(VnMedia) - Research In Motion (RIM) có thể coi là hãng đi tiên phong về smartphone, từng là nhà thống trị nền tảng di động tại thị trường Mỹ và trên thế giới. Tuy nhiên, 2011 đã trở thành một trong những thời điểm “khủng hoảng” nhất trong lịch sử phát triển của công ty này.
Thất bại trên thị trường máy tính bảng
Trong năm nay, RIM đã tham gia thị trường máy tính bảng với sự ra mắt của BlackBerry PlayBook 7 inch. Sản phẩm này xuất hiện chỉ một tuần sau khi iPad 2 của Apple được công bố và đã nhận được đánh giá ban đầu rất tốt.
Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, BlackBerry Playbook đã bị phàn nàn khá nhiều về việc thiếu các tính năng cơ bản như phần mềm email độc lập, lịch, hạn chế về khả năng liên lạc. Doanh số và doanh thu của sản phẩm này bắt đầu giảm sút và trở nên ế ẩm.
Kết quả là, mới đây, RIM công bố công ty đã phải mất khoản tiền lên đến 485 triệu USD cho các lô hàng máy tính bảng PlayBook tồn kho.
Sự cố sập điện
Đây là một trong những sự kiện nổi bật của làng công nghệ trong năm nay. Trung tuần tháng 10, người dùng BlackBerry đã không thể sử dụng chiếc điện thoại của mình trong 4 ngày do sự cố được cho là “nghiêm trọng nhất trong lịch sử phát triển của RIM”.
Trung tâm xử lý tin nhắn, email cho các thiết bị BlackBerry của RIM đã bị lỗi, gây thất vọng cho một số lượng lớn người dùng trên toàn thế giới, ảnh hưởng rất xấu đến danh tiếng vốn có của công ty về khả năng nhắn tin qua điện thoại di động.
Và việc người dùng mất lòng tin về nền tảng di động từng ở vị trí thống trị này đồng nghĩa với chuyện RIM mất đi rất nhiều khách hàng quen thuộc và chịu sức ép nặng nề về doanh số bán tất cả các mặt hàng của hãng.
Hoãn ra mắt sản phẩm mới
2011 cũng là “năm trì hoãn” của RIM. Trong tháng 6, RIM đã phải hoãn ra mắt mẫu smartphone BlackBerry mới do việc nâng cấp phần cứng thiết bị.
Không những thế, sau khi tiết lộ chi tiết về phiên bản tiếp theo của hệ điều hành BlackBerry và thể hiện sự lạc quan vào các sản phẩm mới dựa trên hệ điều hành này, một lần nữa, RIM lại phải lùi ngày ra mắt thiết bị thế hệ tiếp theo đến cuối năm 2012.
Trong một ngành công nghiệp biến đổi liên tục và có tính cạnh tranh cao như thiết bị di động, việc hoãn ra mắt sản phẩm mới của RIM chẳng khác nào “tự sát”.
Các tranh chấp, mâu thuẫn
Khi RIM công bố hệ điều hành BlackBerry mới, công ty đã tuyên bố rằng phiên bản này sẽ kết hợp các nền tảng BlackBerry truyền thống với hệ điều hành QNX được sử dụng trên các máy tính bảng PlayBook, và rằng hệ điều hành mới sẽ quay lại với thương hiệu BBX.
Tuy nhiên, không may là RIM lại rơi vào một cuộc chiến về bản quyền nhãn hiệu vì chính cái tên của hệ điều hành mới này. Vì vậy, sau rất nhiều quảng cáo rầm rộ, “BBX” lại được thay thế bằng cái tên khá mờ nhạt - "BlackBerry 10".
Giữa tình cảnh rối ren đó, RIM còn phải giải quyết thêm rắc rối nội bộ khi một nhân viên của RIM đăng thư nặc danh cho rằng chính các nhà điều hành đã phá hoại công ty.
Tóm lại, năm 2011 có thể được coi là “năm thảm họa” của RIM. Chưa thể nói được 2012 có đem lại sự khởi sắc cho nhà sản xuất điện thoại di động hàng đầu nước Mỹ này hay không, nhưng có một điều chắc chắn là, năm tới sẽ là thời gian vất vả của công ty khi phải “dọn dẹp” hậu quả của vận đen mà họ liên tiếp gặp phải trong năm nay.
Hoàng Anh -
PCWorld
Ý kiến bạn đọc