(VnMedia) - “Trong những năm qua, viễn thông – công nghệ thông tin ngày càng chứng minh vai trò là một công cụ hỗ trợ tích cực. Trong lĩnh vực y tế, việc ứng dụng CNTT đã và đang tạo ra những thay đổi mới mẻ, có hiệu quả”, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Tô Mạnh Cường nhấn mạnh.
Sáng 15/11, Tập đoàn VNPT đã phối hợp cùng Bộ Y tế tổ chức hội thảo Phát triển ứng dụng Công nghệ Thông tin – Viễn thông (CNTT-VT) đối với ngành y tế. Đây là hoạt động nhằm đẩy mạnh ứng dụng Viễn thông và Công nghệ thông tin (VT-CNTT) trong việc nâng cao hiệu quả chất lượng khám chữa bệnh, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả hạ tầng công nghệ thông tin giữa tập đoàn VNPT và Bộ Y tế và các bệnh viện, các cơ sở y tế trên toàn quốc.
Hội thảo được thực hiện qua 11 điểm cầu như: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thái Nguyên, Nghệ An, Khánh Hoà, Điện Biên, Đắc Lắc... với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo VNPT, các Sở Y tế, bệnh viện địa phương và một số bệnh viện Trung ương như: Bạch Mai, Nhi Trung ương, Chợ Rẫy...
Phó tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Tô Mạnh Cường phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Thùy Hoa |
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Tô Mạnh Cường, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, trong những năm qua, viễn thông - CNTT ngày càng chứng minh vai trò là một công cụ hỗ trợ tích cực, làm thay đổi mọi mặt của đời sống xã hội.
Trong lĩnh vực y tế, có thể thấy rằng, CNTT đã và đang tạo ra những thay đổi mới mẻ, có hiệu quả, không chỉ là mũi nhọn cho quá trình cải cách hành chính trong công tác quản lý, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước mà còn hỗ trợ cho việc triển khai và ứng dụng thành công kỹ thuật cao trong các hoạt động khám chữa bệnh: chụp cắt lớp, mổ nội soi, khám chữa bệnh từ xa, đào tạo E-learning, y tế điện tử, bệnh viện không giấy tờ…Đặc biệt trong thời gian tới, khi dự án hình thành các bệnh viện vệ tinh ngày càng phát triển, VT-CNTT sẽ là phương tiện, công cụ không thể thiếu.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Phó trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh Công ty VTN, đơn vị cung cấp giải pháp Hội nghị truyền hình (teleconfrence) và giải pháp khám chữa bệnh từ xa (Telemedicine) cho các bệnh viện cho biết, hiện có 80% nguồn lực, trang thiết bị hiện đại tập trung tại TƯ và các bệnh viện tuyến TƯ; 80% nhu cầu khám chữa bệnh tập trung tại địa phương; Hàng năm có 600.000 - 7,5 triệu bệnh nhân nhập viện bị nhiễm khuẩn do đó, việc quá tải tại các bệnh viện lên tới 300%...
Vì vậy, việc ứng dụng giải pháp Hội nghị truyền hình trong y tế sẽ mang lại nhiều lợi ích như: Tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại; kết nối các điểm cầu tại nhiều vùng địa lý khác nhau; có thể ghi lại toàn bộ thông tin, hình ảnh của phiên họp; trao đổi nhiều loại tài liệu khác nhau dưới dạng hình ảnh, âm thanh, văn bản...
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Thùy Hoa |
Bác sỹ Lê Thanh Ni, chuyên khoa 2, Trưởng phòng Truyền thông và kỹ năng lâm sàng, Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM cho biết, Bệnh viện Chợ Rẫy là một trong những đơn vị đã áp dụng CNTT vào hoạt đồng từ nhiều năm nay. Ngay từ năm 1998, bệnh viện đã thử nghiệm cầu truyền hình vớii IMCJ, VTI hỗ trợ đường truyền vệ tinh. Và nhiều năm tiếp theo tham gia báo cáo hội thảo trực tuyến như hội thảo bệnh lý hô hập Yokohama. sử dụng modern Webcam/Internet-modern; hội thảo phẫu thuật nội soi ung thư dạ dày; hội thảo có mỗ thị phạm/ trình diễn giữa các nước châu Á và khu vực Asean, VinaRen, DVTS, VC… Năm 2011, bệnh viện này cũng đã thử nghiệm hệ thống hội chẩn trực tuyến chẩn đoán hình ảnh và tiêu biểu giải phẫu bệnh…
”Qua việc ứng dụng các công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh đã cho thấy những lợi ích rõ ràng. Y học từ xa đã góp phần hiệu quả vào việc giảm tình trạng quá tải, giảm tình trạng bệnh nhân dồn về bệnh viện TƯ, giảm chi phí đi lại trong khâu khám chữa bệnh”, bác sỹ Lê Thanh Nghi khẳng định.
Cùng quan điểm, PGS. TS. Phạm Minh Thông, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mỗi năm Bệnh viện Bạch Mai có hàng trăm buổi hội thảo với các nước trao đổi kinh nghiệm quốc tế; truyền hình tất cả các hội nghị khoa học chuyên ngành từ bệnh viện đến 8 bệnh viện vệ tinh; tổ chức các buổi hội chẩn ca bệnh khó vào chiều thứ 6 hàng tuần (từ tháng 2/2011 đến nay 27 buổi); họp giao ban với các bệnh viện vệ tinh; đào tạo lý thuyết các lớp tập huấn qua mạng…. đều được ứng dụng viễn thông và công nghệ thông tin.
Theo PGS.TS Thông, một kinh nghiệm để triển khai tốt các ứng dụng công nghệ thông tin trong các bệnh viện trước hết phải chuyên nghiệp hóa khẩu tổ chức, chuẩn bị; tổ chức quản lý vận hành thiết bị tốt; gắn với hoạt động thiết thực; hợp tác tốt với các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông đảm bảo tốc độ truyền thông….
“Đến nay việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, đặc biệt là trong các cuộc hội thảo, họp hành vẫn đang được Bệnh viện Bạch Mai duy trì và còn mong mong muốn mở rộng hơn nữa, kết nối thêm với nhiều bệnh viện, nhiều nơi khác nữa. Nếu kết nối mở rộng đợc với tất cả các bệnh viện trên toàn quốc thì rất tuyệt vời”, PGS. TS Thông nói.
Ý kiến bạn đọc