Nhà khoa học hạt nhân Việt Nam được IAEA vinh danh

17:32, 30/11/2011
|

(VnMedia) - 8 chuyên gia của Việt Nam đến từ BV Bạch Mai, BV 108, BV Chợ Rẫy và Trung tâm Hạt nhân TP. HCM cùng hai đại biểu quốc tế vừa được Hiệp hội Thế giới về Điều trị phân tử và Thuốc phóng xạ vinh danh đã có nhiều cống hiến cho lĩnh vực chuyên ngành Điều trị phân tử và Thuốc phóng xạ vào tối qua, 29/11 tại TP. Hồ Chí Minh.

Từ ngày 28/11 - 2/12/2011, Hội  nghị thường niên Hội đồng hợp tác Châu Á về Y học Hạt nhân và Hội nghị lần thứ 4 về “Điều trị bằng thuốc phóng xạ” (ICRT 2011) do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Thế giới (IAEA), Hội đồng hợp tác vùng châu Á về Y học hạt nhân (ARCCNM), Hiệp hội thế giới về Điều trị phân tử và thuốc phóng xạ (WARMTH), Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp với Hội Điện quang và Y học Hạt nhân Việt Nam (VSRNM), Hội Y học hạt nhân Singapore (SSNM) và SaigonTourist phối hợp tổ chức tại TP.HCM.

ICRT được tổ chức 2 năm/lần, do WARMTH điều hành. Qua 3 lần trước, Hội nghị đã diễn ra lần lượt tại Sip năm 2005, Mông Cổ năm 2007 và Colombia năm 2009. ICRT được tổ chức định kì là nhằm giúp các nhà khoa học trên toàn thế giới trao đổi kinh nghiệm, học tập và cập nhật những kiến thức mới, định hướng phát triển trong lĩnh vực Y học hạt nhân, PET/CT, điều trị bệnh bằng thuốc phóng xạ và phương pháp phân tử.

Hội nghị lần này đã đón tiếp khoảng 400 Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ, Dược sỹ, Kỹ sư vật lý y khoa, hóa xạ, kỹ thuật viên trong các chuyên ngành Y học Hạt nhân, Chẩn đoán hình ảnh, Ung bướu... và các chuyên ngành khác đến từ 60 quốc gia trên thế giới. Riêng phía Việt Nam có khoảng 100 đại biểu tham dự.

Trong khuôn khổ Hội nghị ICRT 2011, Hiệp hội Thế giới về Điều trị phân tử và Thuốc phóng xạ (WARMTH) đã trao cúp vinh danh những người đã có nhiều cống hiến cho lĩnh vực chuyên ngành này. Trong số 10 chuyên gia được vinh danh trong buổi lễ tối qua 29/11/2011, có 8 người đến từ các bệnh viện và cơ sở nghiên cứu, ứng dụng hạt nhân của Việt Nam gồm: BV Bạch Mai, BV 108, BV Chợ Rẫy và Trung tâm Hạt nhân Tp. HCM (CNT) và hai đại biểu Quốc tế.

 Ảnh minh họa

 TS. Trần Hữu Diệp được trao tặng giải thưởng tại ICRT 2011


Y học Hạt nhân ứng dụng trong chẩn đoán bệnh ở nước ta được đánh dấu bằng bệnh nhân đầu tiên được ghi xạ hình tưới máu cơ tim vào tháng 10/1995 tại Khoa Y học hạt nhân - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Chia sẻ bên lề Hội nghị, Đại tá Phạm Thị Minh Bảo - nguyên Chủ nhiệm khoa Y học Hạt nhân Bệnh viện 108 cho biết, hồi đó khi máy SPECT dựng lên xong rồi nhưng đang lúc bà còn chưa biết phải vận hành như thế nào, gọi sang cho Giáo sư nổi tiếng R.P. Baum (ở Đức, hiện là Phó chủ tịch WARMTH) thì được ông trấn an kịp thời: “thứ nhất chị phải cảm thấy tự hào khi là người Việt Nam đầu tiên vận hành cái máy SPECT, thứ hai chị hãy bắt đầu từ tim mạch vì đó là lĩnh vực rất hay, thứ ba là tôi tin chị làm được vì chị là người rất linh hoạt”.

Giai đoạn sau đó, Việt Nam lần lượt có thêm các máy SPECT trang bị cho một số bệnh viện khác, và những trục trặc kỹ thuật trong vận hành bắt đầu xảy ra. Chị Bảo cho hay, đang lúc khốn khổ vì phải loay hoay với sự trở chứng của thiết bị thì gặp được TS.Trần Hữu Diệp của Trung tâm Hạt nhân Tp. HCM.

Vốn nghiên cứu và tìm hiểu, làm quen với các thiết bị ứng dụng hạt nhân từ những năm 1993-1994, qua khám bệnh cho SPECT mà anh phát hiện được ra ngay nguyên nhân. Trong quá trình học tập ở Đức, Malaysia, Thái... anh Diệp có nhiều bạn bè đồng nghiệp làm trong lĩnh vực này, và đã nhờ họ mua được linh kiện thay thế gửi về nước. Và các cỗ máy ứng dụng hạt nhân trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân ở các bệnh viện – vốn đang bị đắp chiếu tạm nghỉ - đã được anh “dựng dậy”.

Chia sẻ với nhóm làm việc, chị Bảo không hiểu có quá lời không khi dùng đến 2 từ “may mắn” nói về sự phối hợp giúp đỡ của TS.Trần Hữu Diệp. Hơn 10 năm qua, TS.Diệp hầu như vẫn là “bác sỹ” số 1 của các cỗ máy ứng dụng hạt nhân, từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái - đâu có sự cố cần khắc phục anh đều có mặt ngay để xử lý.

Chị Bảo nhắc lại nhiều đêm trường anh đã phải trải chiếu ngủ ngay tại phòng thiết bị để phối hợp với kíp bác sỹ phục dựng máy, ăn cơm tập thể với mọi người và không đòi hỏi gì. Tất cả mọi người đều làm vì sự đam mê nghề nghiệp, vì sự mong ngóng được khám và điều trị của bệnh nhân.Có lẽ vì thế mà trong khi hầu hết những người được WARMTH vinh danh dịp này đều là giáo sư, bác sỹ ở các bệnh viện đầu ngành Việt Nam và các nước, thì lại lẻ loi có mình anh là “dân” kỹ thuật.

Xin trích dẫn thư của Tổng Giám đốc WARMTH, Giáo sư A.K.Padhy gửi TS.Trần Hữu Diệp để thay lời kết: “Chúng tôi muốn được bày tỏ lòng biết ơn đến những cống hiến tuyệt vời của Ngài trong công cuộc phát triển và thúc đẩy y học hạt nhân trong suốt con đường nghề nghiệp của mình. Giải thưởng này được trao tặng cho sự đóng góp lớn lao, phẩm chất lãnh đạo xuất chúng, kỹ năng tổ chức chuyên nghiệp và những thành tựu khác trong sự cống hiến trọn đời cho ngành y học hạt nhân của Ngài”.


Quốc Trường - Chí Bằng

Ý kiến bạn đọc