(VnMedia) - Mới đây, một nhóm nghiên cứu tại Đại học St Andrews (Scotland) đã đưa ra phương pháp phát hiện whisky giả bằng tia laser.
Thử nghiệm được tiến hành bằng cách bắn một chùm tia laser mỏng hơn sợi tóc vào vài giọt rượu nằm trên một con chip trong suốt.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng bắn ánh sáng từ một sợi quang học và thu lại bằng một sợi khác cho phép họ phân tích ánh sáng tán xạ từ whisky. Kết quả phân tích dựa trên dấu hiệu huỳnh quang của rượu, sự tán xạ ánh sáng và sự chuyển đổi năng lượng khi tương tác giữa các phân tử.
Phương pháp trên cho phép họ tìm ra chính xác nồng độ rượu trong một mẫu whiskey giả (thường thấp hơn mức yêu cầu cho rượu thật là 40%).
Hơn nữa, các nhà khoa học cũng có thể tìm ra màu sắc và kết cấu phân tử rượu, từ đó có thể nhận diện thương hiệu và tuổi của mạch nha (nguyên liệu làm ra rượu) được thử nghiệm.
Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà vật lý Praveen Ashok, Kishan Dholakia và Bavishna Praveen và đã được cấp bằng sáng chế. Phương pháp này bắt đầu được giới thiệu trong lĩnh vực kiểm định của ngành công nghiệp đồ uống.
Ông Ashok cho biết: "Whisky hóa ra rất thú vị. Chúng ta có thể thu thập thông tin không chỉ về chất lượng rượu mà còn cả màu sắc và kết cấu phân tử rượu”.
Bà Praveen nói thêm: "Ngành công nghiệp đồ uống nói chung và rượu nói riêng là một phần quan trọng trong kinh tế và văn hóa của Scotland. Ngày nay, rượu giả đã tràn lan trên thị trường trong nước cũng như thế giới. Việc áp dụng công nghệ ánh sáng để phân biệt rượu thật hay giả sẽ mang ý nghĩa nhiều hơn là một tiến bộ khoa học”.
Hoàng Anh -
Dailymail
Ý kiến bạn đọc