(VnMedia) - Cả ba mạng di động VinaPhone, MobiFone và Viettel đều đã cung cấp gói Mobile Broadband (truy cập Internet tốc độ cao từ máy tính thông qua sóng di động) không giới hạn. Thế nhưng, không phải gói cước nào cũng thực sự hấp dẫn người dùng…
Là một trong số những dịch vụ 3G đầu tiên được cung cấp ra thị trường, dịch vụ Mobile Broadband (truy cập Internet tốc độ cao từ máy tính thông qua sóng di động) là sự lựa chọn của nhiều người dùng Internet hiện nay. Thậm chí, sự tiện ích của nó còn đe dọa giành thị phần của Interrnet băng rộng ADSL.
Với từng nhà mạng, dịch vụ mang các tên gọi khác nhau, với VinaPhone là Mobile Broadband, MobiFone là Fasst Connect, Viettel là D-com 3G. Thời gian qua, các gói cước của dịch vụ này đã được các nhà mạng liên tục có sự thay đổi, điều chỉnh mức giá cũng như dung lượng, tốc độ hợp lý hơn, phù hợp hơn với nhu cầu người dùng.
Gần đây nhất, nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng, hỗ trợ khách hàng quản lý mức sử dụng và chi tiêu, cả ba mạng di động lần lượt tung ra tính năng truy cập Internet không giới hạn cho Mobile Broadband.
Tính năng này giúp khách hàng sử dụng hết mức lưu lượng miễn phí trong gói cước ở tốc độ cao của mạng 3G khoảng 7,2 Mb/s không bị dừng dịch vụ, hoặc bị tiếp tục tính cước vượt gói. Thay vào đó, vẫn có thể truy cập Internet miễn phí nhưng tốc độ chậm hơn, chỉ khoảng 256kb/s để chỉ có thể lướt net đọc báo, xem video, check mail, hoặc gửi các file dung lượng nhỏ…
Thế nhưng, dù đều là tính năng không giới hạn nhưng mỗi mạng lại có hình thức cung cấp dịch vụ hoàn toàn khác nhau. Nếu đưa ra “cân đong đo đếm”, sức hấp dẫn của mỗi gói cước này cũng được cảm nhận ở các mức độ, cung bậc riêng.
Viettel: Không giới hạn không bằng… giới hạn?
Là nhà mạng đưa ra chính sách này đầu tiên, Viettel đưa ra hình thức Internet không giới hạn là cho phép các thuê bao ngoài lưu lượng trong gói (bất kỳ gói cước nào khách hàng đã đăng ký), thuê bao có thể xài thêm 2G data nữa với tốc độ 7,2Mb/s với chi phí 120 ngàn đồng sau đó mới bị giới hạn tốc độ xuống 256kb/s.
Nếu phân tích kỹ thông tin trên thì thấy rằng, sau khi đăng ký mức cước tối đa, nếu bạn là thuê bao trả trước sẽ chỉ có 2GB dữ liệu được phép truy cập với tốc độ 7,2Mb/s, khi hệ thống thấy bạn đã sử dụng đạt mức cước tối đa rồi, tốc độ truy cập sẽ xuống 256kb/s.
Sử dụng gói cước không giới hạn này, thuê bao trả sau của Viettel phải chịu cước hai lần. Thứ nhất, tiền thuê bao tháng/gói và thêm cả tiền 120 ngàn đồng/tháng cho đăng ký sử dụng tối đa.
Các thuê bao trả sau của Viettel ngoài hưởng dung lượng dữ liệu tốc độ cao theo từng gói cước đăng ký sử dụng và trong khuôn khổ tính năng không giới hạn cho phép, sau khi dùng hết chi phí đã bỏ ra, tiếp tục được dùng dịch vụ không phải bỏ thêm tiền nhưng chỉ có thể lướt net ở tốc độ giới hạn như trả trước là 256kb/s.
Theo nhiều khách hàng, tốc độ 256kb/s rất chậm, tương đương với tốc độ 2G/GPRS, nên chẳng hơn việc truy cập theo hình thức Dial-up trước đây là bao.
VinaPhone, MobiFone: Giới hạn là dùng… tẹt ga
Sau Viettel, MobiFone là mạng di động thứ hai tung ra ưu đãi cho khách hàng dùng Fast connect không giới hạn. Tuy nhiên, nhà mạng này không ghép tính năng không giới hạn vào gói cước vốn đã có sẵn trước đó như Viettel mà ra hẳn một gói cước riêng mang tên Fast Connect không giới hạn (FC Unlimited).
Với gói không giới hạn của nhà mạng này, bỏ ra 120 ngàn đồng là thuê bao có thể sử dụng 2Gb data ở tốc độ 3G, còn sau đó vẫn có thể tha hồ truy cập Internet nhưng với tốc độ xuống 256Kb/s.
Chính sách của MobiFone cho thấy, người đi sau này đã có mức tính toán về phí hợp lý hơn hẳn so với Viettel. Khách hàng MobiFone chỉ phải mất 120 ngàn đồng, ngoài ra không thêm bất kỳ chi phí nào nữa.
VinaPhone là mạng sau cùng thực hiện tính năng không giới hạn, nhưng vì đi sau nên tính năng không giới hạn USB 3G của VinaPhone vừa linh hoạt lại vừa đảm bảo mục tiêu quản lý chi phí sử dụng cho các thuê bao nhất.
Các thuê bao đã đăng ký các gói cước ezCom chỉ cần đăng ký thêm tính năng EZU là có thể vô tư lướt Net mà cước phát sinh không bao giờ vượt quá 50.000 đồng so với mức dự tính.
Ví dụ, thuê bao đăng ký gói cước ezCom 50.000 đ/30 ngày miễn phí 1GB data, khi đăng ký tiếp tính năng EZU trả thêm 50.000 đồng là được dùng Internet xả láng, không giới hạn, trong đó được dùng miễn phí 2GB data ở tốc độ tối đa là 8Mb/s.
Điểm nhấn ấn tượng nhất của MobiFone là nhà mạng ra gói cước truy cập 3G siêu rẻ với tên gọi FCU không giới hạn dung lượng nhưng chỉ phải trả tối đa là 120.000 đồng/tháng. Khách hàng sử dụng đến 2Gbs với tốc độ tối đa 7,2Mbps, từ 2Gbs trở đi khách hàng vẫn được truy cập dung lượng miễn phí với tốc độ tối đa là 256Kbps.
Nhưng có thể nói, “người đến sau” VinaPhone khi đưa ra chính sách gói cước không giới hạn linh hoạt nhất cho người dùng. Chẳng hạn với gói cước EZ50 khách hàng phải trả 50.000 đồng/tháng và được miễn phí 1 GB tốc độ 3G, nhưng nếu khách hàng đăng ký tính năng không giới hạn sẽ trả thêm 50.000 đồng/tháng và được miễn phí thêm 1 GB tốc độ 3G.
Ý kiến bạn đọc