính sinh học này không cần tới bất kỳ một giao diện nào bởi toàn bộ các thành phần của nó như phần cứng, phần mềm, dữ liệu nhập và xuất đều là các nguyên tử có khả năng tương tác trong một dung dịch theo hàng loạt các phản ứng hóa học có thể lập trình được”.


(Theo NNĐT)

Ý kiến bạn đọc