Sau 3 năm phát triển và hòan thiện, liên minh công nghệ ePi và Felix đã cho ra mắt công nghệ xuất bản thông tin trên thiết bị di động thế hệ thứ 3 (3rd Generation Mobile Publishing Platform/3G - MPP).
Công nghệ “made in Việt Nam” này được kỳ vọng sẽ làm đổi mới việc tiếp nhận thông tin của độc giả trên điện thoại di động, vốn chỉ quen đọc tin nhắn và nghe nhạc chờ.
Hiện Việt Nam có khoảng 111,57 triệu thuê bao di động. Công bố của các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông cũng cho thấy, Việt Nam có khoảng 8 triệu thuê bao di động sử dụng mạng 3G.
Trước kia, điện thoại đơn thuần chỉ để kết nối nghe gọi. Song với bước tiến vũ bão của công nghệ, chiếc điện thoại di động bây giờ không chỉ đơn thuần là “điện thoại” mà nó còn trở thành một công cụ cập nhật thông tin hữu ích.
Người ta có thể nghe nhạc, xem phim, truy cập Internet để xử lý công việc hay chat, gửi mail cho bạn bè… Và, đọc báo trên điện thoại di động cũng ngày càng được nhiều người tận dụng.
Thông thường, khi đọc báo trên di động, người dùng có thể gõ trực tiếp tên miền của website báo chí vào các trình duyệt. Tốc độ truy cập các website này chủ yếu phụ thuộc vào các tờ báo có dùng phiên bản web dành cho mobile hay không.
Tuy nhiên, đó chưa phải là một công nghệ dành riêng cho việc xuất bản thông tin trên điện thoại di động.
Xuất phát từ thực tế trên, ngày 25/8/2009, ePi và Felix cho đời nền tảng xuất bản thông tin trên thiết bị di động đầu tiên ở Việt Nam, tương thích với 80% điện thoại di động. Ngay lập tức, nền tảng công nghệ này đã được đông đảo người dùng ưa thích và được tiến cử vào 10 sự kiện công nghệ thông tin nổi bật nhất của năm.
Kế tiếp thành công, ngày 25/8/2010, phiên bản 2 của công nghệ này đã được ra mắt với nhiều cải thiện về tốc độ truy xuất, độ ổn định, tiếp tục mở rộng tương thích với các dòng điện thoại phổ biến. Và, 25/8/2011, phiên bản 3G-MPP đã chính thức được ra mắt với nhiều tính năng ưu việt.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc ePi, 3G-MPP đáp ứng được các nội dung đa phương tiện và theo yêu cầu. Cụ thể, ePi và Felix sáng tạo một định dạng thông tin mới cho thiết bị di động với tên gọi Mobile Audio Slide – MAS.
Định dạng này bao gồm nọi dung dạng văn bản bằng tiếng Việt có dấu, tích hợp sẵn trong ứng dụng chạy điện thoại; ảnh đơn hoặc album, có khả năng phóng to, thu nhỏ và hiển thị chú giải.
Đặc biệt, phiên bản mới sẽ có định dạng âm thanh, cho phép người dùng có thể nghe máy điện thoại tự đọc bản tin.
“Nếu như nghe tin tức radio, người dùng sẽ phải nghe theo lịch phát sóng của nhà đài và thường sẽ phải cắm tai nghe với nhiệm vụ làm anten. Còn với công nghệ này, người dùng có thể tự lựa chọn tin tức muốn nghe mà không phải lệ thuộc vào lịch phát sóng cũng như không cần phải nghe qua tai nghe,” ông Tuấn nói.
Vị chuyên gia này cũng cho hay, việc phát âm thanh bản tin trực tuyến sẽ qua sóng 2G, 3G của nhà cung cấp viễn thông, hoặc WiFi, không lưu trên bộ nhớ gây ảnh hưởng tới hiệu năng vận hành bình thường của điện thoại.
Đây có thể xem là một bước tiến quan trọng, giúp người dùng tiếp cận đa chiều, sinh động hơn với tin tức báo chí trên thiết bị di động. Thậm chí, người khiếm thị cũng có thể nghe tin tức một cách thoải mái khi tốc độ đọc của máy vừa phải, rõ ràng.
Ngoài ra, công nghệ này cũng cho phép người dùng dễ dàng tiếp cận chỉ với việc dùng các phím mũi tên và hai phím mềm có trên mọi điện thoại, không hề có các menu hay tùy chọn phức tạp. Mọi thao tác khởi động, tải và hiển thị nội dung đều được thiết kế để thực hiện chỉ trong vòng 10 giây.
(Theo TTXVN)
Ý kiến bạn đọc