Đăng ký và cấp phép hoạt động truyền hình trả tiền

13:25, 09/11/2011
|

(VnMedia) - Các hãng phát thanh, truyền hình nước ngoài muốn cung cấp kênh chương trình nước ngoài vào Việt Nam nhằm mục đích kinh doanh trên truyền hình trả tiền phải thông qua đại lý được ủy quyền tại Việt nam để đăng ký cung cấp kênh chương trình và thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước Việt Nam.

>> Quản truyền hình trả tiền, nâng cao chất lượng hưởng thụ thông tin

Ngày 25/10/ vừa qua, Báo VnMedia đã đăng tải nội dung trao đổi với ông Lưu Vũ Hải - Cục trưởng Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông về những vấn đề liên quan đến quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền.

Để độc giả tiếp tục hiểu rõ hơn về việc cấp phép hoạt động truyền hình trả tiền, Báo VnMedia xin tiếp tục đăng tải cuộc phỏng vấn ông Lưu Vũ Hải - Cục trưởng Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, về những nội dung liên quan đến đăng ký và cấp phép hoạt động này.

- PV: Theo quy chế thì đến 15/11/2011, các đại lý ủy quyền cung cấp các kênh truyền hình nước ngoài trên truyền hình trả tiền tại Việt nam phải đăng ký với Cục quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Cục QLPTTH và TTĐT), nhưng đến thời điểm này chưa có quy định cụ thể mức lệ phí cấp đăng ký lần đầu do Bộ Tài chính ban hành ,vậy có làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện không?

Ông Lưu Vũ Hải: Điều 12 của quy chế này đã nêu rõ là các hãng phát thanh, truyền hình nước ngoài muốn cung cấp kênh chương trình nước ngoài vào Việt Nam nhằm mục đích kinh doanh trên truyền hình trả tiền phải thông qua đại lý được ủy quyền tại Việt nam để đăng ký cung cấp kênh chương trình và thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước Việt Nam. Hiện nay đã có các đại lý nộp hồ sơ xin đăng ký.

 Ảnh minh họa

 Ông Lưu Vũ Hải - Cục trưởng Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông

Mặc dù Bộ Tài chính chưa có quy định về lệ phí đăng ký, nhưng không ảnh hưởng đến việc cấp đăng ký cho các đại lý.

- Hiện tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều có mạng truyền hình cáp, đài phát thanh và truyền hình tỉnh,thành phố là người đứng tên cấp phép hoạt động truyền hình cáp, là người biên tập, biên dịch kênh truyền hình nước ngoài trên truyền hình cáp nhưng hầu như ở nhiều tỉnh công việc này lại do nhà cung cấp dịch vụ thực hiện, trong quá trình thực hiện quy chế này tồn tại nêu trên được giải quyết ra sao?

Việc biên tập, biên dịch các kênh truyền hình nước ngoài trên truyền hình trả tiền tại Việt Nam nhằm đảm bảo nội dung thực hiện đúng quy định pháp luật về báo chí và quảng cáo. Đúng là hiện nay đang tồn tại điều mà nhà báo nêu, đó là các cơ quan báo chí đã làm không đầy đủ trách nhiệm của mình.

Theo quy chế mới này việc cấp phép biên tập, biên dịch kênh chương trình nước ngoài trên truyền hình trả tiền làm chặt chẽ, được thực hiện với từng kênh chương trình, các cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động báo chí trong lĩnh vực truyền hình, có đủ các điều kiện quy định tại tại điều 14 của Quy chế mới được xét cấp, chắc chắn có nhiều đơn vị không hội đủ các yếu tố để đảm nhận vai trò này.

Hiện nay, Bộ Thông tin và truyền thông cũng đang triển khai việc cấp phép hoạt động phát thanh và hoạt động truyền hình, cấp phép các kênh phát thanh và truyền hình quảng bá, các chương trình đặc biệt, chương trình phụ, đồng bộ với Quy chế này.

- Tại sao không quy vào đầu mối việc biên tập, biên dịch kênh truyền hình nước ngoài để đảm bảo chất lượng hiệu quả cao?

Vấn đề này cũng đã được cơ quan soạn thảo đặt ra trong quá trình xây dựng Quy chế. Tuy nhiên, đa số ý kiến đề nghị chỉ nên đưa ra các điều kiện cần đáp ứng để có tính mở và tránh độc quyền. Quy chế ban hành đã được thiết kế theo tinh thần như vậy.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước luôn khuyến cáo có sự phối hợp giữa các Đài để tránh chồng chéo, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Xu thế phát triển có thể sẽ dẫn đến việc hình thành đầu mối biên tập trên cơ sở các bên có cùng có lợi.

-  Xin trân trọng cảm ơn ông!


Bảo Lâm

Ý kiến bạn đọc