Các nhà khoa học Anh vừa phát minh ra thiết bị cảm biến có thể phát hiện hơi thở và mùi mồ hôi cơ thể, giúp dò tìm những nạn nhân còn sống sót đang bị chôn vùi dưới các đống đổ nát sau những trận động đất và các vụ nổ bom.
Theo giáo sư Paul Thomas thuộc trường đại học Loughborough, miền Trung nước Anh, đây là nghiên cứu khoa học đầu tiên về hệ thống máy cảm nhận có thể giúp tìm kiếm những người bị vùi lấp.
Máy cảm biến hoạt động dựa trên nguyên lý phát hiện các chất chuyển hóa của cơ thể, hay mùi khí tiết ra từ hơi thở, mồ hôi hoặc nước tiểu.
Đặc biệt, thiết bị này có thể hoạt động độc lập không cần sự hỗ trợ từ các phòng thí nghiệm, có thể nhanh chóng phát hiện ra các dấu hiệu của sự sống trong thời gian kéo dài liên tục.
Việc sử dụng thiết bị này tránh được những hạn chế so với biện pháp dùng chó nghiệp vụ như thông thường.
Chức năng của máy đã được thử nghiệm thực tế bằng cách đặt trong những điều kiện khó khăn gấp đôi so với trận thảm họa thật sự.
Thử nghiệm được thực hiện với sự tham gia của 8 tình nguyện viên trong khoảng 5-6 giờ/ngày, trong một mô phỏng khi họ bị vùi lấp dưới các đống kính đổ nát và các tòa nhà bêtông kiên cố.
Các hợp chất từ cơ thể những tình nguyện viên tiết ra, được trộn lẫn với những vật chất trong đống gạch vữa đổ nát, với điều kiện thay đổi thời tiết liên tục như ẩm ướt, nóng, gió mạnh và thay đổi hướng liên tục, nhằm tạo vô số khó khăn trong quá trình dò tìm.
Song, máy cảm biến này đã nhanh chóng phát hiện ra hợp chất cácbon điôxít và amôniac mà cơ thể người tiết ra từ luồng khí tỏa ra từ các lỗ hổng của đống đổ nát.
Thiết bị trên cũng nhanh chóng tiếp nhận được các loại mùi dễ bốc hơi từ những hợp chất hữu cơ khác tỏa ra từ cơ thể các nạn nhân như acetone hay isoprene, nhằm tăng khả năng phát hiện các nạn nhân sống sót ở mức cao.
(Theo TTXVN/Vietnam+)
Ý kiến bạn đọc