(VnMedia) - Theo bản Báo cáo Norton online Family Report 2010 (báo cáo toàn cầu về hiện trạng bảo mật trực tuyến trong các gia đình), 41% trẻ em trên thế giới nhận được lời mời kết bạn từ người lạ trên các trang mạng xã hội và 10% trẻ em toàn cầu đã từng gặp gỡ trực tiếp với người lạ kết bạn với mình.
Mạng Internet là một sân chơi lý tưởng cho trẻ em học tập và trao đổi thông tin với nhau. Nó làm thay đổi cách thức mà chúng ta giao tiếp và kết nối cộng đồng, đặc biệt khi mức độ phổ biến của các trang mạng xã hội ngày càng tăng hiện nay và trở thành một phần không thể tách rời trong cuộc sống.
Tuy nhiên, khi các mạng xã hội trở nên ngày càng phổ cập trong thế giới số, những mối đe dọa mới tới trẻ em trên mạng thực sự là điều đáng lo ngại. Điều đó làm các bậc phụ huynh càng lo ngại không biết liệu trẻ nhỏ có đang trò chuyện với người lạ hay không, vì những hoạt động giao tiếp này thường diễn ra trên mạng.
Một nguyên nhân khác cũng có thể khiến nhiều phụ huynh lo ngại là loại thông tin mà trẻ thường đưa lên các trang mạng xã hội. Con trẻ thường ngây thơ đưa những thông tin cá nhân của chúng lên mạng như số điện thoại, địa chỉ nhà và ngày tháng năm sinh đầy đủ, hoặc ảnh cá nhân của chúng.
Điều này có thể gây thu hút sự chú ý từ các đối tượng có ý đồ xấu. Là phụ huynh, chúng ta thường dạy con trẻ rằng chia sẻ là điều tốt, chẳng hạn chia sẻ đồ chơi với anh chị em. Tuy nhiên, khái niệm này cần được điều chỉnh khi trẻ nhỏ tiếp cận với Internet.
Theo ông Effendy Ibrahim, Giám đốc kiêm cố vấn luật về an toàn Internet, Symantec khu vực châu Á, các mạng xã hội ngày nay đang trở thành những mục tiêu chính của tội phạm mạng – những kẻ lợi dụng các trang web này để phát tán những mối đe dọa nguy hại bằng cách lợi dụng lòng tin của mọi người vào các mối quan hệ hiện có của họ.
Trẻ nhỏ có thể vô tình nhấn vào một liên kết độc hại mà từ đó có thể kích hoạt việc phát tán một loạt thư rác tới toàn bộ danh sách bạn bè của chúng; hoặc có thể dẫn chúng tới một trang web giả mạo để lấy cắp thông tin cá nhân; hoặc có thể kích hoạt việc tải về 1 loại virus mà chúng không biết.
Ông Ibrahim cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh nên săn sóc kỹ hơn đời sống trực tuyến của trẻ và trang bị cho trẻ sẵn sàng trong đời sống trực tuyến mới này.
Dưới đây là một số mẹo nhỏ giúp các bậc phụ huynh đảm bảo trẻ sẽ an toàn trên các mạng xã hội:
- Trò chuyện và chuẩn bị kiến thức cho trẻ với những tình huống tốt/xấu sẽ xảy ra trên mạng. Đừng đợi đến lúc “mất bò mới lo làm chuồng”.
- Nhắc trẻ phải suy nghĩ kỹ trước khi nhấn chuột vào một liên kết nào đó.
- Sử dụng những công cụ đánh giá miễn phí, dễ dùng như Norton SafeWeb cho Facebook để quét mục tin tức mới trên các trang mạng xã hội, đảm bảo trẻ không nhấp chuột vào các liên kết độc hại.
- Sử dụng công cụ gợi ý tìm kiếm (search advisor) để xác định độ an toàn của một trang web.
- Hướng dẫn trẻ những thông tin nào có thể chia sẻ được trên mạng và thông tin nào thì không.
- Đảm bảo rằng trẻ chỉ chia sẻ thông tin cá nhân với những người bạn thân và biết sử dụng tính năng thiết lập chia sẻ cá nhân (privacy settings).
- Trở thành một phần trong thế giới trực tuyến của trẻ bằng cách làm bạn với chúng.
- Sử dụng những công cụ dành cho phụ huynh như Norton online Family (hiện có tại địa chỉ onlinefamily.norton.com) để theo dõi trẻ đang làm gì trên mạng.
Tuệ Minh -
(Theo PCW)
Ý kiến bạn đọc