iPhone và những căn bệnh thường gặp

12:46, 31/10/2011
|

(VnMedia) – Các sản phẩm của huyền thoại Steve Jobs đã trở nên khá phổ biến trên thị trường Việt Nam . Thế nhưng vào một ngày xui xẻo nào đó chú dế iPhone của bạn gặp sự cố, hẳn bạn sẽ hết sức lo lắng về chi phí sửa chữa cho “dế cưng” của mình.

 

Tại 219 Kim Mã, Hà Nội, anh Thắng, chủ cửa hàng cho biết hiện có rất nhiều khách hàng mang iPhone đến sửa chữa. Trung bình mỗi tuần cửa hàng anh tiếp nhận khoảng 50 “ca” sự cố iPhone. Và hiện số lượng khách hàng mang iPhone đến cửa hàng anh để sửa chữa đang có xu hướng gia tăng. “Chủ yếu dòng iPhone mà khách hàng mang tới đây sửa là 3GS và 4G, dòng 2G cũng có nhưng không nhiều” – Anh Thắng chia sẻ với phóng viên báo điện tử VnMedia.

 

Ảnh minh họa

 

Còn tại một cửa hàng sửa điện thoại có logo “quả táo” trên phố Mai Hắc Đế, chúng tôi được biết hầu hết các dòng điện thoại của Apple nếu gặp sự cố thì thường là hỏng màn hình, mất loa, mất nguồn IC, nhiều nhất là hỏng pin.

 

Trường hợp iPhone bị hỏng loa ngoài thì thường là do khách hàng nghe nhạc hoặc chơi game với tuỳ chỉnh âm thanh ở mức tối đa trong thời gian dài. Tuy vậy giá sửa chữa cũng khá chênh lệch tuỳ theo phân khúc: đối với 2G và 3G, 3GS là 250 ngàn đồng, còn với iPhone 4G, chi phí lên tới 500 ngàn đồng!

 

Mặc dù pin các sản phẩm của Apple được người tiêu dùng đánh giá khá cao về thời lượng sử dụng cũng như chất lượng nhưng đây lại là “sự cố” hay gặp phải nhất đối với iPhone. Lý do được nhiều chủ cửa hàng “bảo hành” iPhone đưa ra là do cách sử dụng điện thoại của người dân.

 

Ảnh minh họa

 

Giới trẻ bỏ ra khá nhiều thời gian để xem phim và chơi game 3D trên chú dế này. Còn với các nhân viên văn phòng, iPhone giúp họ lướt web tìm kiếm thông tin, gửi và nhận mail, chat với đồng nghiệp…Bên cạnh đó việc khách hàng quên không tắt các ứng dụng chạy ngầm cũng là một trong những nguyên nhân sẽ làm giảm tuổi thọ cho cục pin của chú dế iPhone. Và khi pin hỏng thì hầu như 100% các trường hợp khách hàng sẽ phải mua linh kiện mới để thay thế. “Cửa hàng tôi bán pin iPhone 2G là 250 ngàn/cục, 3G và 3GS là 300-350 ngàn đồng, còn 4G thì có giá cao hơn, 450 ngàn/cục” – Chị Nguyễn Chi Mai, chủ một cửa hàng sửa điện thoại trên đường Trần Đại Nghĩa nói.

 

Ảnh minh họa

 

Pin “chai” thì khách hàng có thể dễ dàng tìm linh kiện thay mới, tuy nhiên nếu IC nguồn thực sự gặp sự cố thì đó là một vấn đề lớn. Đây là bộ phận cung cấp năng lượng cho khối điều khiển CPU, và bộ nhớ RAM của iPhone hoạt động. Nếu IC nguồn bị hỏng hay chân IC không tiếp xúc tốt thì sẽ khiến máy điện thoại không thu được sóng hoặc không có sóng do mất một trong các điện áp cấp cho khối thu phát, nghiêm trọng hơn điện thoại của bạn có thể bị sập nguồn bất cứ lúc nào. Giá sửa chữa IC nguồn là khoảng 200 – 300 ngàn đồng/lần, còn nếu thay mới thì sẽ tốn kém hơn. “Đối với dòng 3G và 3GS giá linh kiện bình thường sẽ là 700-800 ngàn đồng. Loại xịn nhất là 1,2 triệu, còn dòng 4G thì 1,6 triệu”- Anh Hoàng, chủ cửa hàng sửa điện thoại tại 115 Nguyễn Khuyến cho biết.

Khi phóng viên VnMedia hỏi về những căn cứ để phân loại giá các loại IC thì chỉ nhận được câu trả lời chung chung: “Loại xịn hay loại bình thường thì cũng đều là hàng Trung Quốc, ngay đến con iPhone chính hãng thì lật mặt sau cũng đề là Made in China . Giá này là từ nơi cung cấp cho chúng tôi họ đã niêm yết như vậy, chúng tôi chỉ biết bán theo báo giá thôi.”

 

Ảnh minh họa

 

Không chỉ có IC nguồn mà hầu như tất cả các linh, phụ kiện khác của iPhone trên thị trường Việt Nam hiện nay như màn hình điện thoại, pin, main, cable, dây nguồn, đèn màn hình… đều được vận chuyển qua đường buôn lậu. Nguồn gốc không rõ ràng, chất lượng của sản phẩm sẽ có những tác động không nhỏ đến người tiêu dùng. Ngoài thiệt hại về kinh tế, một tác hại nữa là việc sử dụng hàng kém chất lượng còn có thể nguy hại đối với sức khỏe của người sử dụng.

Do Việt Nam chưa có các trạm bảo hành chính thức của Apple, cũng như các đại lý bán lẻ chính thức (Apple Store) của Apple nên mọi hoạt động mua bán và bảo hành đều thông qua các đại lý, công ty ủy quyền. Trong trường hợp máy có lỗi, nếu như khách hàng mua sản phẩm không phải từ hai nhà mạng - đồng thời cũng là đối tác phân phối chính của Apple iPhone tại Việt Nam là Viettel và VinaPhone thì sẽ không được bảo hành tại FPT hoặc 2 nhà mạng này. Trong khi đó trên thị trường Việt Nam lại tồn tại một số lượng không nhỏ hàng “xách tay” nên việc đưa máy đến các cửa hàng sửa điện thoại trên phố hầu như là lựa chọn bắt buộc của khách hàng.



Lương Đàm

Ý kiến bạn đọc