Gặp người chế tạo thành công chiếc điện thoại làm bằng… gỗ mít

07:06, 12/08/2011
|

(VnMedia) - Đó là bác Châu Văn Huy - một trong hai khách mời đặc biệt của buổi Gặp gỡ và giao lưu với nhân chứng lịch sử, nhằm tiếp lửa truyền thống, giúp các thế hệ CBCNV ngành Bưu điện, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu biết sâu sắc hơn về lịch sử của Ngành nhân kỷ niệm 66 năm ngày Truyền thống ngành Bưu điện (15/8/1945 - 15/8/2011) do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tổ chức.

 

Hai nhân chứng lịch sử ngành Bưu điện được mời đến trong buổi giao lưu là bác Châu Văn Huy, nguyên Phó giám đốc Bưu điện Hà Nội, Anh hùng Lao động năm 1962 và bác Vũ Thị Thuấn, nguyên Phó giám đốc Bưu điện Hải Phòng. Đây cũng là hai vị khách mời tiêu biểu là cán bộ công nhân viên ngành Bưu điện có hiện vật còn được lưu giữ tại Bảo tàng Bưu Điện.

 

Đã qua rồi cái thời gian gian khó, mỗi cán bộ công nhân viên của ngành phải bám sát từng trận địa để phục vụ công cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, song, những kỷ niệm của giai đoạn hào hùng ấy thì không thể nào quên.

 

Với bác Châu Văn Huy, quãng thời gian làm việc tại Cơ xưởng Bưu điện Liên khu IV những năm 1950 - 1951 vẫn còn in đậm mãi trong tâm trí bởi giai đoạn đó, cơ xưởng không có trang thiết bị gì đáng kể, thiếu thốn trăm bề. Nhưng với lòng quyết tâm, sự sáng tạo, tinh thần vượt khó, bác Huy đã chế tạo thành công chiếc điện thoại cổ ngỗng, vỏ làm bằng gỗ mít làm quà tặng dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp sinh nhật Người.

 

Sau đó, bác Huy cùng đồng nghiệp chế tạo nhiều máy điện thoại để phục vụ cho các đơn vị bạn và những cơ quan trong ngành. Bác Huy còn rất thành công trong việc chế tạo, lắp ráp các loại tổng đài. Trong thời gian công tác tại Bưu điện Hà Nội, bác có rất nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tiêu biểu nhất là sáng kiến “Áp dụng việc bơm hơi cáp để bảo vệ tốt hệ thống đường cáp điện thoại tự động thành phố”. Bác được mệnh danh là Kiện tướng sáng kiến ngành Bưu điện và vinh dự được nhận danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1962.

 

Còn bác Vũ Thị Thuấn lại khiến cả hội nghị lặng đi vài câu chuyện đầy xúc động của mình. Năm 1947, khi vừa tròn 17 tuổi - cái tuổi đẹp nhất của người con gái, bác Thuấn gia nhập đội du kích xã Hùng Thắng, trực tiếp tham gia đánh giặc, sau đó nhận công tác giao thông viên của huyện Tiên Lãng.

 

Khi rút vào hoạt động bí mật, phải vận chuyển tài liệu và đưa đón cán bộ bằng đường sông, 9 lần bị địch bắt giữ nhưng cả 9 lần bằng sự mưu trí, dũng cảm của mình, nữ giao thông viên tuổi còn rất trẻ ấy đã mưu trí, đều qua mặt được kẻ địch. Việc vận chuyển tài liệu và đưa đón cán bộ bằng đường sông khiến thường xuyên phải dầm mình trong làn nước lạnh, không thể mang theo phao bơi cồng kềnh, bác Thuấn đã dùng chiếc phao bơi tự tạo bằng vải thô, dệt chặt khít, hình giống hai lá phổi để vượt sông.

 

Nhờ sáng kiến vừa đơn giản, tiện lợi, dễ cất giấu, chiếc phao bơi này đã cùng bác Thuấn nhiều lần đưa đón cán bộ và vận chuyển tài liệu an toàn.

 

Có thể nói, những câu chuyện của bác Huy, bác Thuấn kể lại trong buổi “Gặp gỡ và giao lưu với nhân chứng lịch sử” một lần nữa khẳng định sự thông minh, sáng tạo của cán bộ ngành Bưu điện. Với truyền thống vẻ vang trong quá khứ, thế hệ trẻ Ngành Bưu điện cần phải làm gì để viết tiếp những trang sử vẻ vang của Ngành?

 

Theo anh Hoàng Trọng Từ - Bí thư chi đoàn Trung tâm tính cước và chăm sóc khách hàng tập trung (VNPT), đây là buổi giao lưu rất có ý nghĩa đối với bản thân anh, tiếp thêm cho tuổi trẻ hôm nay niềm tin và sức mạnh.

 

“Chúng cháu cần phấn đấu nhiều hơn để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đóng góp phần công sức, trí tuệ của mình vì sự phát triển bền vững của Tập đoàn" – anh nói.

Nói về lý do lần đầu tiên tổ chức buổi giao lưu, gặp gỡ với các nhân chứng lịch sử, bà Đỗ Thị Sơn, Trưởng ban Thi đua - Truyền thống (VNPT) cho biết: Phòng trưng bày truyền thống của ngành Bưu điện vừa có một vị trí khang trang tại tầng 3 trụ sở của Tập đoàn. Tại đây, các hiện vật của Ngành đã được trưng bày một cách khoa học. Nhiều người đến thăm quan rất quan tâm đến các hiện vật bởi mỗi hiện vật đều liên quan đến một giai đoạn lịch sử, một con người cụ thể…

 

Chính từ mối quan tâm đó của khách thăm quan mà Ban có ý tưởng tổ chức chương trình giao lưu - gặp gỡ với nhân chứng lịch sử. “Từ kết quả của buổi giao lưu hôm nay, chúng ta có thể nhìn thấy sự kết nối bền chặt giữa quá khứ và hiện tại, sự kết nối đó chính là tinh thần sáng tạo của CBCNV ngành Bưu điện ở mọi nơi, mọi lúc. Chúng tôi sẽ tổ chức những hoạt động như thế này vào nhiều dịp khác nhau để các thế hệ CBCNV ngày càng hiểu và tự hào hơn về truyền thống của Ngành", bà Sơn nói.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Phan Hoàng Đức, Thành viên Hội đồng thành viên, Phó Tổng giám đốc thường trực VNPT đã khẳng định: "Cán bộ công nhân viên Tập đoàn hôm nay luôn ghi nhớ công ơn và bày tỏ lòng tri ân đối với các thế hệ cha anh đã đổ bao mồ hôi, công sức và cả xương máu để xây dựng hệ thống thông tin liên lạc thông suốt".

 

Theo Phó Tổng giám đốc Phan Hoàng Đức, buổi giao lưu sẽ giúp cán bộ công nhân viên hiểu rõ hơn những việc làm và cuộc sống đầy gian khổ của các thế hệ, qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm, giáo dục tinh thần vượt khó, tâm huyết và sống có trách nhiệm của mỗi cán bộ công nhân viên với sự phát triển của Tập đoàn.


Hiền Mai - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc