Thay đổi cuộc sống với Internet băng rộng

11:35, 03/10/2011
|

(VnMedia) - Internet vào Việt Nam từ năm 1997, và 6 năm sau, dịch vụ Internet băng rộng đầu tiên đã được cung cấp bởi Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT. Con đường dịch vụ băng rộng phục vụ, giúp người dân thay đổi cuộc sống đã bắt đầu từ đây…


>> Giải “Băng rộng thay đổi cuộc sống” thuộc về VNPT

 

Ngày 27/9, trong khuôn khổ Diễn đàn Băng rộng quốc tế lần thứ 11 (Broadband World Forum) được tổ chức tại Paris, Pháp, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT vinh dự nhận giải thưởng “Băng rộng thay đổi cuộc sống” từ Ban Tổ chức Giải thưởng Băng rộng thế giới (Broadband Infovision Awards).

 

Hạng mục “Băng rộng làm thay đổi cuộc sống” mà VNPT vượt qua nhiều đối thủ nặng ký khác để giành giải thưởng được chứng mình với giải pháp phổ cập, đưa Internet băng rộng về vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn thông qua các điểm Bưu điện Văn hoá xã, hệ thống các trường, các trung tâm hoạt động thanh niên, cũng như các giải pháp hỗ trợ ‎ tế cộng đồng, học qua mạng.

 

Để có được vinh dự này, doanh nghiệp đã từng bước khẳng định nỗ lực phục vụ người dân Việt Nam của mình trong suốt một chặng đường dài không mệt mỏi.

 

Còn nhớ, vào ngày 1/7/2003, VNPT chính thức cung cấp dịch vụ truy cập Internet băng thông rộng ADSL (Asymmetric Digital Subscriber Line - đường thuê bao số bất đối xứng) cho người tiêu dùng tại 3 thành phố lớn: Hà Nội, TP.HCM và Hải Phòng. Đây cũng là ba tỉnh, thành được thử nghiệm dịch vụ thành công đầu tiên trên cả nước.

 

Dịch vụ Internet băng rộng ADSL đã chứng minh được khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người sử dụng. Theo đánh giá của các chuyên gia khi ấy đã đánh giá, ADSL chính là phương tiện mới cho giáo dục và đào tạo, tạo nên xa lộ thông tin cho mỗi trường học, cũng rất thích hợp cho việc tổ chức họp từ xa của hội nghị truyền hình hay những chương trình video theo yêu cầu...

 

Ở thời điểm đó, VNPT là doanh nghiệp đầu tiên triển khai cung cấp dịch vụ ADSL, sau đó mới tới FPT rồi Viettel… Đến tháng 9/2003, VNPT tiếp tục đưa vào thử nghiệm dịch vụ ADSL tại 7 tỉnh, thành. Đến cuối năm 2003, tổng cộng 17 tỉnh, thành đã được cung cấp dịch vụ ADSL. Và đến năm 2004, doanh nghiệp đã phủ xong mạng ADSL tại tất cả các tỉnh, thành trên cả nước.

 

Để mọi người dân đều có thể tiếp cận với dịch vụ băng rộng, ngay từ năm 2005, chủ trương đưa Internet về điểm Bưu điện Văn hóa xã đã được triển khai. Nỗ lực đáng ghi nhận phải kể tới đó là việc Tập đoàn đã điều chỉnh giảm cước truy cập Internet tại các điểm Bưu điện Văn hóa xã từ 12 ngàn đồng ở thời điểm ban đầu cung cấp xuống chỉ còn 3 ngàn đồng/giờ.

 

Và giờ, trong tổng số gần 10.000 điểm phục vụ bưu chính viễn thông của VNPT trên cả nước, doanh nghiệp đã đầu tư lắp đặt máy tính nối mạng Internet tốc độ cao cho hơn 2000 điểm tại khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho người dân được truy cập Internet để tiếp cận với thông tin, tri thức kinh tế, khoa học kỹ thuật, góp phần nâng cao dân trí, phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy quá trình CNH-HĐH nông nghiệp và nông thôn với giá ưu đãi nhất.

 

Không chỉ tập trung cho các điểm Internet về nông thôn, điểm Bưu điện Văn hoá xã, thời gian qua, VNPT cũng tích cực hợp tác với ngành Giáo dục, Y tế, Hội Nông dân và gần đây nhất là hợp tác với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nhằm đưa Internet băng rộng về trung tâm sinh hoạt thanh niên và tới 62 huyện nghèo nhất của Việt Nam.

 

VNPT còn triển khai các hoạt động cộng đồng góp phần phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, tiêu biểu như các chương trình “Một triệu giờ đồng hành”, "Tuổi trẻ VNPT nối mạng tri thức"... nhằm đào tạo, phổ cập tin học, hướng dẫn cho người dân cách truy cập Internet phục vụ phát triển nông thôn.

 

Tính tới thời điểm này, VNPT vẫn là doanh nghiệp có thị phần dịch vụ băng rộng lớn nhất với 75% thị phần. Có thể nói, với những nỗ lực triển khai, cung cấp của Tập đoàn VNPT, dịch vụ băng rộng đã và đang thực sự làm thay đổi cuộc sống, thói quen của người dân từ thành thị đến nông thôn Việt Nam trong tiếp cận Internet và nền kinh tế tri thức, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền KT-XH Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực viễn thông nói riêng.


Hiền Mai

Ý kiến bạn đọc