(VnMedia)- Một loài khỉ, một loài thằn lằn bóng có khả năng trinh sản, năm loài thực vật ăn thịt, và một loài chim chích ăn lá độc nhất vô nhị nằm trong số 208 loài mới được khoa học phát hiện trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Công Mở rộng năm 2010 và được mô tả trong báo cáo Mê Công Hoang dã (Wild Mekong) mới đây của WWF.
Báo cáo Mê Công Hoang dã tập trung miêu tả 10 loài mới được khoa học xác định, trong tổng số 145 loài thực vật, 28 loài bò sát, 25 loài cá, 7 loài lưỡng cư, 2 loài thú, và một loài chim được phát hiện trong năm 2010 ở khu vực sông Mê Công thuộc vùng Đông Nam Á bao gồm Cam-pu-chia, Lào, My-an-ma, Thái Lan, Việt Nam và vùng Đông Nam tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Báo cáo cho thấy trung bình cứ hai ngày một loài mới lại được khoa học ghi nhận trong khu vực.
Báo cáo khẳng định khu vực Mê Công là một khu vực có độ đa dạng sinh học đặc biệt cao. WWF kêu gọi lãnh đạo của 6 nước Tiểu vùng sông Mê Công Mở rộng (GMS), các nước sẽ tham gia vào hội nghị thượng đỉnh diễn ra tuần tới tại Myanma, cần đặt lợi ích của đa dạng sinh học và những tổn thất khi mất tính đa dạng sinh học vào vị trí tâm điểm của các quyết định và hợp tác khu vực.
Hội nghị thượng đỉnh tại Myanma sẽ thông qua một chiến lược mới về hợp tác kinh tế trong thập kỷ tới giữa các nước GMS. WWF cảnh báo rằng, giá trị tài nguyên và các loài có giá trị của khu vực sông Mê Công sẽ tiếp tục biến mất nếu thiếu những nỗ lực đẩy nhanh quá trình xanh hóa nền kinh tế trong khu vực.
“Chính phủ các nước khu vực sông Mê Công cần phải thay đổi cách suy nghĩ về việc bảo vệ đa dạng sinh học: cần coi đây là một khoản đầu tư hướng đến sự bền vững có tính lâu dài, chứ không phải là chi phí,” ông Stuart Chapman, Giám đốc Chương trình Bảo tồn WWF Greater Mê Công nói. “Xét cho cùng thì chính nguồn vốn tự nhiên này làm nên sự thịnh vượng của khu vực sông Mê Công.”
Voọc mũi hếch (Rhinopithecus strykeri) là một trong số mười loài nổi bật trong báo cáo của WWF. Chúng được phát hiện tại khu vực miền núi vùng sâu vùng xa Kachin. Người dân địa phương cho biết, loài khỉ này thường giấu đầu vào giữa hai đầu gối trong thời tiết ẩm ướt để tránh mưa nhỏ vào chiếc mũi hếch của chúng.
Một danh sách đáng kinh ngạc gồm 28 loài bò sát cũng mới được phát hiện vào năm 2010. Trong đó có loài nhông cát trinh sản (Leiolepis ngovantrii) được tìm thấy ở Việt
“Trong khi những khám phá năm 2010 vẫn còn mới mẻ đối với khoa học, rất nhiều loài đã trở thành món ăn của con người và đang phải đấu tranh sinh tồn trong những sinh cảnh ngày càng bị thu hẹp và có nguy cơ tuyệt chủng cao.” ông Chapman cho biết thêm.
Sự tuyệt chủng của loài tê giác Java một sừng ở Việt Nam, mới được WWF khẳng định, là một chỉ số bi thảm của sự suy giảm đa dạng sinh học tại khu vực. Những khu sinh cảnh và các loài động thực vật hoang dã của khu vực sông Mê Công đang phải chịu áp lực nặng nề từ sự phát triển quá nhanh, không bền vững và biến đổi khí hậu.
“Kho báu đa dạng sinh học của khu vực sẽ biến mất nếu các chính phủ không đầu tư vào bảo tồn và duy trì tính đa dạng sinh học, một hành động căn bản để đảm bảo sự bền vững trong bối cảnh môi trường toàn cầu đang biến đổi.” ông Chapman kết luận.
Ý kiến bạn đọc