Phía sau sự miễn phí của Google

16:45, 27/09/2011
|

Nhờ miễn phí với hệ thống Gmail và cam kết nhiều dịch vụ khác trên nền máy chủ Google Web Server mở rộng, Google đã thu hút lượng lớn người sử dụng.

Mở trước, đóng sau

Theo các công ty nghiên cứu thị trường, Android hiện nay đang có những bước phát triển cực kỳ mạnh mẽ. Chỉ trong một thời gian ngắn, nó đã trở thành nền tảng smartphone hàng đầu thế giới.

Vài năm nữa, các chuyên gia dự đoán Android sẽ vươn lên để trở thành hệ điều hành thống trị trên toàn cầu và bỏ xa những hệ điều hành nổi tiếng cho điện thoại di động hiện nay như iOS của Apple, BlackBerry của RIM, Symbian của Nokia hay Windows Phone của Microsoft…

Cái Android có và sẵn sàng làm chính là sự… miễn phí, Computerworld cho biết. Tuy thế, nhiều người lại đặt câu hỏi Google miễn phí Android để làm gì?

Theo nhiều chuyên gia, cái thế của Android là của kẻ đến sau nên bắt buộc phải làm gì đó để có thị trường. “Một khi nắm được thị trường, cá nhân, công ty, tổ chức ấy sẽ thu được những giá trị lợi nhuận thật khổng lồ, tương ứng với thị trường”, một nhà kinh tế nhận định.

Khi mới ra đời, thị phần của Android bằng 0 và nó không giành được sự tin tưởng của bất kỳ hãng công nghệ nào. Nhưng chính do việc Android được cung cấp miễn phí nên đã có những hãng sản xuất thiết bị thử ứng dụng và nhanh chóng ngay sau đó, người dùng trên toàn thế giới đã bị thuyết phục. Cho tới giờ, Android vẫn miễn phí nhưng nó không hoàn toàn đúng 100% theo nghĩa đen nữa.

Google Android thu tiền theo cách khác. Fox News cho biết: “Họ không thu tiền bản quyền hệ điều hành nhưng bù lại, họ lấy tiền thông qua các kho App khổng lồ của mình. Tương tự  Apple lấy 25% tiền cho mỗi phiên bản phần mềm bán trên iTunes thì Google cũng làm như thế, cách này mang lại lợi nhuận khá lớn cho Google và nó sẽ lớn hơn nữa nếu Android mở rộng”.
 
Đó là cách làm hay nói cách khác, chính là phương châm kinh doanh của Google, mở rộng miễn phí cho tất cả mọi người dùng phổ thông nhưng bù lại, sẽ lấy tiền từ các nhà cung cấp dịch vụ dựa trên các sản phẩm mà mình cung cấp. “Như thế, nếu nói theo một cách nào đó, Google đã lấy được tiền từ những người sử dụng phổ thông bởi chính họ là người mua sản phẩm của các nhà cung cấp dịch vụ” - Fox News kết luận.

Quyền lực ngầm

Nếu so sánh với các đối thủ khác như Microsoft, Apple thì theo các chuyên gia, Google nắm giữ sức mạnh ngầm tốt hơn rất nhiều bởi họ có khả năng chi phối gần như 100% người sử dụng internet trên toàn thế giới thông qua các nền tảng mà họ đã sở hữu và gây tiếng vang được từ lâu.

Nếu như Microsoft với hệ thống hệ điều hành Windows cho máy tính và thiết bị di động đã có đối trọng đầy sức mạnh của Android, iOS hay Macintosh; hoặc  Apple dù muốn làm mưa làm gió với iTunes nhưng cũng không thể mạnh tay trước sự vươn lên của Amazon, Ebay và hàng loạt công cụ tương tự khác thì Google có thể nghiễm nhiên một mình một ngựa với Google Search hiện đang chiếm thế thượng phong trong lĩnh vực tìm kiếm web, với YouTube mà lưu lượng truy cập lớn hơn bất kỳ website nào khác trên thế giới…

“Nói một cách dễ hiểu, bây giờ, chúng ta có thể không cần Microsoft, Yahoo, Amazon, Ebay, Apple… nhưng rất cần và phải cần Google", một nhà phân tích nói.

Những dịch vụ miễn phí, cực tốt của họ hỗ trợ người sử dụng internet một cách hữu hiệu về mọi mặt. Nếu cần tìm kiếm, dù ghét Google Search nhưng bạn vẫn phải dùng nó. Nếu muốn xem các video mới, lạ thì dù ghét YouTube, bạn vẫn sẽ phải vào đây để lục lọi”. Quyền lực ngầm của Google nằm ở những nền tảng này.

Với những công ty muốn quảng bá website, họ luôn luôn cần đến Google Search và dù Google có bán quảng cáo theo từ khóa với giá khoảng 40 USD cho mỗi click lên từ khóa ấy thì các ngân hàng, tổ chức tài chính, công ty bảo hiểm… vẫn phải chấp nhận vì đây là thế giới của… Google Search.
 
Trước kia, đã có những công ty vượt rào dùng kỹ thuật SEO để làm lệch kết quả tìm kiếm trên Google Search hay tung các clip quảng cáo lên YouTube mà không “xin phép” Google thì ngay lập tức đã bị Google trừng trị thích đáng. Nhiều hãng đã bị đánh rơi ra khỏi bảng kết quả tìm kiếm của Google Search, trong khi các kênh quảng cáo của những công ty “lậu” đã bị giảm tốc độ đến mức thê thảm.


(theo ICTWorld/Người Lao Động)

Ý kiến bạn đọc