Những mất mát lớn nhất làng công nghệ 2011

06:18, 30/12/2011
|

(VnMedia) - Năm 2011, làng công nghệ thế giới đã chứng kiến khá nhiều sự ra đi của các tên tuổi nổi tiếng và cả những vụ sa thải CEO của các công ty hàng đầu hiện nay.


Các gương mặt kỳ cựu trong làng công nghệ qua đời

Jean Bartik - người xây dựng chiếc máy tính đầu tiên (27/12/1924 - 23/3/2011)

Ảnh minh họa

Bà Jean Bartik (phải) và bà Frances Elizabeth Holberton


Jean Jennings Bartik là người phụ nữ còn lại cuối cùng trong số những người xây dựng nên ENIAC (Electronic Numercial Intergrator and Computer), thiết bị được công nhận là chiếc máy tính điện tử đầu tiên trên thế giới.

Bà Bartik và bà Frances Elizabeth Holberton (qua đời năm 2001) là 2 người dẫn đầu trong các nữ lập trình viên làm việc với máy ENIAC.

Bà cũng là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho ngành công nghiệp phần mềm thế giới và là người tiên phong trong lĩnh vực phát triển phần mềm máy tính. Bà qua đời vào tháng 3, hưởng thọ 86 tuổi.


Norio Ohga - Chủ tịch kiêm CEO của Sony (29/1/1930 - 23/4/2011)


Ảnh minh họa

Norio Ohga không chỉ được biết đến với vai trò là CEO và chủ tịch của tập đoàn Sony, mà còn được coi là “cha đẻ” của đĩa CD – cách mạng trong công nghệ ghi âm Nhật Bản. Đây là phát minh đã giúp Sony vươn lên dẫn đầu trong ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng và giải trí.

Với các nhân viên của Sony, Norio Ohga chính là biểu tượng của tinh thần làm việc tuyệt vời. Ông qua đời vào tháng 4 năm nay ở tuổi 81.


Julius Blank - người đặt nền móng cho chip máy tính (2/6/1925 - 17/9/2011)

Ảnh minh họa

Ông Julius Blank là một trong 8 nhà khoa học máy tính đã sáng lập tập đoàn Fairchild Semiconductor vào năm 1957. Đây là nguyên mẫu cho sự thành lập của các công ty công nghệ và đào tạo các thế hệ doanh nhân ở Thung lũng Silicon sau này.

Vốn là một kỹ sư cơ khí, ông Blank được xem là người tiên phong trong việc phát triển vi xử lý và chất bán dẫn cho máy tính. Ông đã ra đi vào tháng 9 năm nay, thọ 86 tuổi.


Steve Jobs - Đồng sáng lập, CEO kiêm Chủ tịch của Apple (24/2/1955 - 5/10/2011)

Ảnh minh họa


Steve Jobs là một trong những cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong năm 2011. Vốn được xem là biểu tượng vĩ đại của Apple, ông là người luôn đi đầu về những ý tưởng sáng tạo trong thế giới công nghệ. Các sản phẩm như iPod, iPhone, iPad của Apple đã làm nên những cuộc cách mạng, thúc đẩy sự phát triển của thị trường thiết bị di động.

Dù đã ở giai đoạn cuối của căn bệnh ung thư, Steve Jobs vẫn nỗ lực, cống hiến hết sức mình cho Apple và chỉ buộc phải chuyển giao quyền lực cho Tim Cook vào tháng 8 năm nay.
Steve Jobs đã ra đi vào ngày 10/10 ở tuổi 56 trong sự thương tiếc của đông đảo người yêu mến Apple và cộng đồng công nghệ trên toàn thế giới.


Robert Galvin - CEO kỳ cựu của Motorola (9/10/1922 - 11/10/2011)


Ảnh minh họa

Robert Galvin là con trai của nhà sáng lập Motorola, Paul Galvin và nắm giữ vị trí CEO của công ty sau khi cha ông qua đời.

Dưới “triều đại” Robert Galvin, doanh thu hàng năm của Motorola đã tăng từ mức 260 triệu USD lên đến 10,8 tỷ USD vào năm 1986 – khi ông thôi giữ chức CEO. Cũng trong thời gian ông nắm quyền, năm 1973, Motorola đã ra mắt mẫu điện thoại di động đầu tiên và mở rộng thị phần trên thị trường quốc tế.

Robert Galvin được đánh giá là một trong những doanh nhân nhìn xa trông rộng nhất của nước Mỹ. Vào tháng 10 vừa qua, ông đã mất ở tuổi 89.


John Opel - Cựu CEO của IBM (5/1/1925 - 3/11/2011)

Ảnh minh họa

John Opel là giám đốc điều hành thứ 5 của IBM, bắt đầu làm việc tại IBM từ năm 1949 với công việc bán và cài đặt máy kế toán điện tử, đồng hồ ghi giờ làm việc tại Missouri Ozarks. Ông nhanh chóng thăng tiến lên nhiều cấp bậc và trở thành Giám đốc điều hành của IBM từ 1981 đến 1985.

Ông Opel được xem là người có công đưa IBM vào kỷ nguyên máy tính, cũng như thành công trong việc giải quyết vụ kiện tụng chống độc quyền với Chính phủ Mỹ. Ông qua đời vào tháng 11 năm nay ở tuổi 86.


…và những sự "ra đi" không mấy vẻ vang

Gianfranco Lanci - cựu CEO Acer

Ảnh minh họa

Giám đốc điều hành hãng sản xuất máy tính Đài Loan Acer từ năm 2008 - ông Gianfranco Lanci - đã từ chức vào tháng 4 năm nay sau những mâu thuẫn với Hội đồng quản trị của công ty về một số vấn đề khác nhau. Một tuyên bố của Acer cho biết, ông Lanci đã không đồng ý với Hội đồng quản trị về chiến lược phát triển sắp tới của công ty.

Gianfranco Lanci là người nước ngoài hiếm hoi nắm giữ vị trí hàng đầu trong ngành công nghiệp công nghệ của Đài Loan. Trước khi gia nhập Acer vào năm 1997, ông đã là CEO trong một thời gian dài tại công ty Texas Instruments Inc.


Carol Bartz - cựu CEO Yahoo

Ảnh minh họa

Chủ tịch Roy Bostock của Yahoo Inc đã sa thải Giám đốc điều hành Carol Bartz sau một nhiệm kỳ đầy biến động được đánh dấu bởi sự trì trệ và rạn nứt trong quan hệ với đối tác Trung Quốc Alibaba.

Bà Bartz đã phát biểu trong một email: "Tôi rất buồn phải cho các bạn biết rằng tôi đã bị Chủ tịch Hội đồng quản trị của Yahoo sa thải qua điện thoại. Tôi rất vinh dự vì đã được làm việc với tất cả các bạn và xin chúc các bạn những điều tốt đẹp nhất".


Leo Apotheker - cựu CEO Hewlett Packard (HP)

Ảnh minh họa

Chỉ sau 11 tháng, Hội đồng quản trị của hãng máy tính số 1 thế giới Hewlett Packard đã sa thải Giám đốc điều hành Leo Apotheker và thay thế bằng Cựu chủ tịch eBay Meg Whitman.

Trong thời gian ngắn Apotheker nắm quyền, HP đã phải tuyên bố ngừng bán máy tính bảng TouchPad khi mới ra mắt được vài tháng và cắt giảm chi tiêu tài chính 3 lần.

Chủ tịch HP – ông Ray Lane nói rằng Apotheker không thể lãnh đạo công ty lớn với 320.000 nhân viên, không có khả năng tổ chức đội ngũ điều hành và cũng không có năng lực giao tiếp giao tiếp tốt.


Micheal Woodford - cựu CEO Olympus

Ảnh minh họa

Trong tháng 10, nhà sản xuất máy ảnh Olympus Corp đã sa thải CEO kiêm Giám đốc Michael Woodford chỉ sau 6 tháng ông nắm quyền. Woodford nhận chức Giám đốc điều hành vào tháng 4 năm nay sau 30 năm làm việc tại công ty, trở thành một trong số ít những người nước ngoài điều hành một công ty lớn của Nhật Bản.

Tuy nhiên, Hội đồng quản trị Olympus đã sa thải vị CEO 51 tuổi này vì cho rằng ông đã phá vỡ cấu trúc quản lý bằng cách ra lệnh trực tiếp cho nhân viên đồng thời cơ cấu lại bộ phận Nghiên cứu và phát triển của công ty.


Hoàng Anh - tổng hợp

Ý kiến bạn đọc