Mạng xã hội ngày càng len lỏi vào cuộc sống thực của con người, vì thế hãy quyết định một cách thận trọng, chính xác những gì bạn muốn phản ánh với mọi người – cả người thân lẫn người lạ và cả sếp – qua bức ảnh của bạn.
Sau đây là 5 bức ảnh tệ hại nhất nếu bạn "tương" chúng lên các tài khoản mạng xã hội của mình như Facebook hay Twitter.
1. Đừng đăng những bức ảnh hiện thông tin cá nhân
Thậm chí khi tài khoản Twitter của bạn để ở chế độ riêng tư và bạn theo dõi rất sát sao những ai xem được hồ sơ Facebook của bạn, thì những dữ liệu cá nhân hiện trên các bức ảnh vẫn không an toàn. Người lạ và hacker không phải là mối đe dọa duy nhất, những người bạn biết cũng có thể lấy cắp thông tin của bạn.
Theo nghiên cứu 2010 Identity Fraud Survey của nhóm Javelin Strategy and Research, những người trong độ tuổi từ 18-24 thường có xu hướng là nạn nhân của trò ăn cắp thông tin, có lẽ bởi họ tham gia nhiệt tình vào các website mạng xã hội. Tuy nhiên, nghiên cứu năm 2011 cho thấy nhóm tuổi có nguy cơ cao đã chuyển sang 25-34.
Đừng đăng bất cứ bức ảnh nào có thông tin cá nhân như số bằng lái xe, giấy chứng nhận kết hôn, hộ chiếu, các loại hợp đồng…. Thực tế, nếu tìm kiếm bạn có thể thấy rất nhiều cặp vợ chồng mới cưới, những người hay đi du lịch đăng những bức ảnh tài liệu này với độ phân giải cao.
Đừng cho rằng các bức ảnh của bạn hoàn toàn riêng tư. Trên Facebook, bạn của bạn cũng có thể xem các bức ảnh được bạn “tag”, nếu người chủ bức ảnh cài đặt chế độ “có thể” (enabled). Cài đặt chế độ ảnh trên Facebook khá phức tạp, vì thế tốt nhất nên cẩn thận.
2. Nhớ vô hiệu dịch vụ định vị
Máy ảnh ngày càng tinh vi – ngay cả với những máy ảnh được tích hợp trong điện thoại. Khi bạn chụp ảnh, nhiều máy ảnh ghi lại thông tin bao gồm mẫu camera, các cài đặt như tốc độ chụp, độ mở ống kính, thời gian bức ảnh chụp. Mặc dù những thông tin này rất hữu ích, nhưng bạn cũng cần biết nếu chúng hiển thị trên bức ảnh của bạn.
Ngoài ra, vấn đề sẽ lớn hơn khi các bức ảnh được nhúng những dữ liệu như GPS, thẻ nhớ, hay camera điện thoại chỉ ra chính xác nơi bạn chụp ảnh. Một số dịch vụ mạng xã hội xóa dữ liệu đó đi, nhưng một số vẫn để lại – nghĩa là rất có thể bạn đã đăng tải bức ảnh có đầy đủ địa chỉ nhà cho bất kỳ ai xem chúng.
Nếu thiết bị của bạn mặc định có những dữ liệu này, bạn cần cài đặt lại. Nếu bạn dùng máy ảnh ngắm-và-chụp (point-and-shoot) hoặc máy DSLR, bạn có thể tìm ra chỗ cài đặt liên quan đến các thuật ngữ như “geotagging," "location" hay "geodata" và vô hiệu hóa chúng đi.
Để vô hiệu chức năng geotagging trên thiết bị Android, hãy mở ứng dụng camera và xem xét hộp “geo-tag photos" trong menu cài đặt. Còn trên máy iPhone, hãy mở biểu tượng cài đặt, click vào "location services", tìm "Camera" và chuyển tình trạng từ on sang Off.
3. Sếp có thể “soi” bạn trên mạng xã hội
Khi mạng xã hội bùng nổ, các giám đốc nhân sự ngày càng nhờ cậy web để tìm kiếm các ứng viên tiềm năng. Nhiều doanh nghiệp tìm kiếm thông tin trên web về các nhân viên hiện tại hoặc tương lai của họ.
Vì thế, hãy cẩn thận. Không nên vội vã đăng tải những “bức ảnh tiệc tùng” trên mạng xã hội, nó có thể phản ánh bạn là kẻ ăn chơi, nghiện rượu mặc dù sự thật có khi hoàn toàn khác. Cũng cần lựa chọn những bức ảnh trông chuyên nghiệp một chút trong ảnh hồ sơ.
4. Tránh những bức ảnh bị cắt nham nhở
Dù không có rủi ro về bảo mật, song cũng chẳng có lý do gì để chọn một bức ảnh đăng lên Facebook mà cánh tay hay bờ vai trong bức ảnh bị cắt xén vô tội vạ. Bởi nếu bạn đang muốn gặp gỡ ai đó trên mạng qua một trang hẹn hò hay mạng xã hội, nên cố gắng chọn bức ảnh nào đó thể hiện được cả con người bạn, đừng lấy bức ảnh được cắt ra từ một bức ảnh chụp tập thể hoặc chụp đôi.
Điều đó có thể khiến người xem nghi ngờ - bạn đã chụp ảnh với ai? Ở đâu? Khi nào? Đó có phải là người cũ của bạn không?
5. Tránh những bức ảnh chụp từ webcam
Có rất nhiều loại máy ảnh rẻ, dễ chụp, chụp đẹp, và như thế chúng sẽ tốt hơn nhiều khi bạn dùng webcam lắp sẵn trong máy tính để chụp ảnh. Không nên đăng những bức ảnh webcam lên ảnh hồ sơ. Ngay cả điện thoại camera 5 Mpx cũng có thể dễ dàng vượt chất lượng ảnh webcam, dù là webcam trên máy tính mới. Bởi nhiều webcam chủ yếu để chat video, chất lượng ảnh sẽ không tốt.
(Theo ICTnews)
Ý kiến bạn đọc