(VnMedia) - Vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, nên dù Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT - TT đã triển khai được một năm, tiến độ thực hiện ở nhiều lĩnh vực còn chậm, cần tháo gỡ nhiều cái khó…
Trong bài tham luận tại Hội thảo Quốc gia về CNTT và truyền thông Việt Nam vừa khai mạc sáng nay, 7/1 tại Hà Nội, ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT kiêm Chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT đã cho hay như vậy.
Theo ông Đường, trong một năm vừa qua, đã có nhiều hoạt động, nỗ lực triển khai Đề án từ phía Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, nỗ lực triển khai của các địa phương; Hoạt động thông tin tuyên truyền về Đề án góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tai trò của CNTT-TT và ý nghĩa, tầm quan trọng của Đề án.
Trên thực tế, Đề án cũng đã đem lại nhiều tác động tích cực như định hướng chiến lược phát triển CNTT-TT Việt Nam trong giai đoạn tới; Tạo niềm tin, sự phấn khích, động lực mới cho cộng đồng CNTT; Quy tụ, thống nhất các chương trình, kế hoạch liên quan. Đề án cũng đã tạo tiếng vang lớn đối với cộng đồng CNTT thế giới, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài, cải thiện vị trí của Việt
Tuy nhiên, vì những lý do khách quan và chủ quan, theo ông Đường, việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án trong một năm qua cũng đã gặp khá nhiều khó khăn. Cho tới thời điểm này, vẫn chưa có Ban điều phối để triển khai đề án. Cùng với đó là thiếu cơ chế rõ ràng để điều phối, quản lý, thống nhất triển khai các nội dung của Đề án.
Chẳng hạn với nhiệm vụ ứng dụng CNTT, cho tới thời điểm này, bên cạnh những kết quả đạt được như đã hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT giai đoạn 2011-2015; đã thẩm định kế hoạch của 24 Bộ, ngành, 52 địa phương, 8 tổ chức; Đã có 16 Bộ, ngành, 44 địa phương, 8 cơ quan phê duyệt và triển khai kế hoạch… nhưng khó khăn vường mắc cũng còn không nhỏ.
Giờ, thông tư hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chương trình do các Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chậm được ban hành; thiếu chính sách, chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho cán bộ chuyên trách về CNTT; Kinh phí cho ứng dụng CNTT chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, tiến độ cấp phát chậm. Đặc biệt, sự phối hợp giữa các cơ quan trong triển khai các dự án quy mô quốc gia còn nhiều hạn chế…
Với nhiệm vụ tăng cường năng lực nghiên cứu trong lĩnh vực CNTT-TT, cho đến thời điểm này, hoạt động thương mại hóa các kết quả nghiên cứu chưa được đầu tư thích đáng; Số lượng doanh nghiệp CNTT có đầu tư cho R&D và mức đầu tư còn khiêm tốn, hỗ trợ cho các doanh nghệp làm R&D hầu như chưa có. Đặc biệt, chương trình tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học, sáng tạo công nghệ trong lĩnh vực CNTT-TT cũng chưa được xây dựng, triển khai…
Tại Hội nghị, để Đề án được đẩy nhanh, triển khai đúng tiến độ dự kiến, ông Nguyễn Trọng Đường đã đưa ra 4 đề xuất, kiến nghị. Thứ nhất, ba Bộ: Tài chính, Kế hoạch Đầu tư và Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp ban hành hoặc trình Thủ tướng ban hành quy chế triển khai Đề án nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, nhất là về cơ chế quản lý, điều phối triển khai các nội dung của Đề án và cơ chế tài chính và đầu tư.
Thứ hai, Ban Chỉ đạo quốc gia sớm thành lập Ban điều phối triển khai Đề án để tạo thuận lợi trong điều phối, chỉ đạo triển khai Đề án.
Thứ ba, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn, tổng hợp và phân bổ chính sách triển khai Đề án.
Cuối cùng, các Bộ, ngành và các địa phương quan tâm chỉ đạo triển khai Đề án tại Bộ, ngành và địa phương mình.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân - Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT đã ghi nhận những kết quả trong một năm qua của Đề án đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT. Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo, Bộ Thông tin và Truyền thông cần phối hợp chặt chẽ với các Ban, ngành cùng các tổ chức, doanh nghiệp liên quan để triển khai đúng tiến độ Đề án. Làm sao, tới năm 2020, tốc độ phát triển của ngành CNTT-TT Việt Nam sẽ tăng gấp 2-3 lần so với hiện nay.
Được biết, trong năm 2012, sẽ có một số dự án trọng điểm được triển khai như: Hỗ trợ xây dựng mô hình hoạt động tiên tiến, hiệu quả cho các khu CNTT tập trung; Dự án hỗ trợ nghiên cứu sản xuất máy tính và các sản phẩm đấu cuối giá rẻ cho giảng viên, sinh viên, học sinh và các đối tượng chính sách; Dự án hỗ trợ đào tạo về phần mềm nguồn mở cho các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp; Dự án xây dựng hệ thống phòng chống, ngăn chặn thư rác; Dự án “Thành lập Trung tâm phân tích và dự báo số liệu ngành Thông tin và Truyền thông” và Dự án đầu tư xây dựng trung tâm tính toán hiệu năng cao, ứng dụng cho các ngành kinh tế, khoa học, công nghệ, kỹ thuật.
Ý kiến bạn đọc