VietNamNet mất 3/4 số độc giả vì hacker tấn công

14:21, 16/12/2011
|

(VnMedia) - Năm 2011, VietNamNet mất hai tháng bị tấn công từ chối dịch vụ DDOS. Tờ báo điện tử này đã điêu đứng vì tội phạm công nghệ cao tới mức, lượng độc giả của báo giảm tới 3/4, sản phẩm nội dung xuất bản không đến được với độc giả như trước…

 

Đó là chia sẻ của đại diện báo điện tử VietNamNet trong Hội thảo Công tác phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm công nghệ cao của các cơ quan thông tấn, báo chí trong tình hình hiện nay vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng 16/12 tại Hà Nội.

 

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn cho biết mục tiêu của Hội thảo này là nhằm nâng cao nhận thức của chính các cơ quan báo chí, đặc biệt là báo điện tử hiện nay trong việc phòng và chống tội phạm công nghệ cao trên mạng.

 

Theo Thiếu tướng, TS Nguyễn Viết Thế, Cục trưởng Cục Tin học Nghiệp vụ Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật Bộ Công an, hiện nay, trên toàn thế giới có hàng tỷ website đang hoạt động trên mạng Internet, trong đó có rất nhiều các website của cơ quan thông tấn báo chí. Đây chính là môi trường để hacker và giới tội phạm công nghệ cao khai thác, tấn công.

 

Ngày 22/11/2010 là ngày đầu tiên hacker bắt đầu tấn công vào hệ thống website của báo VietNamNet. Đây là cuộc tấn công với quy mô lớn, liên tục và kéo dài. Nó đã phá huỷ hầu như gần hết cơ sở dữ liệu 10 năm của báo VietNamNet.

 

Hình thức tấn công rất đa dạng, từ thay đổi giao diện cho đến việc đánh cắp các dữ liệu nhạy cảm ở trong website và tấn công làm tê liệt hệ thống website đó. Trong năm 2011, Vietnamnet lại thêm một lần nữa bị tấn công từ chối dịch vụ DDOS. Cùng với VietNamNet, cũng đã có một số website, tờ báo điện tử khác như Người đưa tin bị tấn công DDOS.

 

Đại diện của báo VietNamNet cũng thừa nhận, nếu cuộc tấn công DDOS kéo dài nhiều tháng, thậm chí cả năm trời, ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới tờ báo. Thậm chí, việc một tờ báo điện tử như VietNamNet có thể bị xoá sổ là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

 

Thiếu tướng, TS Nguyễn Viết Thế cho rằng các cuộc tấn công trên là một lời cảnh báo về an toàn thông tin đối với các báo điện tử và những hacker không mới so với những năm trước. Để phòng và chống vấn nạn này, việc xây dựng, đầu tư hệ thống đồng bộ ngay từ đầu phải được các cơ quan báo chí điện tử chú trọng. Đặc biệt đầu tư cho vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn trên cả hai khía cạnh con người quản trị kỹ thuật cho hệ thống và các phương tiện và giải pháp kỹ thuật.

 

Việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ uy tín để hosting trang báo điện tử của mình cũng là một yếu tố rất quan trọng. Cùng với đó, các thành viên và mọi người tham gia hệ thống cần có ý thức chấp hành cao các quy định bắt buộc về đảm bảo an ninh, an toàn cho hệ thống, chẳng hạn như vấn đề sử dụng mật khẩu.

 

Nếu người dùng gặp và phát hiện các sơ hở của mình (như để lộ mật khẩu đăng nhập) cần trung thực báo cáo ngay với người quản trị hệ thống để khắc phục kịp thời. Việc sử dụng các thiết bị lư dữ liệu di động như ổ USB cũng cần hết sức thận trọng về lây nhiễm virus và các mã độc hại.

 

Việc kiểm tra thư điện tử của các thành viên trong hệ thống phải thận trọng với những thư lạ, có âm mưu lừa đảo. Và cuối cùng là ý thức bảo mật các thông tin nhạy cảm của quốc gia. Vấn đề an ninh thông tin được đặt lên hàng đầu của các cơ quan thông tấn, báo chí điện tử trong bối cảnh ngày nay.


Hiền Mai

Ý kiến bạn đọc