(VnMedia) - Mới trải qua nửa đầu năm 2011 nhưng thế giới công nghệ đã đón nhận khá nhiều sự kiện nóng bỏng từ các siêu phẩm mới, những vụ sáp nhập tỷ đô, sự tàn phá của thiên nhiên và tin tặc ảnh hưởng nặng nề tới ngành công nghiệp công nghệ toàn cầu,…
Dưới đây là một số sự kiện nổi bật của thế giới công nghệ diễn ra đầu năm 2011
Tháng 6
Ngày IPv6: Đứng trước nguy cơ cạn kiệt của nguồn tài nguyên IPv4, Hiệp hội Internet đã tổ chức ngày IPv6 nhằm giúp các nhà cung cấp dịch vụ, các tổ chức trên thế giới xác định các vấn đề tiềm ẩn có khả năng xảy ra khi thực sự chuyển sang mạng iPv6. Ngày IPv6 đã thu hút được 400 tổ chức gồm các nhà cung cấp nội dung có tên tuổi, các nhà mạng, hãng sản xuất phần mềm… tham gia. Đây được xem là sự kiện công nghệ đáng chú ý nhất kể từ năm 1999- thời điểm mà mọi con mắt đều đổ dồn tới sự cố Y2K.
Sự tàn phá của LulzSec: Nhóm tin tặc tồn tại trong một thời gian ngắn đã thu hút sự chú ý của thế giới với hàng loạt chiến tích tấn công các trang web thuộc các cơ quan, chính phủ gồm cả cơ quan tình báo Mỹ, Thượng viện Mỹ, Sony,… Tuy nhiên, nhóm này đã tan dã vào cuối tháng 6 khi tuyên bố rằng, chúng chỉ có ý định hoạt động trong vòng 50 ngày như một nỗ lực nhằm làm sống lại phong trào AntiSec, để đối chọi với ngành công nghiệp bảo mật máy tính.
Microsoft phát hành dịch vụ đám mây Office 365: Đây được coi là cú đáp trả Google Apps của gã khổng lồ trong lĩnh vực tìm kiếm. Office 365 là minh chứng khẳng định Microsoft hiểu điện toán đám mây là gì và họ cũng muốn trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực này. Đây có sẽ là “chú bò sữa” tương lai của Microsoft.
Tháng 5
Microsoft mua Skype với giá 8,5 tỷ USD: Microsoft đã giành được Skype- công ty chuyên cung cấp dịch vụ thoại và video IP trước sự ngỡ ngàng của đối thủ Facebook và Google, hai đối thủ cũng muốn thôn tính Skype. Việc mua lại Skype và những cải tiến trên hệ điều hành Windows Phone 7 hứa hẹn sẽ mang lại cho Microsoft bước tiến mạnh mẽ nhất trong lĩnh vực di động.
Google bước chân vào cuộc chơi hệ điều hành: Google đã ra mắt hệ điều hành dựa trên nền web – Chrome, cung cấp trải nghiệm hoàn toàn khác so với Windows, Mac OS và Linux hiện nay. Google tin rằng, hệ điều hành Chrome sẽ tạo cho người dùng cách sử dụng và quản lý máy tính dễ dàng hơn. Laptop Chromebook đầu tiên được Acer phát hành trong tháng 6.
Tháng 4
Mạng chơi game PlayStatione của Sony bị tê liệt: Tin tặc đã đột nhập vào mạng PlayStation của Sony đã khiến cho cộng động chơi game PS3 bị tê liệt trong nhiều ngày và Sony đã tiết lộ thông tin cá nhân của người chơi game gồm số thẻ tín dụng đã bị xóa sạch.
Smartphone theo dõi người dùng: Vụ bê bối này được khơi ngòi khi hai nhà khoa học công bố, iPhone và iPad cảu Apple bí mật theo dõi người dùng di động. Tuy nhiên, CEO Steve Jobs quả quyết rằng, đây chỉ là sự hiểu lầm và các sản phẩm của họ đơn thuần chỉ theo dõi các điểm phát sóng Wi-Fi và tháp viễn thông chứ không theo dõi cụ thể một người dùng nào cả. Nhưng đã có hai công dân Mỹ kiện Apple vì điều này đã vi phạm quyền riêng tư. Sau đó, gã khổng lồ Google và Microsoft cũng bị dính vào vụ bê bối dõi người dùng.
Tháng 3
Động đất và sóng thần ở Nhật Bản: Ngoài những thiệt hại khủng khiếp về người và của ở Nhật Bản, thảm họa đôi này còn ảnh hướng lớn tới ngành công nghiệp công nghệ trên thế giới. Các nhà cung cấp chất bán dẫn Đài Loan đã đối mặt với sự thiếu hụt vật liệu nghiêm trọng từ Nhật Bản, đồng thời thảm họa này còn được cho là nguyên nhân gây thiếu hụt iPad 2 bán ra thị trường. Các nhà máy sản xuất chip cho hãngTexas Instruments và các công ty khác ở Nhật Bản đã ngừng hoạt động trong nhiều tháng và tuyến cáp viễn thông dưới biển Thái Bình Dương đã bị hư hại.
Cuộc chiến trình duyệt: Ba gã khổng lồ Google, Microsoft và Mozilla đồng loạt phát hành những “quân át chủ bài” trong lĩnh vực trình duyệt như Chrome 10, IE9, Mozilla Firefox 4 với tuyên bố rằng, trình duyệt của họ có sự cải thiện lớn về mặt tốc độ, bảo mật, sự đơn giản và dễ sử dụng.
Kho ứng dụng Android Market bị tấn công: Hơn 50 ứng dụng chứa mã độc được phát hiện trong kho ứng dụng của Google. Điều này báo hiệu rằng, tin tặc đang cố gắng thâm nhập vào các thiết bị di động hoạt động trên hệ điều hành Android.
Apple giới thiệu máy tính bảng iPad 2: Máy tính bảng thế hệ mới của Apple được nâng cấp cả về diện mạo và sức mạnh so với iPad đời đầu. iPad 2 tích hợp 2 camera cho phép người dùng có thể sử dụng chức năng chat video FaceTime của Apple. Sản phẩm chứng tỏ vượt trội hơn các đối thủ khác để tiếp tục dẫn đầu thị trường máy tính bảng.
Tháng 2
Nokia bắt tay Microsoft: Nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới –Nokia đã quyết định sử dụng Windows Phone 7 như hệ điều hành dành cho smartphone mới của hãng. Liên minh giữa hai gã khổng lồ hứa hẹn sẽ tạo ra sự đột phá mới cho cả hai trong lĩnh vực đang không mấy thành công của cả nhà sản xuất phần cứng và phần mềm này.
Tháng Giêng
Verizon và Apple bắt tay: Chuẩn bị cho ra đời của điện thoại iPhone 4 hoạt động trên mạng CDMA của nhà mạng này vào tháng 2. Sự kiện này cũng chấm dứt hoạt động độc quyền phân phối iPhone của hãng AT&T tại thị trường Mỹ.
Apple mở kho ứng dụng cho máy tính Mac: Ngoài kho ứng dụng dành cho smartphone và máy tính bảng, Apple đã mở ra kho ứng dụng cho máy tính bảng và đã đạt mốc 1 triệu lượt tải về trong ngày đầu tiên mở cửa vào tháng Giêng 2011. Trong khi đó, Apple đã đạt 10 tỷ lượt tải về từ kho ứng dụng App Store khoảng 1 tuần sau khi Mac App Store ra đời.
Bùng nổ thiết bị 4G (LTE): hãng loạt các nhà sản xuất điện thoại và hãng viễn thông trên thế giới công bố sẽ tung ra thị trưuờng các thiết bị 4G trong năm nay.
Cuộc đổ bộ máy tính bảng: tại triển lãm CES diễn ra hồi tháng Giêng đã chứng kiến sự phô diễn một loạt máy tính bảng của các hãng như Acer, Dell, Lenovo, LG, Motorola, NEC,…RIM cũng trình diễn máy tính bảng PlayBook, Google cũng phô trương phiên bản Android 3.0 tối ưu hóa cho máy tính bảng,…
Tuệ Minh -
(theo PCW)
Ý kiến bạn đọc