Công nghệ được chờ đợi nhất tại Vietnam Comm 2011

16:27, 15/11/2011
|

(VnMedia) - Vietnam Comm 2011 thu hút nhiều “ông lớn” trong làng công nghệ thế giới, hứa hẹn mang đến vô vàn nội dung, dịch vụ, ứng dụng, giải pháp và sản phẩm liên quan đến 3G/4G hấp dẫn cung cấp cho người dùng. Trước giờ khai mạc triển lãm, hãy cùng VnMedia “nhặt ra” những giải pháp, công nghệ được chờ đợi nhất.

 

Di động băng rộng sẽ toả sáng

 

Tại Triển lãm và Hội nghị truyền thông quốc tế 2011 (Vietnam Comm 2011), 2 nhà mạng lớn VinaPhone, MobiFone sẽ trình diễn live show với hàng loạt dịch vụ, ứng dụng cụ thể từ 3G.

 

France Telecom, Orange cũng sẽ giới thiệu những giải pháp 3G/4G không ngoài mục đích giúp thị trường 3G/4G Việt Nam phát triển thần tốc trong thời gian tới.

 

NTT Docomo, nhà mạng đến từ Nhật Bản vốn nổi tiếng với những ứng dụng di động băng rộng hiện đại nhất thế giới sẽ tiếp tục mang đến nhiều bất ngờ cho người dùng Việt.

 

Điện toán đám mây trên di động là một trong những chủ đề đáng quan tâm sẽ được Cisco trình làng góp phần đưa thị trường di động băng rộng lên tầm cao mới.

 

Theo thống kê của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), Việt Nam hiện nay đang đứng thứ 8 trên thế giới về mật độ thuê bao di động. Vị trí này đưa Việt Nam vượt rất xa nhiều quốc gia khác, khi mật độ viễn thông trung bình của các quốc gia đang phát triển chỉ khoảng 70% và các quốc gia phát triển cũng chỉ là 114%.

 

Kết quả này còn cho thấy Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng. Có được con số ấn tượng này là nhờ sự phát triển của dịch vụ 3G với độ phủ sóng 93.68% trên toàn quốc và hơn 8 triệu thuê bao sử dụng dịch vụ 3G thường xuyên.

 

Tính đến cuối tháng 7 năm 2011, vùng phủ sóng 3G tương ứng với mật độ dân số và lãnh thổ Việt Nam đã tăng từ 54.71% lên 93.68%. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là cơ hội tốt cho các nhà cung cấp dịch vụ nội dung 3G phát triển các dịch vụ nội dung hấp dẫn như giải trí, tin tức và thông tin thị trường cho người sử dụng.

 

Huawei giới thiệu smartphone mới nhất

 

Gây chú ý tại triễn lãm năm nay còn bởi sự góp mặt của Huawei. Được đánh giá là “hiện tượng lạ” của giới công nghệ khi có tốc độ phát triển thần kỳ, Huawei đến triễn lãm năm nay ngoài nội dung chính tại hội thảo: Tầm nhìn và chiến lược Huawei, từ CT đến ICT thì phần được mong đợi nhiều nhất là sản phẩm, công nghệ và giải pháp mới.

 

Huawei sẽ mang đến nhiều sản phẩm nóng như dòng smartphone mới nhất vừa được tung ra trên toàn cầu. Cạnh đó, các nhóm sản phẩm đang được Huawei tập trung phát triển đều là công nghệ đang nóng mang tính đi trước đón đầu xu hướng sử dụng trong xã hội như: thiết bị, công nghệ thế hệ mới NGN, 3G, CDMA, truyền dẫn quang, công nghệ IPTV, truy nhập gói tốc độ cao UMTS/HSDPA...

 

Các giải pháp được coi là “hot” của Huawei tham gia triển lãm năm nay là Giải pháp trung tâm dữ liệu thông minh (IDS), cáp quang tới hộ gia đình (Fibre to Home - hiện đang triển khai tại Zew Zealand). Đặc biệt, góp mặt với “con đường 4G” với giải thưởng “Giải pháp mạng kiến trúc hạ tầng tốt nhất” tại thế giới 4G năm 2011 ở Chicago và sẽ triển khai thương mại LTE đầu tiên của mình tại Nam Mỹ.

 

Ericsson giới thiệu sáng kiến giúp “Kết nối Việt Nam


Tham gia sự kiện Vietnam Comm lần này, thay vì trình diễn công nghệ, Ericsson tiếp tục tiến trình của mình trong việc trình bày về những giải pháp và sáng kiến giúp Kết nối Việt Nam .

 

Theo đại diện của Ericsson, Xã Hội Kết Nối là bước phát triển kế tiếp của xã hội thông tin trong đó những yếu tố vốn thừa hưởng lợi ích từ sự kết nối sẽ trực tiếp được kết nối với nhau. Điều này tạo nên số lượng 50 tỉ thiết bị kết nối vào năm 2020.

 

Xã Hội Kết Nối được cấu thành bởi ba yếu tố - di động, băng rộng và điện toán đám mây. Di động mang lại sự tự do kết nối liên lạc bất cứ ở đâu; Băng rộng thể hiện rõ sức mạnh của khả năng truy cập từ bất cứ nơi nào và Điện toán đám mây cho thấy sự độc lập giữa các thiết bị, các loại nội dung.

 

Xã Hội Kết Nối thay đổi hoàn toàn cách mọi người tương tác với nhau, trong đó công nghệ chỉ là yếu tố đầu vào chứ không phải là kết quả. ICT sẽ mang lại sự tác động lớn đối với lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường.

 

Kết quả trong nghiên cứu của Ericsson, Arthur D.Little và Đại học Chalmers cho thấy sự gia tăng 1.000 ngưới sử dụng băng rộng sẽ tạo thêm 80 việc làm và sự gia tăng của 10% về mật độ sử dụng băng rộng sẽ tác động tăng 1% GDP.


Hiền Mai

Ý kiến bạn đọc